Tái định vị công nghiệp TP.HCM - Bài 2: Đi tìm chiến lược cốt lõi

(PLO)- Có năm nhóm nhiệm vụ cốt lõi mà TP.HCM cần triển khai thực hiện để tái định vị ngành công nghiệp, gia tăng đóng góp của ngành với nền kinh tế của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế, công nghệ dần lạc hậu vì phần lớn từ những năm 1980, mô hình phát triển đã lỗi thời…, vị thế và đóng góp của ngành công nghiệp ở TP.HCM đã bắt đầu suy giảm trong nhiều năm. Việc tái định vị ngành công nghiệp là rất cấp thiết nhưng đòi hỏi một chiến lược bài bản, cụ thể và có tầm nhìn dài hạn.

Tăng sản xuất thông minh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng việc tái định hướng ngành công nghiệp cần dựa trên năm nhiệm vụ trụ cột.

Một góc Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Một góc Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thứ nhất, phải nhắm đến các sản phẩm công nghệ cao và các mô hình sản xuất thông minh. Thứ hai, chú trọng đến liên kết vùng, tức là tính kết nối, tương hỗ giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khác của các nước, thậm chí với các tỉnh, thành của các quốc gia khu vực. Thứ ba, không thể tái định vị ngành nếu không dựa vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Tiếp đó, TP tập trung nhiều hơn cho hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Cuối cùng, cần nhắm tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh - kinh tế số.

Lý giải về các trụ cột này, ông Vũ cho rằng TP có thể phát triển sản phẩm công nghệ cao và các mô hình sản xuất thông minh dựa vào nguồn lực, nền tảng hiện có, đặc biệt là khu công nghệ cao (SHTP), các khu công nghiệp, khu chế xuất (như Khu chế xuất Tân Thuận, các khu công nghiệp Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước). TP cần ưu tiên ngành điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học, sản xuất robot, thiết bị thông minh, hệ thống nano; sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin. Trong đó, cần sớm xây dựng và hoàn thiện (các) khu công nghiệp chuyên ngành về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Để hoàn thành cả năm nhóm nhiệm vụ trong tiến trình tái định vị ngành công nghiệp TP.HCM, một trong những yêu cầu cốt lõi đó là sự thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân TP trong việc chuyển đổi sản xuất công nghiệp tại TP.HCM.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Song song đó, TP.HCM cũng cần mở rộng và thu hút thêm các dự án đầu tư mới như các khu thành lập nhưng chưa triển khai (ví dụ Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng) và dự án thành lập (ví dụ Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước 3)…

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề xuất việc hình thành một khu đô thị y sinh dược, vận hành theo hình thức hợp tác công tư (PPP), được dẫn dắt bởi cả khối tư nhân và khối nhà nước. Bà Thảo khẳng định TP.HCM hoàn toàn có đủ điều kiện để làm việc này. Trước xu hướng già hóa dân số tăng, khả năng cung ứng thuốc nội địa hạn chế, việc phát triển khu đô thị y sinh dược và chuỗi cung ứng y tế nội địa là vô cùng quan trọng.

Hạt nhân trong liên kết vùng

Trụ cột thứ hai là thúc đẩy liên kết vùng và xây dựng các cụm công nghiệp vùng. Cần hình dung TP.HCM không chỉ là trung tâm công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, cung cấp các dịch vụ thương mại - tài chính, y tế - giáo dục, mà còn là trung tâm công nghiệp phụ trợ. Trong khi đó, các tỉnh, thành xung quanh sẽ là các đô thị vệ tinh với trọng tâm là các cụm ngành công nghiệp thế mạnh riêng của họ.

ThS Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), gợi ý TP cần phát triển các cụm liên kết ngành, mở rộng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp trọng yếu với cả vùng và giữa vùng TP.HCM với các vùng khác, trong đó TP.HCM đóng vai trò hạt nhân. Một mặt, việc này giúp tận dụng thế mạnh của các tỉnh, đồng thời nâng cao vai trò của TP.HCM trong chuỗi giá trị và trong việc hỗ trợ sự phát triển của các đô thị liên kết. Mặt khác, liên kết vùng cũng giúp kết nối và lan tỏa phát triển công nghệ cao, từ đó nâng tầm phát triển của toàn vùng Đông Nam Bộ.

Chia sẻ quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á Bùi Đào Thái Trường cũng nhấn mạnh vai trò của TP.HCM trong cơ cấu ngành công nghiệp của cả vùng và cả nước. Việc phát triển công nghiệp của TP cần tận dụng các vành đai phát triển kinh tế của cả vùng để hướng đến hiệu quả lâu dài, bền vững.

Ông Stephen Higgins, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, cũng khuyến nghị trong giai đoạn tới, TP.HCM cần tập trung vào hoạt động logistics và công nghiệp phụ trợ, bởi Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển về hệ thống cảng biển, vốn là điểm chung của các TP phát triển trên thế giới như Singapore, Dubai, Thượng Hải... Đồng quan điểm, PGS-TS Lại Quốc Đạt, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề nghị với nhóm sản phẩm chế biến tối thiểu thì TP chỉ nên đầu tư phát triển công nghệ và chuyển giao cho các địa phương khác. TP chỉ nên tập trung đầu tư vào hạ tầng bảo quản, các sản phẩm chế biến sâu và các sản phẩm giá trị gia tăng cao với định hướng xuất khẩu.

Thúc đẩy R&D và nhân lực chất lượng cao

Nhiệm vụ thứ ba là hoạt động R&D, tức là thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp nhanh, bền vững và bao trùm.

Về giải pháp, ThS Nguyễn Mạnh Linh đề xuất TP.HCM cần (i) nghiên cứu, ban hành các chính sách đột phá để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số; (ii) hình thành vùng đổi mới sáng tạo với trung tâm là Khu công nghệ cao TP.HCM, đồng thời (iii) ưu tiên phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty Trường Hải THACO, cũng đưa ra ba khuyến nghị để thúc đẩy hoạt động R&D phát triển. Thứ nhất, cần có các doanh nghiệp “dẫn đầu” trong mỗi ngành công nghiệp để dẫn dắt sự thay đổi. Cạnh đó, cần phải có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ mới từ trung ương và chính quyền TP.HCM để tạo điều kiện cho sự thay đổi. Cuối cùng, cần thành lập trung tâm hỗ trợ kỹ thuật công nghiệp.

Còn đối với nhóm nhiệm vụ thứ tư - phát triển nguồn nhân lực, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng TP cần đổi mới chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ các ngành công nghiệp và các trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Theo đó, TP.HCM cần đưa ra các cơ chế, chính sách đào tạo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu các cơ chế xã hội hóa và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, dạy nghề, viện nghiên cứu...

Điều quan trọng là tìm cách hình thành mạng lưới kết nối, trao đổi thông tin giữa bên cầu và bên cung lao động; cụ thể là giữa các cơ sở đào tạo nguồn lao động, các cơ quan nghiên cứu lao động và các doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là nhóm doanh nghiệp FDI.

Kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh - kinh tế số

Nhiệm vụ thứ năm trong việc tái định vị ngành công nghiệp TP.HCM là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh - kinh tế số. Về kinh tế tuần hoàn, TS Trương Thị Ái Nhi, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định TP có nhiều lợi thế về mạng lưới các khu công nghiệp, có thể tham khảo bài học từ các quốc gia khác, điển hình như chương trình hiệu quả nguồn tài nguyên ProgRess của Đức.

Trong khi đó, theo PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chuyển đổi kinh tế xanh là một mục tiêu chiến lược mà TP.HCM cần thực hiện để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; hoàn thành cam kết của Việt Nam trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về việc giảm 43,5% phát thải khí CO2 vào năm 2030, tiến tới mục tiêu trung hòa khí CO2 vào năm 2050. Kinh tế xanh cũng tạo động lực để tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy