Tái định cư trước khi thu hồi đất: Chủ trương hợp lòng dân!

(PLO)- Nhiều nội dung mới có lợi cho dân trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đó là một trong những nội dung quan trọng đi kèm với chủ trương thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) được phê duyệt mà Nghị quyết 18/2022 của Ban chấp hành Trung ương nêu ra. Nghị quyết cũng yêu cầu trong trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí TĐC thì phải hoàn thành bố trí TĐC trước khi thu hồi đất.

Tại TP.HCM, hàng chục năm qua BTHTTĐC luôn là khâu khó nhất, kéo dài nhất trong quá trình thực hiện dự án. Rất nhiều dự án chậm tiến độ cũng vì lý do này.

Dự án hai thập niên chưa xong bồi thường, tái định cư

Một trong những dự án điển hình cho những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án liên quan đến chính sách BTHTTĐC là dự án xây dựng cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Theo UBND huyện Nhà Bè, dự án cầu Long Kiểng được phê duyệt từ năm 2001 với tổng diện tích đất bị thu hồi là hơn 2,6 ha. 10 năm sau, dự án bị chậm trễ chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong công tác BTHTTĐC. Từ năm 2011 đến 2013, dự án lại bị ảnh hưởng của chính sách giãn đầu tư công của Chính phủ.

Do thời gian kéo dài, giá thành bị đội lên và dự án phải điều chỉnh lại vào năm 2017. Tháng 8-2018, dự án được khởi công với hàng loạt vướng mắc vẫn chưa được giải quyết xong như giá bồi thường, thiếu quỹ nhà đất TĐC, thiếu kinh phí bồi thường…

Toàn bộ dự án có 128 hộ dân bị thu hồi đất. Năm 2005, chỉ có 25 hộ dân đồng ý nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng. Giai đoạn 2 của dự án còn 103 hộ dân phải lập hồ sơ bồi thường theo quy định. Theo UBND huyện Nhà Bè, trong số này có 46 trường hợp đủ điều kiện TĐC và 15 trường hợp giải tỏa toàn bộ có nhàđất không đủ điều kiện TĐC.

Dự án xây mới cầu Long Kiểng sau 21 năm vẫn chưa thể bàn giao 100% mặt bằng do vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ảnh: TÂM NGUYỄN

Dự án xây mới cầu Long Kiểng sau 21 năm vẫn chưa thể bàn giao 100% mặt bằng do vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ảnh: TÂM NGUYỄN

Do dự án chậm hơn 20 năm nên người dân hằng ngày phải đi lại qua cầu sắt đã xuống cấp, từng bị sập một nhịp. Ảnh: TÂM NGUYỄN

Do dự án chậm hơn 20 năm nên người dân hằng ngày phải đi lại qua cầu sắt đã xuống cấp, từng bị sập một nhịp. Ảnh: TÂM NGUYỄN

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, chủ đầu tư dự án cho biết tiến độ thi công của cầu Long Kiểng nhà thầu đã hoàn thành kết cấu từ trụ T1 đến T8 và đang phải tạm dừng để chờ mặt bằng.

Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, vướng mắc của dự án chủ yếu liên quan đến chính sách BTHTTĐC khiến cho kế hoạch bàn giao mặt bằng theo tiến độ nhiều lần bị phá sản.

Theo báo cáo của huyện Nhà Bè, giữa năm 2021, huyện đã ban hành các quyết định thu hồi đất, phê duyệt chính sách BTHTTĐC và các quyết định có liên quan. Tổng kinh phí thực hiện BTHTTĐC là 311,7 tỉ đồng cho toàn dự án.

“Đến thời điểm hiện tại, các vướng mắc đã cơ bản được UBND TP cùng các sở, ngành tháo gỡ và huyện cũng đã sắp hoàn thành công tác BTHTTĐC. Chỉ còn vài hộ dân, huyện sẽ giải quyết xong trong tháng 8 để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư” - ông Nguyễn nói.

Cầu Long Kiểng hiện hữu là cầu sắt, đã xuống cấp, tải trọng thấp. Tháng 1-2019, một nhịp cầu này đã bất ngờ sập khi xe ben trọng tải lớn chạy qua, sau đó Sở GTVT đã cho khôi phục sửa chữa cầu. Hàng chục năm qua tại TP.HCM, không chỉ riêng dự án xây mới cầu Long Kiểng mà hàng loạt dự án khác, tiến độ bàn giao mặt bằng bị phá sản không ít lần vì công tác BTHTTĐC.

Từ Nghị quyết 18: Quyền lợi của dân được đảm bảo

Ngay sau khi Nghị quyết 18 được ban hành, Bộ TN&MT cũng đã công bố dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 để lấy ý kiến của người dân trước khi trình Chính phủ. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có lợi cho người bị thu hồi đất liên quan đến chính sách BTHTTĐC.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, trong thời gian qua, việc thu hồi đất tại một số địa phương vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có nhiều đổi mới trong quy định về thu hồi đất BTHTTĐC.

Đáng chú ý là cơ quan có thẩm quyền sẽ phải họp dân trước khi ban hành thông báo thu hồi đất. Tại cuộc họp, người dân sẽ được phổ biến cũng như cho ý kiến về các nội dung như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại khu vực có dự án, thông tin dự án đầu tư; chủ trương, chính sách có liên quan đến việc BTHTTĐC; dự kiến nhu cầu, khu vực bố trí TĐC, nhà ở, BTHTTĐC. Từ đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào ý kiến của người dân để xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất.

Dự thảo luật bổ sung nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng việc phê duyệt phương án BTHTTĐC phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng bổ sung quy định đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí TĐC thì phải hoàn thành bố trí TĐC trước khi thu hồi đất theo đúng tinh thần Nghị quyết 18.

Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án TĐC trước khi thu hồi đất. Khu TĐC tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng vùng, miền và phải tuân thủ pháp luật về nhà ở.

Việc bố trí TĐC phải thông báo cho người có đất bị thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí TĐC và niêm yết công khai ít nhất 15 ngày tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi và tại nơi TĐC trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí TĐC.

Bố trí TĐC tại chỗ được áp dụng đối với người có đất bị thu hồi tại khu vực có dự án TĐC hoặc có điều kiện bố trí TĐC. Trong đó, ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất bị thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất bị thu hồi là người có công với cách mạng.•

Ý KIẾN CHUYÊN GIA:

Ông TRẦN MINH THƠ, nguyên Trưởng Phòng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sở TN&MT TP.HCM:

Phải được cụ thể hóa trong Luật Đất đai và các luật liên quan

Với chủ trương tại Nghị quyết 18 cho thấy Nhà nước đã đặt quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất lên trên hết. Nghị quyết cũng yêu cầu phải lo không chỉ chỗ ở mới, mà còn phải bảo đảm về cuộc sống của người bị thu hồi đất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ càng cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới cuộc sống của người dân sau giải tỏa. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) và phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm phải được thiết kế hợp lý, tạo sự đồng thuận của đại đa số người bị thu hồi đất thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Chủ trương BTHTTĐC xong thì mới thu hồi đất là rất đúng đắn và nhân văn nhưng để thực hiện chủ trương này thì cần phải rà soát nhiều vấn đề để cụ thể hóa trong Luật Đất đai và luật có liên quan. Trong đó, quan trọng nhất là xác định trước giá đất để tính BTHTTĐC không phụ thuộc vào thời điểm thu hồi đất (hiện nay khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai quy định giá bồi thường được xác định tại thời điểm thu hồi đất).

Cùng với đó, khi đưa quy trình BTHTTĐC lên trước quy trình thu hồi đất thì phải sửa lại quy định này trong luật thì mới có cơ sở để thực hiện (khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai quy định quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án BTHTTĐC phải cùng một ngày).

Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu ý, hiện nay Nghị quyết 18 xác định chủ trương thu hồi đất theo dự án. Tuy nhiên, nghị quyết này cũng đã mở ra hướng tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án BTHTTĐC ra khỏi dự án đầu tư có thu hồi đất để thực hiện trước. Đây là vấn đề rất quan trọng, sẽ mở ra việc thu hồi đất theo quy hoạch chứ không thu hồi đất theo dự án.

Để chuẩn bị cho nội dung này thì cũng cần xem xét sửa đổi nhiều luật có liên quan, nhất là các luật về đầu tư công, đầu tư, đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án và cơ chế tài chính đối với dự án BTHTTĐC phần diện tích đất thực hiện quy hoạch phát triển và phương hướng củng cố, kiện toàn các tổ chức phát triển quỹ đất địa phương.

Ông VÕ PHAN LÊ NGUYỄN, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè:

Lợi ích kép


Theo tôi, Nghị quyết 18 được ban hành sẽ rất thuận lợi cho người dân có đất bị thu hồi cũng như cho cơ quan thực hiện thu hồi đất. Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần phải có cơ chế xây dựng riêng các khu TĐC để tạo sẵn nguồn nhà đất phục vụ TĐC. Hiện nay, muốn có dự án TĐC thì phải chỉ ra được dự án đó để phục vụ cho dự án nào. Nghĩa là có dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất thì mới được duyệt dự án xây dựng khu TĐC.

Luật Đất đai 2013 cũng có quy định về việc phải có phương án TĐC trước khi thu hồi đất nhưng không có hướng dẫn nên mỗi địa phương có cách hiểu và cách thực hiện khác nhau. Thực ra, theo quy định hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện dự án BTHTTĐC thì luôn phải nêu rõ TĐC ở khu vực nào, là nền đất hay căn hộ…

Trước đây, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một số dự án tại huyện Nhà Bè chậm tiến độ là do thiếu quỹ nhà đất TĐC. Nay Nghị quyết 18 xác định vấn đề TĐC phải đi trước một bước là rất đúng, rất thuận lợi cho người dân cũng như cho chính cơ quan nhà nước thực hiện thu hồi đất.

Hiện nay, tại huyện Nhà Bè đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất dự án xây dựng khu TĐC 10 ha tại xã Phú Xuân để phục vụ cho việc bố trí TĐC của các dự án trong thời gian tới. Hiện dự án đã được TP ghi vốn, đang trong thời gian lập quy hoạch 1/500 để làm cơ sở triển khai.

TS DƯƠNG KIM THẾ NGUYÊN, Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi


Chủ trương này nếu được thực hiện nghiêm chỉnh sẽ có thể mang đến hai tác động tích cực: Thứ nhất là có thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người dân, bởi vì phương án BTHTTĐC rõ ràng thì mới có khả năng được phê duyệt. Với phương án rõ ràng như vậy, người dân có cơ hội thấy trước những lợi ích cụ thể do dự án mang lại cho mình chứ không chỉ là lời hứa suông.

Thứ hai, từ đây cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư thực hiện các dự án này. Một khi xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, nhà đầu tư khi xây dựng và được phê duyệt phương án BTHTTĐC sẽ loại bỏ các nhà đầu tư dự án thiếu năng lực tài chính và khả năng thực hiện BTHTTĐC. Đây cũng sẽ là điều các nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi quyết định đầu tư. Việc có phương án trước khi thực hiện thu hồi đất cũng sẽ kỳ vọng hạn chế sự không tự nguyện giao đất khi có quyết định thu hồi.

Tuy vậy, vấn đề then chốt cho việc BTHTTĐC là giá trị bồi thường, mức hỗ trợ và phương thức thực hiện TĐC phải đạt được sự đồng thuận của người dân. Phương án được quyết định trước nhưng nội dung phương án không đạt được sự đồng thuận với người có đất bị thu hồi thì cũng sẽ không giải quyết được vấn đề mâu thuẫn trong thu hồi đất.

Chủ trương của Nghị quyết 18 nêu định hướng chính. Để có thể thực hiện, theo tôi, cần có quy định rõ ràng hơn để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Lâu nay sự không đồng thuận của người dân đối với việc thu hồi đất tại một số dự án tập trung vào vấn đề giá bồi thường, hỗ trợ và phương thức thực hiện TĐC.

TP.HCM sắp di dời hàng chục ngàn hộ dân để thực hiện dự án

Trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đang có kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm với số dân bị thu hồi đất lên đến hàng chục ngàn người. Có thể kể đến một số dự án như đường vành đai 3 (hơn 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng toàn tuyến), cải tạo rạch Xuyên Tâm (hơn 2.000 hộ dân), di dời nhà ở trên và ven kênh Đôi (khoảng 6.500 căn), di dời dân tại 14 chung cư cũ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm