Syria lại nóng trên bàn cờ địa chính trị Mỹ-Nga

Syria lại nóng trên bàn cờ địa chính trị Mỹ-Nga

(PLO)- Những ngày này, điểm nóng Trung Đông - Syria lại nổi lên trên bàn cờ địa chính trị Mỹ-Nga, với hàng loạt diễn biến đáng chú ý.

Syria - một điểm nóng ở Trung Đông với cuộc nội chiến kéo dài 12 năm, cuộc chiến chống khủng bố, và những quan hệ cạnh tranh, đối đầu chiến lược xung quanh đó. Những ngày này Syria đang là một điểm nóng đáng chú ý trên bàn cờ địa chính trị giữa hai cường quốc Mỹ và Nga.

Lãnh đạo quân đội Mỹ bất ngờ sang Syria

Ngày 4-3, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley có chuyến thăm không báo trước đến đông bắc Syria với mục đích chính thức là thăm các binh sĩ Mỹ đóng quân tại các căn cứ ở khu vực này để xem xét sứ mệnh chống khủng bố mà Mỹ đã xúc tiến ở Syria gần 8 năm.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley trao đổi với binh sĩ tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở đông bắc Syria, ngày 4-3. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley trao đổi với binh sĩ tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở đông bắc Syria, ngày 4-3. Ảnh: REUTERS

Đáng nói, đông bắc Syria là khu vực cho phe nổi dậy ở nước này còn gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - đồng minh của Mỹ - kiểm soát. SDF, đồng minh chính của liên minh do Mỹ lãnh đạo chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), có vai trò quan trọng trong việc đánh bại các chiến binh thánh chiến của IS trên khắp Syria.

Đây là chuyến đi đầu tiên của Tướng Milley tới Syria kể từ khi ông đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ vào năm 2019. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Tướng Milley chỉ gặp binh sĩ Mỹ khi ở Syria để được cập nhật thông tin về IS cũng như “kiểm tra các biện pháp bảo vệ lực lượng Mỹ”.

Hiện có khoảng 900 binh sĩ Mỹ đóng tại một số căn cứ và đồn bốt trên khắp vùng đông bắc Syria, với nhiệm vụ tiêu diệt tàn dư của IS. Mất lãnh thổ cuối cùng vào tay các lực lượng do SDF lãnh đạo vào năm 2019, tuy nhiên IS vẫn còn tàn dư ở Syria và vẫn thực hiện nhiều cuộc tấn công chết người ở Syria.

Lực lượng Mỹ tại Syria vẫn hoạt động tích cực tại Syria, đã tiêu diệt hoặc bắt giữ nhiều phần tử IS, trong đó có thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của IS vào năm 2019, theo hãng tin AFP.

Gần đây, ngày 19-2, lực lượng Mỹ đã phối hợp với SDF đột kích bắt một thủ lĩnh cấp cao của IS. Vụ việc diễn ra một ngày sau khi 4 binh sĩ Mỹ bị thương trong một cuộc đột kích khác nhằm tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của IS ở đông bắc Syria.

Binh sĩ Mỹ bắn súng máy M2 Browning tại một khu vực giao tranh ở đông Syria, ngày 31-12-2022. Ảnh: U.S. ARMY NATIONAL GUARD/CAPT. DAVID KENNEDY

Binh sĩ Mỹ bắn súng máy M2 Browning tại một khu vực giao tranh ở đông Syria, ngày 31-12-2022. Ảnh: U.S. ARMY NATIONAL GUARD/CAPT. DAVID KENNEDY

Trong chuyến đi tới đông bắc Syria ngày 4-3, Tướng Milley đã được các phóng viên đi cùng hỏi liệu ông có tin rằng việc triển khai 900 lính Mỹ ở Syria thời điểm này là đáng để mạo hiểm hay không. Tướng Milley gắn sứ mệnh này với an ninh của Mỹ và các đồng minh, cho rằng việc đánh bại IS lâu dài và tiếp tục hỗ trợ đồng minh trong khu vực là những nhiệm vụ quan trọng.

Theo hãng tin Reuters, tháng trước, binh sĩ Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái do Iran sản xuất đang do thám một căn cứ ở đông bắc Syria. Phía Mỹ tin rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa do lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn chỉ đạo, một lời nhắc nhở về tình hình địa chính trị phức tạp của Syria.

Damascus lên án “chuyến thăm bất hợp pháp” của tướng Mỹ

Ngày 5-3, chính phủ Syria lên án việc Tướng Milley đến đông bắc Syria, theo hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria.

Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad mô tả rằng “chuyến thăm bất hợp pháp” của Tướng Milley đến một "căn cứ quân sự bất hợp pháp" của Mỹ ở đông bắc Syria đã "vi phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn" lãnh thổ Syria. Chính phủ Syria kêu gọi "Mỹ chấm dứt ngay hành vi vi phạm có hệ thống và liên tục đối với luật pháp quốc tế cũng như hỗ trợ các nhóm vũ trang ly khai".

Chính phủ Tổng thống al-Assad từ lâu vẫn phản đối việc Mỹ triển khai lực lượng trong lãnh thổ do phe nổi dậy kiểm soát cũng như ủng hộ phe này. Mục tiêu của phe nổi dậy, theo các lãnh đạo người Kurd, là muốn duy trì quyền tự trị tại đông bắc Syria - điều chính quyền Damascus kiên quyết bác bỏ.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley trao đổi với binh sĩ tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở đông bắc Syria, ngày 4-3. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley trao đổi với binh sĩ tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở đông bắc Syria, ngày 4-3. Ảnh: REUTERS

Mỹ đã cắt đứt quan hệ với chính phủ Damascus kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình năm 2011 ở Syria, dẫn đến một cuộc nội chiến vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay. Mỹ cáo buộc chính phủ ông al-Assad vi phạm tội ác chiến tranh và áp đặt trừng phạt. Chính phủ Syria bác cáo buộc.

Ngày 6-3, Mỹ trừng phạt một quan chức tình báo quân đội Syria với cáo buộc giết ít nhất 41 dân thường không vũ trang trong năm 2013, đồng thời cảnh báo các nước chuyện bình thường hóa quan hệ với Syria.

Sau khi xảy ra thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đầu tháng trước, Mỹ đã khẳng định rằng sẽ không can dự với chính phủ của Tổng thống al-Assad, theo tờ Newsweek.

Tổng thống al-Assad tìm tới Nga

Trong khi phe nổi dậy được Mỹ hỗ trợ thì lực lượng của Tổng thống al-Assad dựa vào sự hỗ trợ từ Nga và Iran.

Trong lúc Mỹ có động thái bên Syria thì tờ Vedomosti ngày 6-3 dẫn nguồn tin trong phủ tổng thống Nga cho biết Tổng thống al-Assad sẽ thăm Nga vào giữa tháng 3. Chính phủ Syria chưa bình luận về thông tin về chuyến thăm sắp tới.

Theo đài RT thì chuyến thăm của ông al-Assad có thể nhằm mục đích nhận được sự hỗ trợ từ Nga khi Syria đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và hậu quả thảm họa động đất kinh hoàng tháng trước.

Các chuyên gia Nga cũng cho rằng Tổng thống al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ thảo luận về quan hệ song phương, vấn đề Ukraine, và chuyện bình thường hóa quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vốn căng thẳng vì hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASNIM NEWS

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASNIM NEWS

Nga can thiệp vào nội chiến Syria từ năm 2015. Nhờ sự giúp sức của Nga, quân đội chính phủ Syria lãnh đạo đã giành lại được phần lớn lãnh thô đất nước từ tay các chiến binh thánh chiến IS và phe nổi dậy, bao gồm cả lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn trong những năm đầu của cuộc xung đột.

Trong những tháng gần đây, Nga đã giảm quân số ở Syria, và theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) ngày 7-2 một lý do là vì Nga bận rộn với chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nga sẽ rời Syria. Nga hiện vẫn triển khai lực lượng và duy trì không kích trên lãnh thổ Syria cũng như các cuộc tập trận quân sự chung với quân đội của Tổng thống al-Assad.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa, trái) tiếp Đặc phái viên Nga về Syria Alexander Lavrentiev (giữa, phải) tại thủ đô Damascus (Syria) ngày 12-1. Ảnh: SANA/AFP

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa, trái) tiếp Đặc phái viên Nga về Syria Alexander Lavrentiev (giữa, phải) tại thủ đô Damascus (Syria) ngày 12-1. Ảnh: SANA/AFP

Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, với Nga, hiện diện tại Syria vẫn rất quan trọng, và Moscow coi liên minh với Damascus là một con bài thương lượng quan trọng trong các cuộc đàm phán với các cường quốc khu vực ở Trung Đông lẫn phương Tây.

Trang tin quân sự Stars and Stripes ngày 8-3 dẫn lời Trung tướng Alexus Grynkewich, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ ở Trung Đông cho biết những ngày này lính Mỹ ở Syria chứng kiến nhiều máy bay chiến đấu của Nga bay qua các vị trí của họ.

Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ

Một yếu tố không thể không nhắc đến trên bàn cờ địa chính trị phức tạp liên quan đến Syria là Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 6-3, Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đại sứ Mỹ Jeff Flake để bày tỏ sự khó chịu về việc Tướng Milley đến đông bắc Syria, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.

Dù là đồng minh với nhau trong khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ luôn trong tình trạng căng thẳng nhiều năm qua liên quan sự hỗ trợ của Mỹ với nhóm SDF.

Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng tay súng người Kurd hay còn gọi là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) – một lực lượng mũi nhọn của SDF - là cánh tay nối dài phong trào ly khai Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền nam nước mình, và coi cả hai là tổ chức khủng bố. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng xem PKK là nhóm khủng bố, nhưng không xem YPG là khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn để mở khả năng tấn công sang Syria và điều này sẽ đe dọa các đối tác người Kurd của quân đội Mỹ. Thiếu tướng Matthew McFarlane, người chỉ huy liên quân do Mỹ lãnh đạo chống IS ở Iraq và Syria, lưu ý rằng các cuộc tấn công chống lại lực lượng Mỹ làm liên quân "phân tâm khỏi nhiệm vụ chính".

Đọc thêm