Lãi suất liên ngân hàng đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức khá cao. Nhiều ngân hàng rục rịch điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng trưởng tín dụng (tới ngày 28-1-2022) đạt 2,74%, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Tín dụng tăng mạnh đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn và phải sử dụng tới kênh thị trường mở (OMO) là nơi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng nghiệp vụ mua các giấy tờ có giá với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần 1 năm kênh này đóng băng.
Lãi suất liên ngân hàng cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều tháng. Thanh khoản căng thẳng thời gian qua một phần đến từ yếu tố mùa vụ khi nhu cầu thanh toán chi trả dịp Tết nguyên đán tăng cao. Tuy nhiên, BVSC cho rằng khi yếu tố này qua đi, lãi suất liên ngân hàng cũng sẽ hạ nhiệt trở lại.
Theo báo cáo về thị trường tiền tệ do Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố, ghi nhận lãi suất cho vay qua đêm hiện là 2,51%/năm, giảm 0,89 điểm % so với mức cao nhất ghi nhận vào ngày 10-2-2022.
Mặc dù vậy, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức khá cao, trên 166.800 tỉ đồng. Cụ thể, ngày 22-2 vừa qua doanh số giao dịch đối với kỳ hạn qua đêm cao hơn nhiều doanh số bình quân khoảng 118.100 tỉ đồng trong tháng 1-2022.
Bước sang năm 2022, khi các hoạt động của nền kinh tế được kỳ vọng mở cửa hoàn toàn trở lại, cộng thêm việc Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế thông qua cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15% cho cả năm nay.
Do đó, thời kỳ tiền rẻ có lẽ đã qua và mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021.
Ảnh minh họa
Trong thời gian tới, BVSC dự báo áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là xăng dầu, cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế. Áp lực này có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động.
Ghi nhận cụ thể của báo Pháp luật TP.HCMtại một số ngân hàng thương mại, đã có nơi tăng lãi suất huy động lên tới 0,2%/năm so với trước đó.
Cụ thể, ngay từ đầu tháng 1 năm nay, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3-5 tháng tại ngân hàng này đang là (4%/năm); 6 tháng (5,9%/năm); từ 12 tháng cho đến 36 tháng cùng có mức lãi suất là 7%/năm.
Đáng chú ý, những khách hàng VIP, có số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên và chọn kỳ hạn gửi 13 tháng lãi cuối kỳ sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 7,6%/năm. Đây có thể là mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay.
Tương tự, tại VPBank lãi suất tiết kiệm cũng được điều chỉnh tăng tại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Cụ thể, lãi suất 6 tháng được niêm yết ở mức 4,8%/năm (trước đó chỉ có 4,5%/năm). Riêng kỳ hạn 12 tháng được tăng tới 0,8%/năm tức là từ 4,8%/năm lên 5,6%/năm.
Đáng chú ý, đối với khách hàng có hạn mức gửi tiền từ 50 tỉ đồng trở lên đang đang VPBank áp dụng mức lãi suất là tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên tới 6,4%/năm- tương đương tăng tới 1,1%/năm so với biểu lãi suất công bố trước đó.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như MSB, ACB, Techcombank, MB cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhưng mức tăng thấp và chỉ ở một số kỳ hạn.
Ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỉ đồng) là nhóm NH duy nhất nâng lãi suất đối với kỳ hạn 6 tháng, mức tăng 0,02 điểm phần trăm lên 4,56%/năm nhưng không thay đổi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, duy trì ở mức 5,307%/năm.
Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ giảm 0,02 điểm phần trăm đối với cả hai loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, xuống còn lần lượt 4,42%/năm và 6,04%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 2 vừa qua.