Tiêm vaccine cho phụ nữ có thai: Chuyên gia phụ sản nói gì?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19". Hướng dẫn này có hiệu lực từ hôm nay (10-8). Theo Hướng dẫn, một số nhóm người như người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; và nhụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên… phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM nhận định: “Phụ nữ mang thai cần được tư vấn đầy đủ, đánh giá các lợi ích và nguy cơ để quyết định tiêm vaccine. Các nước trên thế giới hiện nay đều khuyến cáo tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, đặc biệt tại các khu vực dịch đang bùng phát mạnh.”

. Phóng viên: Thưa PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan, bà đánh giá như thế nào về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đối với phụ nữ có thai? Và vaccine có vai trò như thế nào đối với phụ nữ có thai?

+ PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan: Phụ nữ mang thai có thể có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn phụ nữ không mang thai, điều này do những thay đổi sinh lý và chuyển hóa của cơ thể khi mang thai.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai khi mắc COVID-19 thì nguy cơ diễn tiến suy hô hấp nặng cũng tăng, tăng nguy cơ nhập hồi sức cấp cứu, phải sử dụng ECMO. Ngoài ra, khi có thai mà mắc COVID-19 thì người phụ nữ cũng tăng nguy cơ tiền sản giật, sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung và tăng tỉ lệ mổ lấy thai.

Do đó, phụ nữ mang thai là đối tượng nên ưu tiên tiêm vaccine để bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, thai nhi và cộng đồng. Tiêm vaccine COVID-19 có thể bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi các biến chứng nặng của COVID-19. Phụ nữ cho con bú có thể tiêm vaccine COVID-19, kháng thể sinh ra có thể qua sữa mẹ, từ đó bảo vệ cho bé.

TP.HCM và các tỉnh thành đang triển khai các đợt tiêm chủng quy mô lớn. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

. Theo nghiên cứu trên thế giới, việc tiêm vaccine cho phụ nữ có thai diễn ra như thế nào?   

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ mang thai có thể tiêm vaccine như người bình thường. Chưa ghi nhận tăng các nguy cơ có vấn đề bất thường nào đối với phụ nữ và thai nhi so với người phụ nữ không mang thai.

Theo quyết định 3802/QĐ-BYT của Bộ Y tế Việt Nam ký ngày 10-8-2021, các phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên cần được tiêm vaccine tại cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu Sản khoa, để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

. Một số sản phụ vẫn rất lo lắng về việc tiêm vaccine có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của họ, đến sức khỏe của họ và thai nhi. Bà có khuyến cáo gì đối với họ?

+ Vaccine COVID-19 được sử dụng trên thế giới từ tháng 12-2020, cho đến nay chưa đến 1 năm. Do đó, chưa có đủ các dữ liệu để đánh giá về mức độ an toàn về lâu dài. Tuy nhiên, cho đến nay, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Mỹ, dữ liệu ghi nhận trên hơn 130.000 phụ nữ có thai tại thời điểm tiêm chủng vaccine COVID-19, chưa phát hiện các tác dụng phụ, biến chứng và tác hại nào đặc biệt của vaccine COVID-19 trên phụ nữ mang thai.

Do đó, phụ nữ mang thai cần được tư vấn đầy đủ, đánh giá các lợi ích và nguy cơ để quyết định tiêm vaccine. Các nước trên thế giới hiện nay đều khuyến cáo tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, đặc biệt tại các khu vực dịch đang bùng phát mạnh.

Ngoài việc đánh giá và theo dõi thai, phụ nữ mang thai tiêm vaccine cũng được theo dõi sau tiêm như các trường hợp khác. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam ký ngày 10-8-2021, tiêm ngừa vaccine COVID-19 được thực hiện cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Các phụ nữ mang thai và cho con bú chống chỉ định tiêm vaccine Sputnik V. Khi đến tiêm vaccine, các phụ nữ mang thai và cho con bú sẽ được khám sàng lọc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

. Xin cám ơn Bà.

Khuyến cáo của WHO?

WHO khuyến cáo sử dụng vắc xin COVID-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn. Để giúp phụ nữ mang thai đưa ra đánh giá này, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc COVID-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương, và những hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở phụ nữ mang thai. WHO không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng. WHO không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm phòng Covid-19.

(Nguồn: Website của WHO cập nhật ngày 9-7-2021)

Nghiên cứu tại Anh, Mỹ: Vaccine an toàn cho phụ nữ có thai

Hôm 3-8, Bộ Y tế Anh cho biết chính phủ nước này tài trợ 7,5 triệu bảng (khoảng 10,5 triệu USD) cho việc nghiên cứu lâm sàng về khoảng cách giữa các liều vaccine phòng COVID-19 ở các thai phụ.

Tuyên bố của bộ trên nêu rõ đã có khoảng 52.000 phụ nữ mang thai tại Anh được tiêm chủng ngừa COVID-19 với vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna - hai loại vaccine được Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng và tiêm chủng (JCVI) khuyên dùng cho thai phụ. Cho đến nay vẫn chưa phát sinh vấn đề đáng lo ngại nào về độ an toàn. Tương tự, khoảng 130.000 phụ nữ mang thai tại Mỹ cũng đã được tiêm chủng an toàn.

Dữ liệu do Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) vùng England và trường Đại học Oxford công bố vào tuần trước cũng cho thấy không có thai phụ nào đã tiêm đủ hai liều vaccine phòng COVID-19 phải nhập viện, trong khi có 3 người phải nhập viện sau khi tiêm một liều, có nghĩa là 98% phụ nữ mang thai nhập viện do COVID-19 là những người chưa được tiêm chủng.

Quốc vụ khanh phụ trách việc phát triển vaccine phòng COVID-19 Nadhim Zahawi cho biết phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 và vaccine phòng COVID-19 an toàn cho họ, đồng thời tạo ra sự khác biệt rất lớn khi không có phụ nữ mang thai nào phải nhập viện khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Nghiên cứu do chính phủ tài trợ này sẽ cung cấp thêm dữ liệu về cách có thể bảo vệ phụ nữ mang thai và thai nhi một cách tốt nhất

(Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm