Sức nóng eo biển Đài Loan và động thái các bên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày này xảy ra nhiều diễn biến quan trọng gây lo ngại về nguy cơ leo thang bất ổn giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Động thái đáng chú ý là trong thư chúc mừng tân lãnh đạo Quốc dân đảng (KMT) hôm 26-9, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng tình hình Đài Loan “đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng” và “tất cả con dân của TQ phải làm việc với nhau để cùng hướng về phía trước”.

Diễn biến nói trên xảy ra sau vụ không quân TQ ngày 23-9 triển khai tới 24 máy bay quân sự xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía tây nam Đài Loan, theo đài CNN. Theo Cơ quan phòng vệ của hòn đảo, đây là lần thứ 20 máy bay TQ tiến vào ADIZ của Đài Loan trong tháng 9 và là lần triển khai quy mô lớn thứ ba trong năm nay, sau hai đợt xâm nhập ngày 6-9 và 15-6.

Lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn phát biểu khai mạc đợt tập trận
Han Kuang hồi tháng 7 của lực lượng phòng vệ hòn đảo. Ảnh: REUTERS

Thế bất an của Đài Loan

Theo nhận định của cựu trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby thì trong thời gian tới, TQ sẽ còn thực hiện nhiều chiến lược mạnh tay và chớp nhoáng hơn nữa nhằm gây sức ép lên Đài Loan, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang tập trung nguồn lực vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo ông Colby, kịch bản được cho là nguy hiểm nhất đối với Đài Loan là khi TQ sẵn sàng “phong tỏa và ném bom Đài Loan, đánh chiếm và giành quyền kiểm soát Đài Loan một cách nhanh nhất để Mỹ không có thời gian can thiệp”.

Cuối cùng, việc tấn công và chiếm đảo thần tốc sẽ đặt mọi sự vào thế đã rồi, buộc Mỹ và đồng minh phải chấp nhận thực tế mới là Đài Loan đã thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh và rất khó tấn công tái chiếm trừ khi sẵn sàng tuyên chiến với TQ.

Tuy nhiên, trong bài viết mới đây cho trang tin Global Taiwan, cựu giáo sư Học viện Quân sự quốc gia Mỹ - ông Bernard Cole lại nhận định có phần khác. Ông Cole tin rằng với vị thế địa chiến lược của Đài Loan hiện nay thì khả năng Washington bỏ rơi hòn đảo này trong kịch bản bị TQ đánh chiếm là rất khó xảy ra. Đài Loan là một trong năm khu vực thuộc chuỗi đảo thứ nhất Tây Thái Bình Dương (bên cạnh Nhật, Hàn Quốc, Philippines và quần đảo Sunda lớn). Kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất sẽ giúp TQ tạo được thế vây quanh Biển Đông, rộng đường tiến ra toàn bộ Tây Thái Bình Dương cũng như hạn chế được hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh.

 Tờ South China Morning Post dẫn một báo cáo mới đây của học viện xuyên eo biển TQ cảnh báo rằng nguy cơ xung đột vũ trang hai bờ eo biển Đài Loan trong năm 2021 là 7,21 trên thang đo từ -10 đến 10. Đáng chú ý, ngay cả khi hai bên vẫn còn giao tranh trong quá khứ như vào thập niên 1950, mức nguy cơ chỉ là 6,7. Các chỉ số trong hầu hết thập niên 1970 cũng chỉ dao động quanh mức 6,5. 

Đài Loan tăng năng lực phòng vệ

Một khảo sát hồi cuối tháng 8 do tổ chức Hội đồng nghiên cứu Chính trị quốc tế Chicago (Mỹ) thực hiện cho thấy hơn nửa người Mỹ được hỏi đã nói rằng họ tán thành việc chính quyền Tổng thống Joe Biden gửi quân sang giúp Đài Loan trong trường hợp TQ tấn công hòn đảo. Tuy nhiên, theo ông Colby, lòng dân là một chuyện, còn việc các lãnh đạo ở Washington có chấp nhận khoản chi phí khổng lồ cùng các rủi ro đi kèm để tham chiến ở Đài Loan không lại là chuyện khác. Cần nhớ 20 năm lăn lộn ở chiến trường Afghanistan khiến Mỹ hao tổn hơn 2.000 tỉ USD ngân sách, tức trung bình phải chi khoảng 300 triệu USD/ngày.

Ông Cole cũng cho rằng việc Mỹ sẵn sàng can thiệp tới đâu và hiệu quả tới mức nào hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tự chuẩn bị và lên chiến lược hợp lý của Đài Bắc.

Có lẽ nắm được điều này, phía Đài Loan cũng đã có động thái tăng năng lực phòng vệ. Phát biểu trước Cơ quan lập pháp Đài Loan ngày 27-9, lãnh đạo Cơ quan phòng vệ hòn đảo này - ông Khâu Quốc Chính nhấn mạnh đã đến lúc Đài Bắc cần được trang bị các tên lửa mới có tầm bắn xa cùng độ chính xác và tính cơ động cao nhằm nâng cao khả năng tự vệ trong kịch bản quân đội TQ đổ bộ, theo hãng tin Reuters.

Theo ông Khâu, những năm qua, TQ đã tăng đáng kể năng lực tác chiến và nếu nổ ra xung đột thì hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và tình báo của Đài Loan “chắc chắn sẽ bị tấn công trước”. “Vì vậy, chúng ta phải cơ động, tàng hình và thay đổi vị trí phòng thủ liên tục” - theo ông Khâu.

Phần mình, ông Cole nói rằng ông rất hoan nghênh việc Đài Bắc hồi tháng 8 đã công bố mức chi ngân sách phòng vệ năm 2022 lên tới 16,8 tỉ USD, chiếm 15,7% trong tổng chi ngân sách và tăng kỷ lục so với con số 16,3 tỉ USD của năm nay. Đáng chú ý, ngân sách 16,8 tỉ USD vẫn chưa tính vào số tiền 7,2 tỉ USD chi riêng cho chương trình phát triển tên lửa thế hệ mới mà lãnh đạo cơ quan phòng vệ - ông Khâu Quốc Chính đã nhắc đến ở trên. Như vậy, tổng ngân sách Đài Bắc chi cho phòng vệ năm sau có thể lên tới 24,1 tỉ USD. Theo ông Cole, “bà Thái Anh Văn (lãnh đạo Đài Loan) tăng chi tiêu phòng vệ là đã đi đúng hướng”.•

Trung Quốc lên tiếng vụ tàu chiến Anh đi qua
eo biển Đài Loan

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tờ Nhân Dân nhật báo ngày 27-9 cho biết Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông TQ vừa ra tuyên bố cáo buộc chính quyền Anh đang có “ý đồ xấu làm tổn hại đến hòa bình, an ninh eo biển Đài Loan” khi cho khinh hạm HMS Richmond thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đi qua eo biển Đài Loan.

Trước đó, trang Twitter chính thức của tàu HMS Richmond cho biết tàu đang vượt qua eo biển Đài Loan khi trên đường tới thăm Việt Nam. “Sau một thời gian bận rộn làm việc cùng với các đối tác và đồng minh ở biển Hoa Đông, chúng tôi đang trên đường qua eo biển Đài Loan để thăm Việt Nam và Hải quân Việt Nam” - theo thông báo. Đây cũng là lần đầu tiên Hải quân Hoàng gia Anh thông báo công khai về việc điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.

Về phía Đài Loan, lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Khâu Quốc Chính cho hay các lực lượng Đài Loan luôn theo dõi sát mọi động thái xung quanh đảo và đã nắm được thông tin tàu HMS Richmond đi ngang qua nhưng không can thiệp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm