Những ngày qua, các y bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) dã chiến và điều trị COVID-19 ở TP.HCM đang tập trung chăm sóc và điều trị khi số bệnh nhân tăng trở lại.
Kê thêm giường tiếp nhận bệnh
BS Hồ Hữu Đức, Phó Giám đốc BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình, cho biết theo quy mô, BV có 1.000 giường nhưng giai đoạn 1 mới thiết kế 720 giường, đang xây dựng 300 giường còn lại. Tuy nhiên, những ngày qua số bệnh nhân tiếp nhận luôn trên 800, BV phải kê thêm giường. Do ca bệnh đông nên BV cố gắng nhận những ca thuộc tầm phụ trách như khu vực quận Tân Bình, quận Phú Nhuận, tạm thời không nhận bệnh từ những khu vực khác.
Theo BS Đức, BV có ba đơn vị phụ trách gồm BV Thống Nhất phụ trách tầng 3, BV quận Tân Bình phụ trách tầng 2 và Trung tâm Y tế quận Tân Bình phụ trách tầng 1. Hiện lực lượng tình nguyện viên đã rút bớt, hoạt động của các đơn vị phụ trách ba tầng điều trị cũng trở lại bình thường nên không thể cử nhân sự tăng cường.
Tương tự, Trung tâm điều trị COVID-19 tại BV Quân y 175 cũng đang phải liên tục tiếp nhận sau một thời gian vắng dần bệnh nhân. BS Vũ Đình Ân cho biết nếu như từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, số ca bệnh nặng giảm hẳn thì từ ngày 26-10 trở lại đây F0 nặng và nguy kịch nhập viện đều tăng, dẫn đến số ca tử vong cũng tăng theo.
Hiện nơi đây đang điều trị cho 370 bệnh nhân, trong đó có 170-175 ca nặng và nguy kịch. “Nếu như thời gian cao điểm bệnh nặng chiếm 70% thì cuối tháng 9 đầu tháng 10, số bệnh nhân chỉ còn 30% nhưng hiện tại đã tăng lên gần 50%. Có những lúc chúng tôi phải kê thêm giường tiếp nhận bệnh nhân” - BS Ân nêu.
Bệnh nhân điều trị tại BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình. Ảnh: BSN
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh kiêm giám đốc BV dã chiến số 3 (TP Thủ Đức), cho biết để giảm số ca nặng nhập viện, BV cũng cắt cử nhiều nhân sự tham gia tổ y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà. Nòng cốt của lực lượng này là nhân viên BV, trạm y tế, lực lượng y tế tư nhân tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, giáo viên, dân quân tự vệ… Do đó, dù số ca bệnh tăng nhưng số nhập viện hiện không nhiều, các cơ sở thu dung chưa đặt ra vấn đề quá tải.
BS Khanh cũng lo ngại nếu không tuân thủ 5K tốt, lơ là quản lý thì nguy cơ số ca tăng, hệ thống y tế có khả năng quá tải. Nhân sự của BV Lê Văn Thịnh ngoài hỗ trợ các BV dã chiến, khu thu dung còn đang hỗ trợ các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang tiêm phòng COVID-19, có những BS đã miệt mài chống dịch từ tháng 4 đến nay.
Ca tử vong tăng, nhập viện cao hơn xuất viện Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, số ca tử vong từ đầu tháng 11 đến nay có xu hướng tăng, nhất là những ngày gần đây. Trong bốn ngày liên tiếp từ 21 đến 24-11, số ca tử vong luôn ở mức trên 50. Tương tự, số ca nhập viện cũng cao hơn số ca xuất viện (ngày 24-11 có 1.148 ca xuất viện và 1.582 ca nhập viện, ngày 23-11 có 940 ca xuất viện nhưng có đến 1.594 ca nhập viện). |
Nhiều ca nặng do chưa tiêm vaccine
Theo BS Hồ Hữu Đức, điều đáng lo ngại là các ca bệnh nặng nhập BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình vẫn là người cao tuổi, có bệnh nền nhưng có phần nhỏ người cao tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine.
“Có thể lúc TP phát động tiêm vaccine, họ nghĩ ở nhà không ra đường nên ít có khả năng lây bệnh và có bệnh nền nên ngại đi tiêm. Giờ TP nới lỏng giãn cách, con cháu ra ngoài lại đem mầm bệnh về lây cho họ” - BS Đức phân tích và cho rằng có một số bệnh nhân nặng có thời gian tiêm vaccine đã khá lâu, do đó thời gian tiêm vaccine cũng là yếu tố cần xem xét để đánh giá quá trình phòng chống dịch.
Bệnh nhân điều trị tại BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình. Ảnh: BSN
Đồng tình, BS Vũ Đình Ân, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 BV Quân y 175, cho hay hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Gần đây, theo thống kê của trung tâm, có đến hơn 50% số ca tử vong là do chưa tiêm vaccine. Bên cạnh thói quen tụ tập không giữ khoảng cách và không tuân thủ 5K, người dân còn có tâm lý chủ quan khi được cho điều trị tại nhà. Ngoài ra, không ít ca được điều trị tại nhà nhưng không nhận biết được những dấu hiệu bất thường, đến khi mệt quá mới nhập viện.
Theo BS Ân, để tránh nhiều ca chuyển nặng cần cơ sở y tế tư vấn tốt, theo dõi cách ly sát và ý thức người dân tốt. Những ca bệnh nặng có đặc điểm là tuổi cao, mắc bệnh nền, đặc biệt là đái tháo đường, thừa cân béo phì và cuối cùng là các bệnh nhân đến trễ có triệu chứng nhiễm trùng. Do đó, người dân phải liên hệ thường xuyên với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 để được tư vấn, thường xuyên theo dõi, đánh giá sức khỏe bản thân.
Nhân lực ba tầng điều trị đều đang thiếu Theo hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp ba tầng, khoa hồi sức tích cực cần tối thiểu bốn kíp, mỗi kíp gồm hai BS và năm điều dưỡng phục vụ 5-15 bệnh nhân. Nhưng hiện nay Khoa hồi sức tích cực BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình có 40 bệnh nhân mà chỉ có bốn BS, 10 điều dưỡng và hai tình nguyện viên. Khu bệnh nặng có 128 bệnh nhân nhưng chỉ có năm BS, bảy điều dưỡng và năm tình nguyện viên. Cạnh đó, số tình nguyện viên giảm, nhân viên y tế phải choàng gánh cả việc chăm sóc, vệ sinh cho bệnh nhân và vệ sinh môi trường điều trị. Ngoài ra, nhiều nhân viên thời gian tham gia chống dịch kéo dài, xa gia đình nên cũng sẽ có những thời điểm căng thẳng, ảnh hưởng về mặt tinh thần. BS HỒ HỮU ĐỨC, Phó Giám đốc BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình |