Tái khởi động kiểm soát tài sản, thu nhập

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 thay thế hoàn toàn đạo luật cùng tên ban hành 15 năm trước với những sửa đổi, bổ sung nhiều nhất, có bước tiến rõ nhất ở nhóm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn.

Ba chế độ kê khai tài sản, thu nhập

Đầu tiên là chế độ “kê khai lần đầu”, luật quy định là nghĩa vụ của tất cả cán bộ, công chức, sĩ quan công an, quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; người được bổ nhiệm vào chức vụ từ phó phòng trở lên ở các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tiếp theo là chế độ “kê khai bổ sung”, áp dụng với các đối tượng trên nhưng chỉ khi có biến động về tài sản, thu nhập mà tích lũy từ 300 triệu đồng trở lên so với lần kê khai trước đó. Trong trách nhiệm kê khai bổ sung này sẽ có phần nghĩa vụ giải trình cho lý do tăng, giảm tài sản.

Cuối cùng là “kê khai hằng năm”, áp dụng với cán bộ, công chức cỡ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, bất kể tài sản có tăng, giảm so với lần kê khai trước và cũng kèm theo nghĩa vụ giải trình.

Về cơ chế xác minh tính trung thực của việc kê khai, ngoài căn cứ từ tố cáo, nghi ngờ có cơ sở…, lần này luật 2018 mở ra cơ chế xác minh định kỳ, ngẫu nhiên để thúc đẩy việc kê khai nghiêm túc, ngay ngắn, thực chất hơn. Việc xác minh hằng năm, mang tính chất ngẫu nhiên này chỉ áp dụng với nhóm hẹp quan chức có nghĩa vụ “kê khai hằng năm”.

Với những sửa đổi, bổ sung trên, Luật PCTN 2018 áp đặt chế độ kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng nắm thông tin diện rộng về tài sản, thu nhập của toàn bộ người làm trong khu vực công (khác với trước đây chỉ từ cấp phó phòng cấp huyện trở lên) nhưng tới kiểm soát thì chỉ tập trung diện hẹp quan chức cấp cao, ít nhất là cỡ giám đốc sở và tương đương.

Đánh giá “rủi ro”

Từ khóa quan trọng của Luật PCTN 2018 và Nghị định 130/2020 là “kê khai lần đầu”.

Quan trọng vì diện kê khai lần này, như phân tích ở trên, là rất rộng, bao trùm gần như toàn bộ người làm việc trong khu vực công. Ngoài ra còn do tính chất “lần đầu” của nó. Bởi luật, nghị định và mẫu bản kê khai lần đầu không buộc người kê khai phải giải trình nguồn gốc tài sản được kê khai.

Với tính chất pháp lý ấy, nhìn chung người kê khai lần đầu, nhất là số cán bộ, công chức, viên chức chưa bao giờ phải kê khai tài sản, thu nhập theo Luật PCTN 2005 thì nay có thể tương đối yên tâm kê khai tất cả tài sản mà bản chất thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình, bất kể nguồn gốc hình thành. Bởi lúc đó, nghĩa vụ chứng minh một tài sản là bất hợp pháp hoàn toàn thuộc về cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, với những người trước đây đã kê khai tài sản theo luật cũ mà nay kê khai lần đầu theo luật mới thì dù không có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc, họ vẫn phải cân nhắc. Bởi nếu khai thêm những tài sản khác, thuộc loại “khó giải trình” thì phần biến động giữa các bản khai cũ và mới ấy có thể dẫn tới nguy cơ bị tố cáo. Tố cáo là một căn cứ để xem xét khởi động quy trình pháp lý xác minh tài sản, thu nhập. Trong quy trình ấy, nghĩa vụ giải trình của người kê khai tài sản được xác lập song song với trách nhiệm chứng minh của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Sẽ có quy chế phối hợp

Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được xác lập đầu tiên bởi Pháp lệnh PCTN 1998. Đến khi pháp lệnh được nâng lên thành luật vào năm 2005 thì công tác kê khai tài sản, thu nhập này được làm lại từ đầu.

Thời điểm ấy, người phải kê khai không có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản, cũng như tài sản tăng thêm qua các năm. Phải đến lần sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2012, nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm mới đặt ra và mô tả rõ trong mẫu kê khai tài sản, thu nhập.

Nay với Luật PCTN 2018 và Nghị định 130 triển khai công tác thi hành, có thể hiểu một lần nữa công tác kê khai tài sản, thu nhập được làm lại từ đầu với các yêu cầu mới. Nền tảng của nó là cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, đang được Thanh tra Chính phủ nghiên cứu những bước đầu tiên để tiến tới lập đề án.

Ngoài ra, cũng với mục đích ấy, Ban Tổ chức Trung ương đang ở những bước đầu chủ trì để xây dựng một quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thuộc phía Đảng, phía các tổ chức chính trị - xã hội, phía Nhà nước để phân luồng quản lý người có nghĩa vụ kê khai, phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng.

Như thế, công tác kê khai tài sản, thu nhập được triển khai những ngày tới mới chỉ là bước đầu đưa công tác kiểm soát tài sản, thu nhập theo Luật PCTN 2018 vào vạch xuất phát của nó.

Lỡ nhịp một năm

Luật PCTN 2018 xác định áp dụng chế độ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu trên diện rộng ngay sau khi luật có hiệu lực, tức triển khai cuối năm 2019.

Tuy nhiên, công tác quan trọng ấy bị lỡ hẹn bởi việc xây dựng nghị định quy định chi tiết luật và các biện pháp thi hành gặp nhiều khó khăn mà phải đến hôm 30-10 vừa rồi Chính phủ mới hoàn tất, ban hành với tên gọi Nghị định 130/2020 về “kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Với lý do đó, việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo Luật PCTN 2018 phải năm nay mới triển khai được với thời hạn hoàn thành theo luật định trước ngày 31-12-2020.


Kiểm soát chặt 'đường đi' của tài sản quan chức
Kiểm soát chặt 'đường đi' của tài sản quan chức
(PLO)- Thanh tra Chính phủ đang đặt mục tiêu tháng 6 tới có thể trình Chính phủ dự thảo nghị định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức quyền. Vào lúc này, ý kiến đóng góp của người dân, tổ chức đang được khẩn trương tổng hợp, đánh giá, giải trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm