Ngày 3-9, thông tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân 57 tuổi (trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) với tình trạng suy gan thận.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi với chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, sốc dengue và ngộ độc paracetamol.
Trước đó, người này bị sốt 5 ngày và tự mua thuốc về uống chứ không đi thăm khám ở BV.
Cách đây chưa đầy một tháng, một nam thanh niên (17 tuổi, ngụ phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) bị mắc SXH nhưng tự truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được đưa đến BV Bạch Mai trong tình trạng sốc, ngừng tim 30 phút sau khi truyền dịch tại nhà. Dù được cho chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Bệnh nhân nữ mua thuốc hạ sốt uống 3 ngày không đỡ nên vào viện được chẩn đoán xuất huyết nặng do mắc sốt xuất huyết huyết. Ảnh: HL
Tại TP.HCM, vừa qua, Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM) cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ (20 tuổi, ngụ quận 11) vào viện ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh.
BS Phạm Anh Tuấn, phụ trách Khoa Truyền nhiễm, BV quận 11 cho biết khi vào viện, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết nặng, kết quả xét nghiệm thấy tình trạng thoát dịch gây cô đặc máu rất nhiều và tiểu cầu giảm rất thấp. Bệnh nhân may mắn chưa rơi vào tình trạng sốc xuất huyết dẫn đến suy đa cơ quan và có thể tử vong. Sau hơn một tuần điều trị, tổng trạng của bệnh nhân hiện đã ổn định và một vài ngày nữa có thể xuất viện.
Chị Ngô Thị Phụng, mẹ bệnh nhân, cho biết con gái chị mệt mỏi, sốt cao 3 ngày nhưng chỉ mua thuốc ở tiệm thuốc tây uống. Sau khi uống thuốc, con gái vẫn sốt và than mệt, mắc ói khi ăn nên chị đưa con vào bệnh viện thử máu để chẩn đoán bệnh. “Tôi chỉ sợ nó bị cúm chứ không nghĩ bệnh SXH vì nhà không có muỗi” - chị Phụng chia sẻ.
BS Tuấn cho biết thông thường SXH nhẹ diễn tiến 7 ngày thì tự lui. Tuy nhiên, SXH vẫn có tỉ lệ nặng và chia thành 3 nhóm gồm: sốc sốt xuất huyết, xuất huyết nặng và suy tạng.
“Sốc SXH là tình trạng thường gặp nhất với biến chứng huyết áp tụt, mạch nhanh, tri giác lơ mơ. Còn tình trạng xuất huyết nặng là bệnh nhân sẽ bị xuất huyết nhiều cơ quan như gan tràn dịch, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu cam, ở nữ có thể rong kinh, rong huyết, chảy máu khó cầm. Tình trạng cô đặc máu và thiếu dịch cơ thể có thể đẩy bệnh nhân đến tình trạng sốc.
Sau đó, khi tình trạng sốc và xuất huyết quá nhiều có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, cơ quan đầu tiên có thể bị ảnh hưởng là gan, gây suy gan cấp, sau đó là thận gây suy thận cấp, nặng nhất là ảnh hưởng lên não bộ, gây rối loạn tri giác” - BS Tuấn phân tích các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết.
Theo BS Tuấn, bệnh SXH nhẹ, không có dấu hiệu cảnh báo có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, phân loại đúng mức độ bệnh và chỉ định điều trị nội trú hay ngoại trú. Người bệnh tuyệt đối không được tự uống thuốc điều trị, truyền dịch khi chưa được thăm khám, phân loại mức độ bệnh.
Bệnh SXH có biểu hiện sốt kéo dài từ 3-5 ngày, trở nặng khi hết sốt nên có những người mắc bệnh, uống thuốc sẽ “lướt” qua giai đoạn sốt và sau đó sẽ rơi vào giai đoạn nặng, khó cứu chữa. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên tự ý truyền dịch tại nhà vì có thể bị phù phổi cấp, suy tim nặng dẫn đến tử vong do không có đủ phương tiện và đội ngũ cấp cứu kịp thời.
TP.HCM có ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần thứ 35, thành phố ghi nhận 543 bệnh nhân mắc SXH, tăng 16 ca so với tuần trước đó. Số ca bệnh SXH từ đầu năm đến nay là 11.404 ca. So với cùng kỳ năm 2019, số ca bệnh giảm 71,8%. Trong đó, có một ca bệnh nữ (16 tuổi, ngụ quận 7) tử vong vào ngày 8-8 do mắc SXH. Trước đó, bệnh nhân được đưa vào BV Quận 4 cấp cứu và tình trạng chuyển biến xấu nên được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới điều trị tiếp nhưng không qua khỏi. Trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 40 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh ở 31 xã, phường thuộc 13/24 quận, huyện. |