“Hai vạch rồi Linh ơi!” - giọng của cô bạn cùng phòng vang lên, kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 khiến Bùi Thị Thảo Linh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) lo lắng.
Hơn bốn tháng quận Bình Tân, TP.HCM là điểm nóng của dịch, cả nhà trọ đều an toàn. Sau dịch, vừa bắt đầu lại công việc, Linh đã nhiễm bệnh mà không biết nguồn lây từ đâu.
Thăm khám cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Trở thành F0 không đáng sợ như tôi nghĩ”
Thảo Linh nhớ lại vừa ngủ dậy đã thấy đau họng, nóng đầu và ho. Nghi nhiễm COVID-19, Linh vào nhà tắm súc họng, vệ sinh, sau đó nhanh chóng xịt khuẩn toàn bộ nơi mình vừa đi qua và phòng ngủ.
Vừa test nhanh, Linh vừa lo sẽ lây bệnh cho công ty và ba bạn cùng nhà. Có kết quả, cô báo ngay cho y tế phường, những người đã tiếp xúc trong một tuần gần đây và xin phép công ty làm việc tại nhà. Trước mắt, Linh tự cách ly tại phòng riêng, các bạn còn lại sẽ ở chung một phòng và chuẩn bị thức ăn để Linh ăn riêng.
Một lúc sau, nhân viên y tế tới nhà hỏi thăm sức khỏe, đưa que test và túi thuốc F0. Để an toàn, ba người còn lại cũng tự test cho nhau, kết quả có hai người dương tính. Mọi người tự động viên: “Tụi mình đã tiêm đủ hai mũi vaccine, việc quan trọng bây giờ là ăn uống đủ chất, cùng nhau tập thể dục và uống thuốc theo hướng dẫn của trạm y tế, chờ ngày khỏi bệnh”.
Linh nhờ hàng xóm mua đồ ăn dự trữ trong một tuần, C sủi và nhiều sả, gừng để mọi người cùng xông. Mọi người cũng cách ly Thảo - F1 duy nhất của cả nhà tại phòng riêng. May mắn nhà trọ có hai tầng lầu, hai nhà vệ sinh nên dễ dàng cách ly tại nhà. Linh dặn dò: “Khi sinh hoạt, mọi người cố gắng đeo khẩu trang, xịt khuẩn thường xuyên để không lây bệnh cho Thảo”.
Ngày đầu tiên bị bệnh, cả ba đều lo lắng về hậu COVID-19 và những dấu hiệu khi trở nặng. Dù vậy, ai cũng ăn uống đầy đủ, uống C sủi, xông mặt và hẹn nhau tập thể dục vào cuối buổi chiều. Còn Thảo chăm súc miệng, rửa mũi bằng nước muối hơn.
Những ngày sau, Linh đau đầu, hơi khó thở và ho nhiều hơn nhưng vẫn sinh hoạt ổn định. Hai người bạn khác cũng bắt đầu sốt nhẹ, buồn ngủ thường xuyên. Cả ba uống thuốc để trị những dấu hiệu trên, tạm biệt nước đá. Thảo vẫn mạnh khỏe tại phòng riêng và test nhanh âm tính. Mọi người đùa nhau: “Vì con COVID-19 mà ai cũng chăm thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh hẳn. Hết bệnh, thân hình ai cũng chuẩn như người mẫu”.
Đến ngày thứ năm, Linh và các bạn không còn sốt, ho và bắt đầu mất vị giác. Cả ba biết mình sắp khỏi bệnh nên càng có động lực ăn uống và tập thể dục chăm chỉ. Vài ngày sau, cả phòng trọ test nhanh một lần nữa và kết quả âm tính. Cả ba mừng rỡ vì sắp được hòa nhập lại với cộng đồng.
Dù vậy, mọi người vẫn tiếp tục tự theo dõi và cách ly thêm một tuần. Thảo nhắc nhở các bạn về hậu COVID-19, không ai dám chủ quan vì sợ cơ thể yếu hơn sau một trận ốm. Một tuần sau, cả bốn người đều âm tính và đi làm trở lại. Bốn cô gái nói với nhau: “Hóa ra khi tiêm vaccine rồi, F0 không đáng sợ như mình nghĩ!”.
Một F0 tại TP.HCM tập thể dục tại nhà để tăng cường sức đề kháng. Ảnh: NVCC
Theo Sở Y tế TP Hà Nội, hiện toàn TP đang điều trị cho khoảng 28.000 ca F0, trong đó có gần 18.000 trường hợp được cách ly, điều trị tại nhà. Các trường hợp điều trị tại nhà là các F0 không triệu chứng, thể nhẹ, đã tiêm đủ hai mũi vaccine, không có bệnh nền, dưới 49 tuổi và gia đình đủ điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất thì chính quyền phường, xã sẽ ra quyết định cách ly tại nhà. |
Người dân Hà Nội dần thích ứng với trạng thái “sống chung với dịch”
Hơn hai tuần qua, số ca COVID-19 mới của Hà Nội tăng nhanh chóng, xấp xỉ 1.600-1.900 ca/ngày, trong đó ca cộng đồng chiếm khoảng 30%-40%. Đỉnh điểm nhất là ngày 2-1, số ca mắc mới ghi nhận trong ngày đạt mức kỷ lục 2.045 ca, với 555 ca cộng đồng. Mặc dù số ca tăng cao nhưng tâm lý của người dân đã dần thích ứng với việc sống chung với dịch.
Gia đình chị NTM sống tại tòa nhà 987 Tam Trinh, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), nơi có nhiều trường hợp F0 tự điều trị tại nhà. Nhà chị có ba người thì cả ba đều là F0. Chị M là người đầu tiên trong gia đình phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 (ngày 23-12-2021). Hai ngày sau, chồng và con chị cũng phát hiện mắc COVID-19. Do có biểu hiện nhẹ nên gia đình chị được tổ y tế cộng đồng hướng dẫn tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Hằng ngày, có nhân viên y tế gọi điện thoại theo dõi sức khỏe.
“Ban đầu gia đình tôi cũng hoang mang, lo lắng. Nhưng sau khi nhờ người quen là bác sĩ tư vấn, cộng thêm những kinh nghiệm được cộng đồng mạng chia sẻ, chúng tôi tự cách ly, chăm sóc. Thuốc và thực phẩm thì gọi điện thoại để họ ship đến và nhờ hàng xóm đặt trước cửa nhà. Rất may sau 10 ngày điều trị, đến nay sức khỏe của cả nhà đã ổn định trở lại” - chị M cho hay.
Giống như trường hợp của chị M, tại phường Yên Sở hiện có khoảng 200 ca F0 đang tự điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà. Những trường hợp này đều được tổ y tế cộng đồng (tổ trưởng dân phố làm tổ trưởng và một nhân viên trạm y tế phường làm tổ phó) hướng dẫn tự chăm sóc, điều trị, theo dõi sức khỏe.
Trao đổi với PV chiều 3-1, ông Trương Thành Tâm, Chủ tịch UBND phường Yên Sở, cho biết trong khoảng 200 trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn phường hiện chỉ có một vài trường hợp phải điều chuyển lên tuyến trên, còn hầu hết là điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà.
“Các trường hợp phải chuyển tuyến đa phần là người già, có bệnh nền như huyết áp, tiểu đường... Qua nắm bắt theo dõi sức khỏe, y tế phường sẽ báo cáo trung tâm y tế quận các trường hợp có triệu chứng nặng để chuyển tuyến, theo dõi chặt chẽ hơn nhằm hạn chế trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng” - ông Tâm cho hay.
Ông Tâm cũng chia sẻ thêm, khi người dân có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 cần bình tĩnh thông báo cho y tế phường để được hướng dẫn làm xét nghiệm, tự cách ly, theo dõi, chăm sóc sức khỏe.•
Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 Ngày 23-11-2021, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 (phiên bản 1.6). Theo đó, đối tượng quản lý tại nhà là người mắc COVID-19 mới có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính và đủ điều kiện cách ly tại nhà, cụ thể: (1) Không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không suy hô hấp: SpO2 > 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút); (2) độ tuổi 1-50, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì - nếu không thỏa điều kiện này có thể xem xét cách ly tại nhà nếu có bệnh nền ổn định, bảo đảm tiêm đủ hai mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên. Khi đủ điều kiện cách ly tại nhà, F0 sẽ được cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà tiếp cận để phát tờ rơi hướng dẫn những điều cần tuân thủ, cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định (cấp ngay gói A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói A-C nếu F0 có triệu chứng nhẹ). Đồng thời hướng dẫn người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ, đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển viện. |