Khi nào xem COVID-19 là bệnh thông thường?

Trên thế giới, hiện đã có nhiều quốc gia chấm dứt mọi luật lệ liên quan đến virus SARS-CoV-2. Ngay cả khi có kết quả dương tính, người mắc không còn có nghĩa vụ pháp lý phải tự cách ly. Tại các khu vực có tỉ lệ tiêm chủng cao, người dân đã thay đổi cách tiếp cận đối với COVID-19, xem đây là căn bệnh đặc hữu. Còn tại Việt Nam (VN), khi nào có thể xếp COVID-19 là bệnh lưu hành?

Bộ Y tế vừa có báo cáo liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc coi COVID-19 là bệnh lưu hành (bệnh thông thường).

Trên thế giới, hiện đã có nhiều quốc gia chấm dứt mọi luật lệ liên quan đến virus SARS-CoV-2. Trong ảnh: Mọi sinh hoạt, đời sống của người dân tại TP.HCM trở lại bình thường nhưng vẫn đảm bảo phòng dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022 ngày 3-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành hay bệnh thông thường). 

COVID-19 là bệnh thông thường khi thời điểm thích hợp

Theo Bộ Y tế, bệnh lưu hành, tiếng Anh là endemic diseases, là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỉ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Bệnh lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như sau: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Trong nước, tuy tỉ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hằng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày, cao hơn cả số tử vong cao điểm hằng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại VN.

Bộ Y tế cũng cho biết hiện các chuyên gia và các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Về vấn đề này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định đối với bệnh COVID-19 tại VN.

Cụ thể: Trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả tỉnh, TP trên cả nước và số trường hợp nhiễm cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả tỉnh, TP. Tuy vậy, dịch bệnh tại VN vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành.

Tỉ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt là giữa các tỉnh, TP đã từng có tỉ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, TP mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỉ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

“Như vậy, trong thời gian này, VN chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành khi thời điểm thích hợp.

Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh nhân thông thường” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Số ca nhiễm tăng cao, tỉ lệ tử vong giảm sâu

Báo cáo tại cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 5-3, Bộ Y tế cho biết tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 mới có xu hướng tăng ở hầu hết tỉnh, thành trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%).

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, TP, nhất là TP Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc cho những đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.

Theo đó, tỉ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%). So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.

Cả nước cơ bản đã bao phủ hai liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỉ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng). Đến hết quý I-2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1-2022, do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4-2022. 

Còn sớm để xem là bệnh lưu hành

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng hiện còn quá sớm để xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, hay còn gọi là bệnh lưu hành.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, bệnh lưu hành là số ca mắc bệnh trong cộng đồng ổn định và tỉ lệ mắc bệnh được kiểm soát, không còn làn sóng dịch mới nữa.

Hiện theo thống kê, số người mắc COVID-19 vẫn còn đang tiếp tục tăng, việc xem COVID-19 là bệnh lưu hành còn quá sớm bởi những nguyên nhân sau:

Người dân có miễn dịch trước bệnh COVID-19 chủ yếu là do được tiêm chủng. Trước đây, giới khoa học tin rằng miễn dịch của vaccine có thể ổn định ít nhất 1-2 năm nhưng hiện tình hình đã thay đổi khi chỉ vài tháng sau thì hiệu quả bảo vệ của vaccine đã giảm đi. Cùng với sự xuất hiện biến chủng mới, nhiều người tiêm vaccine mũi 3 vẫn mắc bệnh, có khả năng một làn sóng dịch mới sẽ tái diễn.

Theo nhận định của PGS-TS Đỗ Văn Dũng, để tình hình dịch ổn định thì người dân phải có miễn dịch khi mắc phải bệnh lớn hơn cùng với miễn dịch do tiêm chủng thì hiệu quả bảo vệ sẽ bền vững hơn trước tình hình vaccine giảm dần hiệu quả bảo vệ.

Trong khi chờ tiến tới miễn dịch cộng đồng thì người dân cần phải tiếp tục được truyền thông về việc tiếp tục tiêm vaccine, đặc biệt là mũi 3 để nếu có mắc bệnh thì triệu chứng bệnh cũng nhẹ hơn, giảm số nhập viện và tử vong. Việc tiêm vaccine đã chứng minh giúp số người mắc và tử vong không nhiều. Ở các bệnh viện, người nhập viện mắc bệnh nặng vẫn là những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, người dân hiện đang tồn tại tâm lý chủ quan rằng biến chủng Omicron mới được cho là đang gây ra nhiều ca mắc mới không ảnh hưởng đến sức khỏe như biến chủng Delta, trước sau gì cũng nhiễm bệnh thì thà nhiễm bệnh sớm còn hơn. PGS-TS Đỗ Văn Dũng lưu ý tâm lý này có thể hiểu được nhưng không đúng.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng lo ngại khi ca mắc trong cộng đồng tăng thì sẽ làm tăng tỉ lệ nhiễm bệnh và số người có bệnh nền cũng dễ mắc bệnh hơn, dẫn đến họ có nguy cơ chết “oan uổng”.

“Việc xem COVID-19 là bệnh đặc hữu sẽ kéo theo nhiều biện pháp phòng chống dịch thay đổi. Nếu có làn sóng dịch mới thì Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc vận động người dân tuân thủ, hệ thống y tế có nguy cơ quá tải.

Sở dĩ nhiều nước trên thế giới xem dịch COVID-19 là bệnh lưu hành (chẳng hạn nước Anh) là còn căn cứ vào miễn dịch cộng đồng tương đối ổn, không còn lây lan lớn, nguồn lực y tế quốc gia và các loại thuốc điều trị bên cạnh thuốc kháng virus còn có nhiều loại thuốc đặc trị mới, kháng thể đơn dòng...” - PGS-TS Đỗ Văn Dũng lo ngại.

Khi nào có thể xếp COVID-19 là bệnh lưu hành?

Theo GS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian qua chúng ta thực hiện rất tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine với tỉ lệ lên tới 98%-99%. Người dân đã thực hiện tuân thủ tương đối đầy đủ việc thực hiện 5K, nhất là đeo khẩu trang. Chúng ta cũng kiểm soát hiệu quả việc không để tăng số ca bệnh chuyển nặng. Tỉ lệ tử vong đã giảm mạnh.

“Tiêu chí để chuyển một dịch bệnh như COVID-19 sang bệnh đặc hữu (hay theo quan điểm dịch tễ học là bệnh lưu hành thì cần phải dựa trên mức độ virus lây lan trong nước, tỉ lệ ca nhiễm trở nặng, tỉ lệ tử vong, tỉ lệ đạt miễn dịch cộng đồng gồm miễn dịch mắc phải và miễn dịch do tiêm chủng phải chiếm tỉ lệ tương đối cao, khả năng đáp ứng tốt của hệ thống y tế và tâm lý sẵn sàng sống chung với dịch của người dân mới có thể gọi là bệnh đặc hữu được.

Đến thời điểm này, chúng ta có thể thấy khả năng phòng chống dịch của hệ thống y tế cũng đã tương đối đảm bảo. Đặc biệt tâm lý của người dân đã sẵn sàng chấp nhận COVID-19 là một bệnh gặp thường ngày, không có sự sợ hãi, lúng túng nữa. Chính bởi vậy, các đơn vị bộ, ngành cũng nên từng bước cân nhắc xem xét để người dân có cách tiếp cận mới, tích cực hơn với dịch bệnh” - GS Nga nhận định.

Bên cạnh đó, để tiến gần hơn đến việc xem COVID-19 là bệnh lưu hành, ngành y tế cũng cần từng bước điều chỉnh chính sách, quy định, quy tắc để ứng xử với COVID-19 như các bệnh lý truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết, HIV, sởi, dịch cúm… Khi đó người dân phải tự thực hiện tiêm chủng cá nhân, khám và điều trị theo bảo hiểm y tế hoặc tự chi trả, các cơ sở y tế sẽ phải xử lý ca bệnh tương tự như các bệnh lý lưu hành địa phương khác.

Khi đã xem COVID-19 là bệnh lưu hành thì các nhân viên y tế giảm được gánh nặng công việc, khối y tế dự phòng sẽ không còn phải vất vả trực đêm, trực ngày để báo cáo dịch như trước kia. Chế độ chống dịch, điều trị của nhân viên y tế trở về trạng thái chống dịch bình thường như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B, không còn đặc biệt nguy hiểm như bệnh truyền nhiễm nhóm A. Nhà nước cũng sẽ giảm được ngân sách đầu tư chống dịch.

Khi xem COVID-19 là bệnh lưu hành, việc công bố số lượng ca F0 hằng ngày cũng không cần thiết nữa, còn việc thống kê số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn thực hiện theo quy định giám sát dịch của ngành y tế. Định kỳ ngành y tế vẫn thực hiện công việc đó với các bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết… Chủ yếu thống kê những người có triệu chứng, nhẹ thì tự điều trị ở nhà, nặng thì vào viện. •

Khi nào xem COVID-19 là bệnh thông thường? ảnh 2
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: N.NHI

Ý kiến chuyên gia

Cùng với quan điểm của Bộ Y tế và một số chuyên gia, đây chưa phải là thời điểm để đưa COVID-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A, một số chuyên gia lại có ý kiến khác.

PGS-TS NGUYỄN DUY ÁNH, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội:

Để nhóm A mãi sẽ không đủ năng lực điều trị miễn phí

Về lâu dài, không nên đưa COVID-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm ở nhóm A nữa. Tuy số người mắc tăng cao nhưng cũng giống như cảm cúm, tỉ lệ tử vong do COVID-19 gây nên thấp. Nếu để ở nhóm A mãi sẽ không có đủ năng lực điều trị miễn phí cho người bệnh.

Chưa kể hiện giờ tất cả người bệnh được điều trị COVID-19 như nhau theo quy định chung. Điều này đôi khi gây thiệt thòi cho nhiều người bệnh khi họ muốn sử dụng dịch vụ chăm sóc khác tốt hơn.

Mặt khác, những bệnh lưu hành hiện nay đều có các chính sách phân vùng, phân khu, phân luồng… Giao cho các bệnh viện (BV) để phân về khoa, phòng chuyên môn phụ trách điều trị. Khi đã coi COVID-19 là bệnh lưu hành, Nhà nước cần phân luồng cụ thể, nhóm BV nào sẽ được tham gia điều trị. Giao trách nhiệm cho các BV đều phải quan tâm đến bệnh này, không được chủ quan bỏ qua.

Khi cần khám ngoại trú và chăm sóc điều trị nội trú phải có nơi đến cụ thể, mà không phải toàn khối y tế thực hiện trách nhiệm với bệnh này. Ngoài ra, cần xây dựng hướng dẫn dự phòng cho loại bệnh này từ quy trình, thăm khám đến việc tiếp nhận điều trị, xử lý những ca bệnh nặng.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life):

Chuyển đổi bệnh viện dã chiến thành bệnh viện đặc trị

Tâm lý của người dân ở TP.HCM qua các khảo sát của Social Life cho thấy mọi người bắt đầu tự thích ứng với dịch bệnh. Khi mắc COVID-19, đa số người dân đều tự cách ly và điều trị. Hiện tại, người dân không còn quá lo lắng mà đón nhận dịch bệnh một cách nhẹ nhàng hơn, chứ không rơi vào trạng thái bấn loạn, hoang mang như trước đây.

Để tiến tới xem COVID-19 là bệnh thông thường, chúng ta phải có kế hoạch chăm sóc y tế đối với những người có bệnh nền, người cao tuổi. Thay vì giải thể, chúng ta có thể chuyển đổi BV dã chiến thành BV đặc trị cho những trường hợp trở nặng hoặc xây dựng khoa chuyên trị COVID-19 trong các BV. Người mắc COVID-19, gặp vấn đề hậu COVID-19 có thể đến khoa này điều trị, thăm khám.

Để COVID-19 thành bệnh thông thường, Nhà nước cần có một kế hoạch bảo vệ người có nguy cơ trở nặng. Sắp tới, mỗi quận, huyện nên duy trì một BV đặc trị COVID-19, chứ không phải khu cách ly tập trung. Nâng cao hạ tầng y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người có bệnh nền, người cao tuổi nhiễm dịch bệnh.

Ngoài ra, chúng ta cần thay đổi cách diễn ngôn về dịch bệnh, đừng dùng các cụm từ như BV dã chiến, khu cách ly… Việc dùng diễn ngôn khác sẽ bình thường hóa dịch bệnh thành bệnh thông thường trong nhận thức của người dân.

Việc nâng cao hệ thống y tế cơ sở cũng cần chú trọng. Hệ thống này sẽ theo dõi, hướng dẫn những trường hợp mắc bệnh cách ly tại nhà. Xác lập một phác đồ điều trị COVID-19 từ xa để người dân an tâm tự thân điều trị.

Hiện tại có quá nhiều nhóm tư vấn, đủ loại toa thuốc… cũng khiến người bệnh hoang mang. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách để người bệnh hướng về và tin tưởng hệ thống y tế cơ sở. Với những ca có bệnh nền, người cao tuổi, y tế cơ sở sẽ chuyển đến các BV, các chuyên khoa điều trị COVID-19 ở các BV lớn.

Ngoài ra, chúng ta phải có một kế hoạch truyền thông, có một kịch bản để thích ứng an toàn, biến COVID-19 thành bệnh thông thường. Từ đó, người dân mới hiểu và hợp tác một cách nhịp nhàng.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM:

Số ca mắc Omicron tăng cao, khá đủ để tạo miễn dịch cộng đồng

Theo tình hình hiện tại, số ca mắc COVID-19 dù có tăng nhưng số ca bệnh nặng và tử vong không cao nhờ hiệu quả bảo vệ của vaccine. Chúng ta nên căn cứ vào tỉ lệ tiêm vaccine ở mỗi địa phương để tính toán xem COVID-19 là bệnh thông thường ở nơi đó. Chẳng hạn, TP.HCM có tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3 cao, tỉ lệ ca tử vong rất thấp, do đó có thể xem COVID-19 là bệnh thông thường. Điều này cũng tương tự như việc phân vùng nguy cơ theo màu của các địa phương trong thời gian qua.

Việc xem COVID-19 là bệnh thông thường sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh, nếu số ca mắc tăng, kéo theo tử vong tăng cao thì có thể áp dụng các biện pháp siết chặt lại giãn cách.

Kể từ thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, biến chủng Omicron xâm nhập cộng đồng, số ca mắc tăng cao cho thấy đã khá đủ tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu tiếp tục áp dụng các biện pháp siết chặt thì vô tình sẽ kìm tốc độ miễn dịch cộng đồng.

Mặc dù vậy, các đối tượng có nguy cơ bệnh nặng vẫn cần được bảo vệ như tiêm vaccine mũi tăng cường, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận thuốc kháng virus dễ dàng hơn.

Việc xác định số ca tử vong do COVID-19 không thể so sánh với số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, bệnh sởi, bệnh dại mà nên có phép so sánh hợp lý hơn. Chẳng hạn, so sánh với số ca tử vong do các nhóm bệnh thông thường khác ở lứa tuổi này. Tùy theo vùng, cần phân tích các nguyên nhân tử vong để có biện pháp ứng phó với dịch bệnh phù hợp.

Về hệ thống điều trị, không cần thiết duy trì các BV điều trị COVID-19 như hiện nay mà người dân khi mắc bệnh có thể được chữa ở các cơ sở y tế có khoa COVID-19 hoặc đơn vị điều trị COVID-19 trong khoa nhiễm. Nơi điều trị được bố trí tách biệt, tránh lây lan trong BV.

Tương tự, một khi xem là bệnh thông thường, người dân có triệu chứng nhẹ hoặc người tiếp xúc F0 là F1 không cần phải xét nghiệm, chỉ cần đeo khẩu trang và thực hiện 5K với người khác, chỉ làm xét nghiệm cho những người có triệu chứng suy hô hấp, cần can thiệp hô hấp. Việc này sẽ giúp tiết kiệm nguồn chi phí test COVID-19 đang là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

P.HÙNG - N.LÀI - H.LAN 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm