Đi cùng anh là bạn gái mới - một cô gái nhìn khá trẻ, mái tóc xoăn được nhuộm vàng cùng bộ đồ rất hợp thời trang; chị đi cùng mẹ. Anh chị gặp nhau trong phiên phúc thẩm đòi quyền nuôi con sau ly hôn. Phiên sơ thẩm trước đó, tòa đã chia đôi, anh nuôi con trai út bốn tuổi, chị nuôi con gái sáu tuổi. Do cả hai không có tài sản chung, nhà cửa và đất đai đều của bố mẹ chồng để lại nên khi ly hôn, mọi tài sản đều thuộc về anh.
Sau phiên sơ thẩm, anh kháng cáo đòi nuôi cả hai con. Tại tòa, anh đưa ra rất nhiều lý do để chứng minh chị không đủ điều kiện nuôi con. Anh cho rằng ở bên chị, con không được hưởng những điều kiện chăm sóc tốt, bị bỏ bê, thiếu quan tâm. Anh trình bày kể từ ngày ly hôn, có lần các con bảo nhớ mẹ quá anh phải chở con đi 30 km từ huyện Mê Linh sang huyện Phúc Thọ để các con được gặp mẹ. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, anh lên thăm con thì thấy chị bận đi làm, không có ai trông nom, để các con chơi một mình ngoài ngõ nên anh phải đón về luôn.
Một lý do khác được anh đưa ra là việc chị có tình yêu mới. “Cô ấy đi làm gặp người này người kia, thay tính đổi nết rồi "ngoại tình" với người đàn ông khác nên không đủ tư cách để nuôi con. Cô ấy đi làm xa nhà, toàn bỏ con cho bà ngoại nuôi dưỡng. Từ ngày tòa cho ly hôn, cô ấy mới đi thăm con có vài lần” - anh nói.
Anh cũng cho rằng việc chị “ngoại tình” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của các con, bởi chúng sẽ bị hàng xóm dị nghị, bạn bè trêu chọc. Một đứa trẻ sẽ không thể có tuổi thơ đẹp nếu như suốt ngày phải nghe những điều tiếng về việc mẹ nó có quan hệ bất chính với người khác…
Vị chủ tọa ngắt lời: “Việc anh nói chị “ngoại tình” chưa có chứng cứ. Hơn nữa, dù chị có “ngoại tình” thật thì cũng không ảnh hưởng gì đến quyền nuôi con của chị, đó là hai việc hoàn toàn khác nhau”.
Nghe vậy, chị khóc: “Tôi đâu có ngoại tình với ai, tất cả đều là anh ấy ghen bóng ghen gió rồi đặt điều như vậy. Bất đắc dĩ lắm gia đình mới tan đàn xẻ nghé, tôi phải về nhà mẹ đẻ ở, hai nhà xa nhau hơn 30 km, tôi lại đi làm suốt ngày nên mỗi tháng chỉ đi thăm con được 2-3 lần”.
Giọng nghẹn ngào, chị cho biết tại phiên sơ thẩm tòa xử cho chị được nuôi một con nhưng ngay sau đó anh và bố mẹ đã giữ con, thậm chí còn mang con đi giấu, chị đành về nhà bố mẹ đẻ tay không.
HĐXX hỏi hiện hai đứa con đã sống yên ổn với bố, gia đình anh cũng có điều kiện tốt để chăm sóc, vậy có nên để anh nuôi cả hai con không…? Chị quả quyết :“Tôi nuôi được cả hai con mà không cần anh ấy phải cấp dưỡng”. Rồi chị đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy mình có đủ điều kiện nuôi con, như bố mẹ đẻ mới xây cho một ngôi nhà mới, thu nhập của chị mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng...
Vị chủ tọa ôn tồn: “Bố mẹ đã ly hôn, việc quan trọng nhất bây giờ là làm sao để bảo vệ quyền lợi cũng như những điều kiện tốt nhất cho các con, tránh để chúng bị ảnh hưởng tinh thần. Anh chị cũng như cả hai gia đình đều đã thể hiện rằng mình sẽ dành những thứ tốt nhất cho các cháu. Hiện hai chị em đang được ở cùng nhau, vậy có nhất thiết phải thay đổi không?”.
Chị nói: “Nhất định phải thay đổi, tôi sẽ nhờ thêm ông bà để làm sao nuôi con được tốt nhất”.
Sau giờ nghị án, HĐXX đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Anh chị rời tòa mà không nói với nhau lời nào. Anh cùng bạn gái mới đi thẳng một mạch ra cổng tòa. Chị đi đằng sau, quay sang nói với mẹ mình: “Bản án có hiệu lực, con sẽ nhờ cơ quan chức năng thực hiện bản án để đưa cháu về với gia đình mình”.