Kawasaki, bệnh lạ nguy hiểm

Nghỉ làm, chạy đôn chạy đáo ở BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) lo cho bé MMPT (hai tuổi) được chẩn đoán bệnh Kawasaki những ngày qua, chị Phạm Thị Tuyên (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay bé T. nhập viện bốn ngày nay sau khi bị sốt cao, môi đỏ như trái ớt.

Tưởng cảm sốt thông thường

Chị Tuyên đưa con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm amidan, cho uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, hai ngày sau bé vẫn không có dấu hiệu hạ sốt nên chị đưa đi khám tại BV Nhi đồng 1 và được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki, phải nhập BV. “Tôi chỉ nghĩ con mắc bệnh cảm sốt thông thường thôi. Hồi nào giờ tôi chưa nghe đến bệnh Kawasaki này bao giờ. May mắn là các chỉ số chức năng tim mạch của bé hiện vẫn bình thường” - chị Tuyên nói.

Đôi mắt thâm quầng vì theo cháu ngoại, bé NQGH (chín tháng tuổi) được BV Long Xuyên (An Giang) chuyển tuyến lên BV Nhi đồng 1 theo dõi bệnh Kawasaki trong đêm, chị Võ Thị Thảo cho hay bé H. nhập BV Nhi đồng 1 vào ngày thứ bảy của bệnh. “Trước đó bé nóng sốt, da phát ban, môi đỏ lên hết nên gia đình tôi lật đật đưa đi BV. Điều trị được vài ngày, bác sĩ chẩn đoán bệnh Kawasaki liên quan đến tim mạch. Cả nhà tôi cũng không có ai mắc bệnh tim cả, sao bé lại bị tôi cũng không hiểu” - chị Thảo bày tỏ.

Dỗ dành bé LNHA (2,5 tuổi), chị Trương Thị Lan (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho hay trước khi nhập BV, bé sốt cao, có lúc trên 38, 39 độ C nhưng cho uống thuốc hạ sốt hai ngày không đỡ, kèm theo đó bé có dấu hiệu đỏ mắt, đỏ môi. “Khi nghe con bệnh này, tôi mới tham khảo tìm hiểu về bệnh chứ trước đó tôi chỉ nghĩ bé sốt thông thường” - chị Lan cho hay.

Bệnh dễ lầm với bệnh khác

Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 1, trong các loại bệnh tim mạch, Kawasaki chiếm tỉ lệ cao nhất và thường xảy ra ở trẻ em châu Á. Mỗi năm BV Nhi đồng 1 ghi nhận trung bình có 100- 150 ca nhập viện.

T r o n g những ngày đầu tiên khởi phát bệnh, bệnh dễ bị nhầm tưởng với các bệnh nhiễm trùng khác như sốt cao đi kèm dấu hiệu ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy. Trong một, hai ngày đầu, trẻ có thể phát ban nên khiến dễ nhầm với bệnh sởi, rubella hay siêu vi gây phát ban khác. Thông thường các bác sĩ không chuyên về nhi khoa và thiếu kinh nghiệm chẩn đoán bệnh này thì rất dễ bỏ sót.

Nếu trẻ được điều trị muộn sẽ có biến chứng nguy hiểm là tổn thương mạch vành, giãn mạch vành, tắc mạch vành làm máu đi nuôi tim không đủ, sau này sẽ gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, nguy hiểm tính mạng cho trẻ. Nếu trẻ được điều trị trước 10 ngày thì có thể phòng ngừa được biến chứng này. Biến chứng này chiếm tỉ lệ khoảng 25% các trường hợp, trung bình bốn trẻ thì có một trẻ gặp biến chứng nếu không phát hiện sớm và điều trị.

Dấu hiệu môi đỏ, khô, bong tróc của bệnh nhi mắc bệnh Kawasaki đang điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HL

Bệnh có những đặc điểm gồm sốt cao, uống thuốc hạ sốt không hạ, da niêm, phát ban từ ngày thứ hai trở đi. Có nhiều dạng phát ban, có trẻ thì phát ban như sởi, có trẻ da có hồng ban hoặc đốm hình vòng. Có trẻ ngoài phát ban còn có triệu chứng ở niêm mạch, lưỡi đỏ và có đốm như trái dâu tây, niêm mạc miệng lở loét, môi khô đỏ, chảy máu, mắt đỏ. Một trong những đặc điểm phân biệt với các bệnh khác là trẻ có dấu hiệu đỏ mắt nhưng khô chứ không chảy ghèn, nước mắt, nước mũi như sởi.

Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 1, Kawasaki là bệnh tim mạch mắc phải thường gặp ở trẻ nhũ nhi và dưới năm tuổi, được ghi nhận lần đầu tiên ở Nhật vào năm 1961 và được đặt theo tên vị bác sĩ người Nhật phát hiện và mô tả ca bệnh này đầu tiên. 

Nhóm triệu chứng thứ ba là trẻ có thể nổi hạch cổ, nếu nhập BV trễ, đầu ngón tay, ngón chân có dấu hiệu bong da. Khi mắc bệnh này, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc phòng ngừa tắc, giãn mạch vành. Tỉ lệ trẻ đáp ứng với thuốc khá tốt, chỉ dưới 5% trẻ kháng thuốc sẽ được dùng thuốc khác thay thế. Tỉ lệ tái phát bệnh cũng khá thấp, chỉ 2%-3%.

Do đó, BS Phúc khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy con em có dấu hiệu sốt cao, sốt phát ban nhưng uống thuốc hạ sốt không hạ nên đưa con đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi. Thông thường các bác sĩ chuyên khoa nhi đều cập nhật kiến thức và cách nhận biết về bệnh.

Lý giải nguyên nhân của bệnh, BS Phúc cho hay bệnh không di truyền, cho đến nay thế giới cũng chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh nên rất khó phòng ngừa, chủ yếu là điều trị sớm (dưới 10 ngày). Giới khoa học đặt ra nhiều giả thiết, trong đó có khả năng trẻ mắc bệnh này sau nhiễm siêu vi hoặc nhiễm trùng làm kích hoạt hệ thống miễn dịch gây ra bệnh.

Sáu biểu hiện lâm sàng cần lưu ý

Bệnh Kawasaki không có triệu chứng và xét nghiệm đặc trưng nên xác định bệnh chủ yếu dựa vào tập hợp các triệu chứng lâm sàng chính hay gặp kết hợp với một số xét nghiệm mà chủ yếu là siêu âm tim.

Các biểu hiện chính có giá trị chẩn đoán bệnh Kawasaki (sáu biểu hiện lâm sàng): Sốt liên tục năm ngày hoặc hơn; viêm đỏ kết mạc hai bên; thay đổi khoang miệng: môi đỏ sẫm, mọng hoặc rỉ máu, phù đỏ khoang miệng, lưỡi đỏ nổi gai còn gọi là “lưỡi dâu tây”; thay đổi đầu chi: giai đoạn đầu: phù mu tay, mu chân; đỏ tía gan bàn tay, bàn chân; giai đoạn bán cấp: bong da đầu ngón tay, đầu ngón chân; ban đỏ đa dạng toàn thân; sưng hạch góc hàm, >1,5 cm, không hóa mủ. 

(Theo chẩn đoán điều trị bệnh Kawasaki của BV Nhi Trung ương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm