Sáng 8-3, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (Hải Dương).
Những nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19 ở Bệnh viện
Bệnh nhiệt đới TP.HCM sáng 8-3. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ngày đầu tiêm mở rộng rất thành công, an toàn
Trong ngày 8-3, tổng cộng đã thực hiện tiêm cho 377 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng. Cụ thể, tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương (Cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 66 người, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm cho 104 người, tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người.
Các thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn đã dẫn đầu các đoàn công tác của Bộ Y tế đến từng điểm tiêm chủng để kiểm tra, giám sát các khâu chuẩn bị cho quá trình tiêm như bảo quản, vận chuyển vaccine; bố trí các khu vực chức năng tại điểm tiêm chủng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều; đảm bảo việc tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy định về tiêm chủng và phòng dịch của Bộ Y tế. Các thứ trưởng đều đánh giá cao khâu chuẩn bị và hoạt động triển khai tiêm chủng thực tế tại các địa điểm này.
Theo thông tin từ chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hoạt động tiêm chủng tại cả bốn điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn. 100% người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm.
Hà Nội tiêm cho hơn 7.000 người Chiều 8-3, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết sở đã lên kế hoạch danh sách cụ thể cho tổng cộng 7.235 người được tiêm vaccine, với 10% dự phòng hao phí vaccine theo quy định của Bộ Y tế. Hà Nội sẽ tiêm trong vòng một tuần, từ ngày 9 đến 18-3 tại 30 quận, huyện trên toàn TP. |
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Ban điều hành dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết các điểm tiêm chủng tại tỉnh Hải Dương đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế và tổ chức rất thành công, đảm bảo an toàn tiêm chủng, đồng thời chủ động phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2.
Trong ngày hôm nay (9-3), các điểm tiêm chủng nêu trên tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng triển khai tiêm vaccine COVID-19 tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai. Các tỉnh còn lại đang lập kế hoạch để tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới.
Bác sĩ điều trị BN91: “Tiêm vaccine, mơ ước thành hiện thực”
Sáng 8-3, những liều vaccine ngừa COVID-19 đã được vận chuyển về BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để sẵn sàng tiêm cho nhân viên y tế tại đây.
Trong ngày có 100 nhân viên y tế là các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 (Khoa nhiễm D, Khoa hồi sức cấp cứu người lớn, Khoa cấp cứu) được tiêm những mũi vaccine đầu tiên.
Dự kiến có khoảng 900 nhân viên y tế được tiêm trong đợt này, tùy theo nguồn cung ứng mà bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện và dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chia sẻ rất hồi hộp khi được chọn là một trong những nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên.
BS Nguyễn Thanh Phong cũng là người được biết đến đã từng điều trị cho bệnh nhân Việt kiều Mỹ 73 tuổi và trải qua 65 ngày giành sự sống cho bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh trước khi được chuyển về BV Chợ Rẫy điều trị tiếp.
Trải qua những ngày tháng đồng hành cùng bệnh nhân mắc COVID-19 đáng nhớ từ những ngày đầu dịch bệnh COVID-19 xâm nhập và lây lan tại Việt Nam cũng như TP.HCM, BS Phong chia sẻ một năm qua cảm thấy rất áp lực. Bản thân là người làm công tác điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, ông thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mới về dịch bệnh và thấy rằng dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo BS Phong, bên cạnh các biện pháp khống chế dịch bệnh như điều trị bệnh nhân, khoanh vùng cách ly người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 thì việc đưa vào tiêm chủng vaccine cho người dân là một giải pháp hiệu quả góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Một khi độ bao phủ vaccine rộng khắp thì nguy cơ nhiễm bệnh của người dân cũng sẽ được giảm xuống, áp lực đối với đội ngũ tuyến đầu chống dịch cũng sẽ được giải tỏa.
BS Phong chia sẻ ông cùng với các đồng nghiệp của mình đã mong mỏi có được vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất từ lâu và hôm nay điều này đã thành hiện thực.
“Khi được tiêm vaccine, có thể nói chúng tôi được trang bị thêm một hệ thống giáp sinh học bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus. Việc phòng ngừa nhân viên y tế nhiễm bệnh cũng giúp cho chúng tôi có đủ sức khỏe để chăm sóc bệnh nhân và quan trọng là không mắc bệnh để lây ngược lại cho người bệnh và cộng đồng” - BS Phong vui mừng nói.
Chiến dịch tiêm vaccine quy mô chưa từng có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định đến nay Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á có được vaccine AstraZeneca. Đây là chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà Bộ Y tế tổ chức. “Và ngày hôm nay là khởi động của chiến dịch để đưa vaccine về nước nhanh nhất và có thể tiêm được cho người dân một cách càng nhanh càng tốt” - ông khẳng định. |