Suýt mất mạng vì ăn hồng ngâm

Bệnh nhân nữ HTS (45 tuổi, ở Phù Ninh, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau bụng, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi và bất ngờ phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có bốn khối bã thức ăn to như quả trứng vịt, trong đó ba khối bã thức ăn có đường kính 4-6 cm và một khối to bất thường với đường kính trên 7 cm.

Gần 2 giờ, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội soi, cắt nhỏ và gắp bỏ ra hoàn toàn ba khối bã thức ăn. Đối với khối bã lớn nhất, các bác sĩ quyết định sẽ phải tiến hành thêm một lần can thiệp khác, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Số khối bã thức ăn được lấy ra lần này có nhiều mảnh xơ từ quả hồng ngâm mà bệnh nhân đã ăn trước đó.

Các bác sĩ đã tiến hành nội soi và bất ngờ phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có bốn khối bã thức ăn to. 

Hồi sức sau ca can thiệp đầu tiên, bệnh nhân S. cho biết cách đây vài ngày, chị có ăn ba trái hồng giòn ngâm loại to vào lúc đói.

Sau đó chị bị đau bụng, nôn, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng, ăn uống kém. Gia đình đưa khám tại một cơ sở y tế tại địa phương và được chẩn đoán là nghi có khối u trong bụng. Chị được chuyển lên BV K điều trị.

Tuy nhiên, bệnh nhân này đã đến BV E và được các bác sĩ khám, chẩn đoán là tắc ruột do bốn khối bã thức ăn, chỉ định can thiệp nội soi. Đến nay sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và sẽ được ra viện trong vài ngày tới.

Theo BS Hồng Anh, tắc ruột do khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ nhưng cá biệt, gần đây lại bắt đầu thấy xuất hiện ở người lớn (độ tuổi thanh niên) khiến số bệnh nhân vào viện điều trị có xu hướng tăng.

Trước đây, BV E đã từng xử trí cho bệnh nhân nữ (23 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) bị tắc ruột do một khối bã thức ăn kết dính lại sau khi ăn quá nhiều măng khô. Một trường hợp khác là cụ bà 86 tuổi bị dư đọng bã thức ăn trong dạ dày do ăn phải miếng thịt không nhai kỹ, không tiêu hóa được, tích dần và vón thành khối cục lớn…

Các bác sĩ BV E cho hay khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng...

Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân mang tính nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.

Do vậy, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ... Các bác sĩ đưa ra lời khuyên: Mọi người nên uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn (giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt); nấu chín thức ăn, nhai kỹ khi ăn - đặc biệt là người già; không nên nuốt trọn thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục. Ngày tết, tuyệt đối không nên ăn quá nhiều canh măng khô.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm