Nếu trước đây các ngân hàng chạy đua tăng phí khiến khách hàng bức xúc thì thời gian gần đây hàng loạt đơn vị tham gia cuộc đua miễn, giảm phí. Thậm chí, nhiều ngân hàng mạnh tay áp dụng chính sách phí 0 đồng.
Người dùng hưởng lợi
Chị Tố Anh, một khách hàng tại quận 9, TP.HCM, chia sẻ: Trước đây, phí duy trì dịch vụ của Vietcombank ở mức 10.000 đồng và phí quản lý một tài khoản ngân hàng số là 2.000 đồng/tháng. Nhưng giờ đây ngân hàng này miễn 100% đối với các loại phí này.
Tương tự, trước đây, muốn được áp dụng chính sách miễn phí khi chuyển tiền trong nội bộ cũng như chuyển sang ngân hàng khác thì chủ tài khoản phải đăng ký gói phí dịch vụ ngân hàng điện tử với mức phí từ 22.000 đồng/tháng. Thế nhưng giờ đây, toàn bộ những loại phí này đều được miễn.
Khách hàng hưởng lợi khi các ngân hàng đồng loạt miễn, giảm phí dịch vụ trên kênh ngân hàng số. Ảnh: TL
“Với thói quen thanh toán gần như tất cả dịch vụ mua sắm thông qua chuyển khoản thì việc được hưởng chính sách miễn phí như hiện tại giúp tôi tiết kiệm được không ít trong lúc thu nhập giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây cũng là cách để khách hàng gắn bó hơn với ngân hàng” - chị Oanh bày tỏ.
Thực tế, nhiều khách hàng như chị Oanh hưởng lợi khi các ngân hàng đồng loạt miễn, giảm phí dịch vụ. Đặc biệt, mới đây bốn ngân hàng quốc doanh lớn công bố ngừng thu phí chuyển tiền online và phí duy trì dịch vụ ngân hàng số từ đầu năm 2022 cho tất cả khách hàng cá nhân. Điều này khiến cuộc đua miễn phí dịch vụ ngày càng sôi động hơn.
Cụ thể, “ông lớn” Vietcombank miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì tài khoản trên kênh ngân hàng số. Ngoài ra, ngân hàng này cũng miễn phí quản lý tài khoản lẫn phí duy trì dịch vụ. Không đứng ngoài cuộc, VietinBank không thu một đồng nào đối với các giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống qua VietinBank iPay; miễn phí duy trì tài khoản, miễn phí duy trì dịch vụ iPay...
Việc các ngân hàng liên tiếp tung ra các chương trình miễn phí dịch vụ không chỉ giúp ngân hàng xây dựng được một hệ thống dữ liệu khách hàng mà còn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thanh toán nhiều hơn. Qua đó ngân hàng có thể khai thác được nhiều tiềm năng hơn như bán chéo các sản phẩm bảo hiểm, cho vay mua ô tô, cho vay du học... TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia tài chính ngân hàng |
Ngân hàng BIDV cũng thông báo miễn toàn bộ phí cho khách hàng khi giao dịch trên ứng dụng ngân hàng số gồm phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống; phí duy trì dịch vụ; phí quản lý một tài khoản; phí tin nhắn OTT… Agribank miễn phí chuyển tiền trực tuyến và một số loại phí khác cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số.
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng chính sách phí 0 đồng cho hàng loạt loại dịch vụ và sản phẩm khác nhau. Đơn cử Ngân hàng Quân đội (MB) miễn phí 100% đối với các loại dịch vụ như phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền liên ngân hàng, phí rút tiền không cần thẻ tại ATM, phí mở tài khoản số đẹp tứ quý và phí thông báo biến động số dư.
Lợi nhiều mặt
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, giải thích khi ngân hàng áp dụng chính sách miễn 100% phí đối với dịch vụ thanh toán khiến doanh thu năm 2021 giảm khoảng 1.600-1.700 tỉ đồng. Nhưng đổi lại ngân hàng tiết giảm cả ngàn tỉ đồng gồm chi phí dự trữ tiền mặt, chi phí đầu tư lắp đặt máy ATM cũng như chi phí vận chuyển lưu thông tiền mặt cho đến lương cho nhân sự, kiểm đếm.
Bên cạnh đó, theo bà Phượng, chính sách miễn phí chuyển tiền online là định hướng dài hạn của ngân hàng để giảm thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là bước đi được nhiều hơn mất với ngân hàng.
Đại diện một ngân hàng khác cũng cho rằng chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỉ từ việc miễn, giảm phí chuyển tiền online cho khách. Tuy vậy, chính sách miễn phí phù hợp với xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đồng thời mang lại lợi ích cho khách hàng cũng như giúp bản thân các ngân hàng giảm được chi phí in ấn, lưu thông tiền mặt.
Đặc biệt, chính sách miễn, giảm phí còn giúp các ngân hàng huy động thêm nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và có thể dùng số tiền đó để cho vay. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhìn nhận từ lâu một số ngân hàng có tầm nhìn dài hạn đã chấp nhận dùng lợi nhuận để bù đắp chi phí đầu tư, chi phí khấu hao các loại thiết bị, máy móc và không thu phí chuyển tiền liên ngân hàng. Kết quả là những ngân hàng này đã thu hút được một lượng tiền gửi không kỳ hạn vô cùng lớn.
“Trong ngắn hạn, việc miễn một loạt phí dịch vụ chắc chắn sẽ khiến ngân hàng hụt đi một phần doanh thu. Nhưng nhìn lâu dài, tôi cho rằng chính sách này không ảnh hưởng gì đến doanh thu của ngân hàng, thậm chí nó còn có lợi hơn do chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra rất lớn” - ông Hùng nói.
Bằng chứng là trước đây tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng chiếm tỉ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5%-10% nhưng đến nay đã có ngân hàng đạt tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn lên tới 30%-40% tổng lượng tiền huy động. Đáng chú ý, ngân hàng được hưởng chênh lệch lãi suất tiền gửi không kỳ hạn so với lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 2,8%-5,8%/năm, còn nếu so với lãi suất cho vay thì mức chênh này có thể lên tới 7%-10%/năm. “Chính vì vậy, ngân hàng nào càng thu hút tiền gửi không kỳ hạn nhiều thì càng có nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay” - ông Hùng nhấn mạnh.
Giảm hàng ngàn tỉ đồng phí Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ áp dụng trên giao dịch ATM, POS xử lý qua Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7. Mục tiêu để thúc đẩy thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sau chỉ đạo này, NAPAS đã công bố lần giảm phí thứ hai trong năm 2021 với mức giảm 50%-75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành. Bên cạnh đó, số liệu thống kê ban đầu cho thấy tổng số tiền mà các ngân hàng miễn, giảm phí cho khách hàng đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng kỳ vọng bên cạnh việc miễn, giảm phí các ngân hàng cần cung cấp các sản phẩm ngoài cho vay chất lượng hơn, tiện lợi hơn và an toàn hơn. |