Tái bản cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long

(PLO)- Tuy Việt Nam không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ “nhân quyền” nhưng tổ tiên người Việt thực tế từ lâu đã tiến gần những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những năm gần đây, chúng ta nói nhiều đến nhân quyền - một khái niệm mà ngày nay được cả thế giới thừa nhận. Các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đều cố gắng từng ngày để bảo đảm quyền con người được thực hiện tốt nhất.

Thế nhưng, nếu được hỏi tại Việt Nam, nhân quyền đã có từ khi nào thì có lẽ ít ai biết. Bởi “nguồn gốc” của nhân quyền thường được gắn với các nước phương Tây.

Vậy thì cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long của hai tác giả TS - luật sư (LS) Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa, sẽ cho chúng ta câu trả lời.

nhân quyền ở Việt Nam
TS-LS Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa tại buổi giới thiệu sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long vào sáng 19-8-2023. Ảnh: DI LINH

Cuốn Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long lần đầu ra mắt công chúng vào tháng 8-2023 được bạn đọc và những nhà nghiên cứu sử học, luật học đánh giá cao.

Mới đây, cuốn sách đã được NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản có chỉnh sửa, bổ sung.

Xuyên suốt cuốn sách, hai tác giả đã làm bật lên giá trị của hai bộ cổ luật là Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long, mà trong đó, quyền con người là vấn đề trọng tâm.

“Bộ luật Hồng Đức: Bộ luật Việt Nam đầu tiên đề cao nhân quyền” là tựa chương, cũng là lời khẳng định về lịch sử nhân quyền của người Việt được đúc kết thông qua cuốn sách.

Để minh chứng cho điều này, tác giả dẫn chứng Bộ luật Hồng Đức đã thể hiện 25 quyền của con người như quyền dân tộc tự quyết, quyền thừa kế di sản, quyền hôn nhân tự nguyện, quyền của phụ nữ…

Bổ sung 2 quyền mới

Để làm rõ thêm nội dung quyền con người trong cổ luật Việt Nam, tác giả đã bổ sung quyền tự do cư trú và đi lại trong Bộ luật Gia Long có so sánh với Bộ luật Hồng Đức và quyền của người tiêu dùng ở cả hai bộ luật.

“Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, từ khi loài người chưa có khái niệm về “quyền con người” thì ở nước ta trong cuộc sống cổ xưa của tổ tiên người Việt đã từng bước manh nha quyền con người rất sớm.

Sớm nhất là người Việt đấu tranh nêu cao “quyền dân tộc tự quyết, chống phương Bắc xâm lược thôn tính từ trước công nguyên - một quyền con người mở đầu Công ước về quyền dân sự và chính trị và Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của loài người tiến bộ vào năm 1966. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40) và Bà Triệu (năm 248) thể hiện ý chí đấu tranh vì độc lập, tự chủ, phát huy nữ quyền”, hai tác giả nhận xét và khẳng định “Tuy Việt Nam không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ “nhân quyền” nhưng tổ tiên người Việt thực tế từ lâu đã tiến gần những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay”.

Sang đến Bộ luật Gia Long (khoảng hơn 3 thế kỷ sau), những giá trị nhân quyền của Bộ luật Hồng Đức không chỉ được kế thừa mà còn phát triển một số quyền như quyền thừa kế, quyền kiện tụng… theo hướng tiến bộ hơn.

Các tác giả đã chứng minh hai bộ luật cổ của Việt Nam là Bộ luật Gia Long và Bộ luật Hồng Đức đều xứng đáng là cột mốc lịch sử, một đóng góp quan trọng của dân tộc Việt Nam vào giá trị nhân quyền cao quý của nhân loại.

Hành trình 30 năm "ngược dòng lịch sử"

Khi cuốn sách ra mắt lần đầu, tôi có cơ hội được trò chuyện cùng TS.LS Phan Đăng Thanh về hành trình viết sách nhiều sóng gió của vợ chồng ông, về lần ông suýt chết trên bàn mổ nhưng vẫn đau đáu về cuốn sách còn dang dở, về vấn đề nhân quyền vốn nhạy cảm…

Tôi thực sự phải “nể phục” bởi tâm huyết, công sức của cặp vợ chồng đã trên 70 tuổi.

Đây là một công trình được bắt đầu “thai nghén” từ gần 30 năm trước, khi TS.LS Phan Đăng Thanh còn làm ở báo Pháp Luật TP.HCM và được giao giới thiệu bản dịch Bộ luật Gia Long của hai tác giả Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Văn Tài.

Bản dịch này đã có nhận định đi ngược lại với lịch sử khi đề tựa Bộ luật Gia Long là bộ luật nhân đạo nhất, lớn nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam.

Trong khi đó, hàng trăm năm nay, giới sử học, luật học thì đánh giá Bộ luật Hồng Đức là “khuôn vàng thước ngọc” của thời kỳ phong kiến Việt Nam; còn Bộ luật Gia Long lại được nhận xét là copy luật của nhà Thanh (Trung Quốc) và xóa bỏ những điểm tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức.

Cũng từ đây, còn đường đi tìm sự thật về giá trị của hai bộ cổ luật Việt Nam bắt đầu, khởi nguồn trên báo Pháp Luật TP.HCM và được vợ chồng TS.LS Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa tiếp nối cho tới bây giờ.

Qua đó chúng ta sẽ thấy được lịch sử nhân quyền của người Việt đã có từ xa xưa – thời mà nó còn chưa được gọi tên là “nhân quyền”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm