Trận chung kết Euro 2020 đã kết thúc hơn 4 ngày nhưng dư âm nặng nề của nó vẫn còn ám ảnh tâm trí người Anh.
Cay đắng vì đội nhà thua trên chấm luân lưu trước Ý, nhiều người đã lên mạng xã hội có lời lẽ phân biệt chủng tộc nhắm vào ba cầu thủ sút hỏng phạt đền là Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka.
Phillips và Shaw an ủi Saka. ẢNH: GETTY
Hôm nay (16-7), Saka, 19 tuổi lần đầu tiên phá vỡ sự im lặng lên tiếng về việc anh sút hỏng quả 11m quyết định khiến tuyển Anh bại trận. Saka biết trước mình sẽ là mục tiêu bị nhắm đến ngay thời khắc anh sút hỏng 11m. Ngôi sao của Arsenal đã ôm mặt khóc còn Kevin Phillips và Luke Shaw lập tức tiến đến an ủi đồng đội trẻ.
Saka viết trên Instagram, “Tôi ngay lập tức biết những gì tôi sắp phải đón nhận, đó là việc tôi sẽ bị ghét bỏ. Không có chỗ cho hành vi phân biệt chủng tộc hoặc thù ghét dưới bất kỳ hình thức nào trong bóng đá hay bất kỳ lĩnh vực nào ở xã hội.
Phần lớn mọi người phản đối những người gửi thông điệp này bằng cách báo cáo những bình luận trên đến cảnh sát. Bằng cách này, họ đã loại bỏ sự thù hận để đối xử với nhau tử tế. Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Huyền thoại của Arsenal, Ian Wright đã viết tweet đáp lại với Saka bằng hai từ “Thương em”. Trong khi đó, LĐBĐ Anh (FA) cũng chia sẻ với Saka, “Bạn hãy tự hào về vai trò của mình trong hành trình đáng kinh ngạc của chúng tôi mùa hè này, Bukayo. Còn rất nhiều điều tốt đẹp nữa sẽ đến. Hãy ngẩng cao đầu”.
HLV Southagte động viên Saka. ẢNH: GETTY
Trong tuyên bố của mình, Saka nói thêm anh cảm thấy mình đã khiến đất nước thất vọng trong thời khắc sút hỏng 11m.
Saka cho biết, “Không lời nào có thể diễn tả cảm giác thất vọng của tôi khi sút hỏng quả phạt đền. Tôi thật sự tin rằng chúng tôi sẽ giành được chiếc cúp cho CĐV.
Tôi rất tiếc vì không thể mang cúp về nhà cho các bạn ở Euro năm nay. Nhưng tôi hứa chúng tôi sẽ cống hiến tất cả những gì chúng tôi có để đảm bảo rằng thế hệ này biết cảm giác chiến thắng là như thế nào.
Phản ứng sau thời khắc đó của tôi đã nói lên tất cả. Tôi đã bị tổn thương rất nhiều. Tôi đã làm cho tất cả mọi người thất vọng. Nhưng tôi hứa điều này, tôi sẽ không để khoảnh khắc đó hoặc sự tiêu cực mà tôi phải nhận phá hỏng tôi”.
Nhiều CĐV để lại những chia sẻ yêu thương động viên Rashford. ẢNH: PA
Tờ Daily Mail (Anh) cho biết những gã khổng lồ mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram và Tiktok cho đến nay đã không tiết lộ với họ có bao nhiêu bài đăng bị báo cáo vi phạm vì phân biệt chủng tộc hoặc bao nhiêu trong số đó bị đánh giá là vi phạm chính sách của các trang mạng xã hội.
Tuy nhiên, trong một báo cáo chung, Twitter cho biết đã xóa hơn 1.000 bài đăng trong 24h và khóa một tài khoản do vi phạm chính sách. Facebook thì thông tin họ đã nhanh chóng xóa những bình luận lăng mạ trên nền tảng của mình và cả trên Instgram.
Trước đó, cả Rashford lẫn Sancho đều đã lên tiếng xin lỗi vì đá hỏng 11m nhưng khẳng định họ sẽ chiến đấu chống lại những hành vi phân biệt chủng tộc.
Một trích đoạn viết trên mạng xã hội của Rashford cho biết, “Tôi là Marcus Rashford, người da đen 23 tuổi đến từ Withington và Wythenshawe, phía nam Manchester. Nếu không có gì khác thì đó là nguồn gốc của tôi”.
Sancho trần tình trên mạng xã hội.
Trong khi đó, Sancho chia sẻ, “Tôi có vài ngày suy nghĩ về trận chung kết Euro 2020 và vẫn cảm thấy có nhiều cảm xúc. Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả các đồng đội, ban huấn luyện và hầu hết người hâm mộ, những người đã thất vọng vì tôi.
Đây là cảm giác tồi tệ nhất mà tôi trải qua trong sự nghiệp. Thật sự rất khó để diễn tả cảm xúc. Nhưng có nhiều điều tích cực từ giải đấu mặc dù thất bại này sẽ còn đau đớn trong một thời gian dài.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi trước khi bước vào bất cứ trận bóng nào là “Tôi có thể giúp đội của mình bằng cách nào, tôi sẽ hỗ trợ ra sao, làm thế nào tôi có thể ghi bàn và tôi sẽ tạo cơ hội như thế nào?”.
Và đó chính xác là những gì tôi muốn làm với quả phạt đền đó, tôi muốn giúp đội bóng. Tôi đã sẵn sàng và tự tin đón lấy nó. Đây là khoảnh khắc bạn ước mơ khi còn nhỏ, đó là lí do vì sao tôi chơi bóng. Đây là những tình huống áp lực mà bạn muốn trải qua khi là cầu thủ.
Trước đây, tôi đã ghi bàn từ quả phạt đền ở CLB. Tôi đã thực hiện chúng vô số lần cho cả CLB và đội tuyển quôc gia. Vì vậy, tôi đã chọn góc sút của mình nhưng lần này nó không thành công”.
Hơn 1 triệu người đã ký vào bản kiến nghị gửi lên trang change.org yêu cầu cấm những người phân biệt chủng tộc suốt đời không được đến sân vận động xem bóng đá.
Hôm qua (15-7, giờ Anh), thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết vẫn còn một chặng đường dài để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc ở Anh và ông tuyên bố sẽ chiến đấu với “các nền tảng mạng xã hội một cách mạnh mẽ”.
Thủ tướng Boris Johnson nói, “Tôi nghĩ với tư cách là một xã hội, chúng ta đã đạt một số tiến bộ trong việc giải quyết vấn nạn phân biệt chủng tộc. Tôi nghĩ chúng ta phải nhận ra rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Với tư cách là chính phủ, chúng ta phải lãnh đạo và sử dụng những công cụ mà chúng ta có theo ý mình, để cho thấy sự kiên định và điều đó (phân biệt chủng tộc) đơn giản sẽ không được dung thứ.
Chúng tôi sẽ đưa ra những lập luận và cuộc chiến với những người kiểm soát các nền tảng mạng xã hội một cách mạnh mẽ. Nền tảng của họ có khả năng gây thương tích và phá hoại to lớn. Họ có thể ngăn chặn nó và chúng tôi sẽ bảo đảm rằng họ làm được điều đó”.
Thủ tướng Anh khẳng định chính phủ sẽ sử dụng luật pháp để buộc các nền tảng mạng xã hội có hành động lớn hơn với nạn phân biệt chủng tộc.