Khỏi bệnh COVID-19 đã lâu vẫn mệt mỏi: Đừng coi thường!

Mới đây, Khoa vật lý trị liệu phục hồi chức năng BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân (BN) NTM (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đến thăm khám với triệu chứng mệt mỏi, uể oải, không tập trung làm được việc gì và không thể lý giải nguyên nhân. Bà M cho biết đã điều trị khỏi COVID-19 từ chín tuần trước.

Bệnh nhân tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau COVID-19 tại BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM (BV 1A). Ảnh: BSCC

Hết COVID-19 đã chín tuần vẫn mệt mỏi

Được sự tư vấn, bà M đến khám tại Khoa vật lý trị liệu phục hồi chức năng BV Nhân dân Gia Định và được các bác sĩ chẩn đoán có “hội chứng long COVID-19”. Sau ba tuần điều trị với các bài tập thở, vận động hiếu khí, học cách kiểm soát năng lượng và phối hợp tâm - thể trị liệu, các triệu chứng của bà M đã cải thiện 50%-60%. Bà M đã đi bộ được gần ba vòng công viên, tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn.

Tương tự, các BV như Thống Nhất, Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM (BV 1A)… cũng đang tiếp nhận và điều trị cho nhiều BN có di chứng sau COVID-19 từ nhẹ đến nặng, cần tập phục hồi cả thể chất và tinh thần.

Không chỉ vậy, BN “long COVID-19” còn tìm đến các phòng khám tâm lý. Theo ghi nhận, Phòng khám tâm lý lâm sàng BV ĐH Y Dược TP.HCM và Khoa tâm lý lâm sàng BV Lê Văn Thịnh thời gian qua tiếp nhận không ít BN có vấn đề tâm lý khi từng là F0 điều trị trong các BV thu dung dã chiến hoặc cách ly, điều trị tại nhà.

Đưa vợ đến khám ở BV Lê Văn Thịnh, ông Ngô Phú chia sẻ: “Sau khi điều trị COVID-19, cách ly tại nhà thành công rồi thì bà ấy lại bị mất ngủ và triệu chứng mất ngủ ngày càng trầm trọng hơn. Bà ấy có những cái lo lắng không logic, ví dụ như lo ngày mai ăn cái gì, thường thì trước đây bà ấy không có biểu hiện như vậy”.

Nên đến các trung tâm tư vấn tâm lý

Theo BS Trần Quang Trọng, trường hợp người mắc “long COVID-19” nhẹ có thể chỉ cần gia đình quan tâm, động viên là họ có thể vượt qua áp lực tâm lý. Thế nhưng với BN nặng thì tốt nhất là nên đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được các chuyên viên và chuyên gia tâm lý nâng đỡ, hỗ trợ giúp giảm stress sau sang chấn. 

Triệu chứng “long COVID-19” rất đa dạng

BS Nguyễn Quang Khải, Khoa vật lý trị liệu phục hồi chức năng BV Nhân dân Gia Định, cho biết hậu nhiễm COVID-19, BN có thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, tồn tại dai dẳng. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu triệu chứng xuất hiện sau khi nhiễm COVID-19 kéo dài tối thiểu tám tuần mà không thể lý giải bằng các nguyên nhân khác thì được chẩn đoán là BN “long COVID-19”.

“Đây là một rối loạn bệnh lý có thật. Các triệu chứng thường rất đa dạng và không đặc hiệu như mệt mỏi, đau đầu, khó thở, tức ngực, ho dai dẳng, rụng tóc, mất ngủ, giảm sự tập trung, giảm trí nhớ ngắn hạn, dễ lo âu, căng thẳng... Một điều cần lưu ý là mọi lứa tuổi đều có thể mắc, từ mức độ nặng và nguy kịch đến cả mức độ nhẹ” - BS Khải lưu ý.

Theo BS Khải, nếu không nhìn nhận và can thiệp hợp lý, “long COVID-19” sẽ vừa ảnh hưởng cá nhân BN (về phương diện sức khỏe, tinh thần, chất lượng cuộc sống) vừa gây gia tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động, tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội. Hiện tại, đây là mối quan tâm không chỉ của BN, nhân viên y tế mà còn là toàn thể xã hội.

Do virus có thể tấn công nhiều hệ cơ quan (não, tim, phổi, dạ dày, gan, lách, thận, mạch máu...) nên BN có thể đến khám tại bất kỳ chuyên khoa nào. Quá trình điều trị cần sự phối hợp đa chuyên ngành.

Các phương thức phục hồi chức năng rất đa dạng như hô hấp trị liệu, tăng sức bền tim - phổi, tập mạnh cơ, tư vấn các kỹ thuật bảo tồn năng lượng và xử trí mệt mỏi, âm ngữ trị liệu khi có rối loạn nuốt và giọng nói, hoạt động trị liệu hỗ trợ... Tùy vào thể trạng và bệnh lý của BN mà bác sĩ sẽ có chỉ định và các lưu ý phù hợp. Ví dụ như BN có hoặc nguy cơ cao bị viêm cơ tim cần được tư vấn kỹ càng để đề phòng các rủi ro khi quay trở lại tập luyện và chơi thể thao cường độ nặng. Do đó, BN cần đến cơ sở y tế để được thăm khám nếu cảm thấy có triệu chứng bất thường.

BS Trần Quang Trọng, Khoa tâm lý lâm sàng BV Lê Văn Thịnh, cho biết BN “long COVID-19” cần được kết hợp trị liệu giữa vật lý trị liệu và nâng đỡ tâm lý, giúp họ vượt qua những sang chấn. Những sự kiện như mất mát người thân, từng là F0 điều trị trong các BV thu dung dã chiến có thể ảnh hưởng tinh thần BN.

“Biểu hiện thường gặp ở BN là những ký ức tái hiện, tái đi tái lại rất nhiều lần, có thể là trong những giấc mơ hoặc biểu hiện ra bên ngoài như mất ngủ, cáu gắt, cảm thấy không hoạt động gì được, tránh giao tiếp với người thân trong gia đình hay những người bên ngoài. Những trường hợp nặng, họ sẽ né tránh hết mọi vấn đề trong cuộc sống, không dám ra đường, họ thu rút mình lại…” - BS Trọng kể.•

 

72% bệnh nhân khỏi COVID-19 vẫn gặp
các vấn đề về sức khỏe

Nghiên cứu của nhóm bác sĩ nội trú bộ môn Chấn thương chỉnh hình - Phục hồi chức năng Trường ĐH Y Dược TP.HCM thực hiện trên 174 BN là F0 theo dõi tại nhà mới đây cho thấy mặc dù không có BN tái nhập viện nhưng có đến 125 BN gặp các vấn đề về sức khỏe (chiếm 72%) sau khi khỏi bệnh. Trong đó có năm triệu chứng thường gặp biểu hiện từ nhẹ đến nặng chiếm tỉ lệ cao nhất ở BN sau khi mắc COVID-19 là mệt (29 người, chiếm tỉ lệ 28,16%), giảm trí nhớ (41 người, chiếm tỉ lệ 23,56%), đau/khó chịu (39 người, chiếm tỉ lệ 22,41%), lo âu (32 người, chiếm tỉ lệ 18,39%), giảm tập trung (29 người, chiếm tỉ lệ 16,67%). Đặc biệt có 5% BN giảm năng suất công việc do sức khỏe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm