Tai hại khi bị đột quỵ mà tưởng trúng gió độc, động kinh

(PLO)- Khoảng 20% bệnh nhân đột quỵ nhưng người thân không biết và cứ tưởng mắc các bệnh khác nên để ở nhà theo dõi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 4-9, BS Nguyễn Văn Phước, đơn vị Đột quỵ Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh, TP.HCM, cho biết có nhiều trường hợp đột quỵ nặng do không được mang tới BV kịp thời để điều trị. Nguyên nhân là người nhà tưởng bệnh nhân bị trúng gió, động kinh nên để ở nhà tự theo dõi.

Mới đây, BV Lê Văn Thịnh tiếp nhận ông THM (62 tuổi, ở Đồng Nai) trong tình trạng hôn mê, co cứng chi… Kết quả chụp MRI cho thấy ông M bị đột quỵ hơn 24 giờ.

Bác sĩ BV Lê Văn Thịnh đang chăm sóc một bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: BVCC

Bác sĩ BV Lê Văn Thịnh đang chăm sóc một bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: BVCC

Người nhà cho biết thấy ông M rơi vào tình trạng nhức đầu, ngồi không vững, không thể đi đứng bình thường nên cho rằng bị trúng gió độc, chỉ cạo gió và cho ông uống thuốc cảm.

Khi thấy bệnh tình ông M không bớt mà có biểu hiện nặng hơn gia đình mới đưa tới BV. Tuy nhiên mọi chuyện đã quá trễ, não ông M bị tổn thương không thể hồi phục.

Tương tự, não bà VTTX (64 tuổi, ở TP.HCM) cũng bị tổn thương nặng do đột quỵ bởi đưa tới BV Lê Văn Thịnh quá trễ.

Người nhà cho biết trong lúc ăn cơm, bà X liên tục rớt đũa và nuốt khó, cầm đồ vật khó khăn, lỏng lẻo. Mặc dù tình trạng này liên tục lặp lại nhưng người nhà cho rằng bà chỉ bị động kinh nhẹ nên không đưa đi khám.

Đến khi tay chân bà X không thể cử động và yếu liệt bên trái, người nhà mới đưa tới BV.

Bác sĩ Trần Văn Khanh (thứ hai từ phải) đang nhận chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Trần Văn Khanh (thứ hai từ phải) đang nhận chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ. Ảnh: BVCC

Theo BS Phước, nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ nhưng người thân không biết và cứ tưởng mắc các bệnh thông thường nên để ở nhà cạo gió, vắt chanh vào miệng, đâm kim đầu các ngón tay… Đến khi bệnh nhân hôn mê, liệt nửa người mới đưa đến BV.

“Mỗi quý, BV Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 110 trường hợp đột quỵ nhưng chỉ 10% được đưa tới trong khoảng “thời gian vàng” (từ 3 đến 4,5 giờ sau khi bị đột quỵ). Trường hợp đưa tới BV trễ chiếm khoảng 20% do người thân không nghĩ bị đột quỵ nên để ở nhà chăm sóc. Đa phần trường hợp đột quỵ đưa tới BV trễ đều bị tổn thương não rất nặng, không thể hồi phục hoặc tử vong” – BS Phước nói.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết đơn vị Đột quỵ của BV được thành lập từ tháng 4-2021. Ngoài trang thiết bị hiện đại như CT, MRI, đơn vị còn có đội ngũ BS chuyên môn cao, đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà còn ở các tỉnh. Trong đó, đông nhất là bệnh nhân từ tỉnh Đồng Nai.

“Mới đây, ông Jeyaraj Durai Pandian (Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới) và ông Nguyễn Huy Thắng (Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM) đã trao chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ cho BV Lê Văn Thịnh. Thời gian tới, BV sẽ tiếp tục cập nhật những kỹ thuật tiên tiến để điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ” – BS Khanh chia sẻ.

Được biết, sau BV TP Thủ Đức, BV Lê Văn Thịnh là BV tuyến quận, huyện TP.HCM được cấp chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ.

Tiêu chí chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ

Để đạt được chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ, BV phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Cụ thể: Thời gian từ khi người bệnh nhập viện đến khi được điều trị tái thông mạch máu là dưới 60 phút; trên 5% bệnh nhân đột quỵ nhập viện được điều trị tái thông…

Bên cạnh đó, BV còn phải đạt các tiêu chí về tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ được sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện; tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng hồi sức tích cực…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm