Để ngành công nghiệp TP.HCM trở thành trung tâm khu vực phía Nam

(PLO)- TP.HCM cần khởi động lại chương trình kích cầu đầu tư, bởi đây là một giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, phù hợp với xu hướng mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí - điện TP.HCM:

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng

TP.HCM nỗ lực xây dựng các giải pháp, chính sách để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có cơ khí - điện. Với dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, các DN rất mong TP sử dụng cơ chế đặc thù để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN phát triển.

Các giải pháp chung để tái định vị, thay “chiếc áo” mới cho ngành công nghiệp TP là vấn đề tạo ra cơ chế, chính sách để DN mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị, máy móc, đầu tư công nghệ mới, đây là yếu tố tái cấu trúc mà cốt lõi là phải có dòng tiền, chính sách hỗ trợ hiệu quả ra sao.

DN Việt Nam vừa không đủ tài chính để mua máy móc, thiết bị mới vừa chưa được hỗ trợ từ Nhà nước một cách bền vững nên nhiều DN phải mua những máy móc cũ của các nước phát triển.

TP cần đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách ổn định, bền vững thì DN mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị, đầu tư công nghệ mới để phát triển sản xuất, công nghiệp công nghệ cao, có quỹ đất cho DN thuê với giá cả hợp lý, ổn định tương đối để đầu tư, tránh trường hợp khi mới đầu tư thì giá rất tốt nhưng sau đó giá tăng gấp nhiều lần.

Do đó, TP cần có chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao thay thế dần công nghiệp thâm dụng lao động, theo đúng định hướng phát triển của TP.

Ông NGUYỄN QUỐC ANH, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM:

Cần mở KCN "xanh"

Khó khăn nhất trong phát triển công nghiệp của TP là không còn quỹ đất, mặt bằng cho các nhà sản xuất, trong khi giá thuê đất ở khu công nghiệp (KCN) hiện đều trên 200 USD/m2 thời hạn 50 năm.

Bên cạnh giá thuê KCN đắt đỏ, các thủ tục xây dựng… phức tạp hơn các tỉnh, thành khác. Đơn cử, chúng tôi có một vài DN nhựa, bao bì đầu tư ở KCN Hiệp Bình Phước vài năm nay nhưng do vướng thủ tục nên vẫn chưa xây dựng.

Sau đó, DN về đầu tư ở TP Cần Thơ thì nhà máy đã “chạy” ngay. Hoặc có hai DN cùng thời điểm đầu tư, ở Long An thì nhà máy đã khởi động sản xuất, còn DN đầu tư tại TP.HCM vẫn chưa có động tĩnh.

Các DN có doanh thu 1.000 tỉ đồng đều ra khỏi TP nên hiện những DN này chỉ còn văn phòng, xưởng nhỏ tại TP, còn nhà máy nằm ở các tỉnh, thành như Long An, Đồng Nai, Cần Thơ…

Trong xu hướng phát triển bền vững, phát triển xanh hiện nay, TP.HCM chỉ có mỗi Khu công nghệ cao nhưng đã hết đất. Tuy nhiên, TP vẫn còn có quỹ đất lớn ở huyện Củ Chi có thể mở KCN mới “xanh” để thu hút các DN đầu tư và sẽ chọn lựa những dự án nào có ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng…

Ngoài ra, TP quy hoạch các KCN hiện hữu trở thành các KCN chuyên ngành mới, quy định điều kiện DN tham gia để tạo ra các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu hướng mới.

Ông ĐÀO XUÂN ĐỨC, Chủ tịch Hiệp hội Các KCN TP.HCM:

TP.HCM cần phối hợp các tỉnh tạo quỷ đất

Qua 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Các KCN TP.HCM (HBA) đã hỗ trợ các DN hội viên, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, tư vấn, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước và là người bạn đồng hành của công nhân, lao động làm việc tại các khu chế xuất (KCX), KCN, Khu công nghệ cao trên địa bàn TP. Hiện TP có 17 KCX, KCN và một khu công nghệ cao.

Đối với dự án mới thâm dụng lao động, ảnh hưởng đến môi trường sẽ hạn chế, cũng như đánh giá tác động nhu cầu tuyển dụng, thu nhập của người lao động, giao thông đi lại liên quan tuyển dụng, chăm lo, cho phí ăn ở, học hành, giao thông.

Quan điểm xây dựng tiêu chí mới không bắt buộc DN di dời mà cần đổi mới, nâng cấp, nếu không đáp ứng thì TP có chính sách hỗ trợ tài chính kích cầu, ưu đãi để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của TP.

Đến cuối DN không tự nâng cấp, cải tiến công nghệ đến khi hết thời gian giao đất, TP sẽ phối hợp với các tỉnh tạo quỹ đất, phù hợp với ngành, nghề DN hoạt động và tiếp cận lao động thuận lợi hơn.

Sau khi xây dựng bộ tiêu chí sẽ tổ chức lấy ý kiến để các chuyên gia, DN góp ý cần hỗ trợ gì, xây dựng tiêu chí phù hợp hay chưa, sau đó sẽ tiến hành ở các khu còn lại.

Thời gian gần đây UBND TP.HCM chỉ đạo Ban quản lý các KCX và công nghiệp TP.HCM xây dựng Đề án tái cấu trúc công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sẽ thí điểm tại năm khu gồm: KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước, KCN Cát Lái, KCN Tân Bình và KCN Bình Chiểu.

Dự kiến sẽ tiến hành thí điểm từ năm 2024, trong đó khảo sát lại trình độ công nghệ của DN, hướng phát triển, đầu tư để cải tiến công nghệ, nâng cấp sản xuất, quy mô hoạt động hay có phương án di dời để đảm bảo nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiếp cận lao động.

Từ đó sẽ tham mưu UBND TP xây dựng bộ tiêu chí đánh giá định hướng phát triển công nghiệp, chọn lọc dự án, vốn, công nghệ, để DN soi vào đó, kể cả DN hiện hữu để tự nâng cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm