Theo đó, tài liệu mới sẽ được công bố trong cơ sở dữ liệu toàn cầu vào ngày 9-5 tới đây, bao gồm thông tin cơ bản về hơn 200.000 công ty, quỹ tín thác và quỹ đầu tư bí mật hải ngoại có trụ sở tại 21 nơi từ Hong Kong tới Nevada và Mỹ.
ICIJ tuyên bố phần 2 này không phải là dữ liệu về các tư liệu gốc của phần 1 hay dữ liệu cá nhân quy mô lớn mà “có thể là vụ tiết lộ bí mật các công ty hải ngoại và những người đằng sau chúng lớn nhất từ trước đến nay”.
Đây là nhiệm vụ tiếp theo của họ trong vụ điều tra hồ sơ Panama. Trước đó, phần 1 đã làm rúng động thế giới vào đầu tháng 4-2016.
Trên 11 triệu tài liệu do công ty luật có trụ sở ở Panama Mossack Fonseca đã bị rò rỉ cho tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung.
Thủ tướng Iceland phải từ chức sau vụ rò rỉ hồ sơ Panama phần 1 cho thấy vợ ông sở hữu một công ty nước ngoài liên quan tới sự sụp đổ của các ngân hàng Iceland. Ảnh: Reuters
Các tài liệu được chia sẻ cho ICIJ, tổ chức được thành lập từ 107 tổ chức truyền thông ở 78 nước. Các cơ quan tin tức toàn cầu đã xem xét 28.000 trang tài liệu cho thấy toàn bộ quy mô của các vụ trốn thuế thành công của 340 công ty.
Chi tiết vụ điều tra đã khiến cho Quyền Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria và Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức vì những hoạt động phi pháp bị bóc trần trong hồ sơ.
Theo ICIJ, tác động của hồ sơ Panama còn dẫn tới sự ra đi của hàng loạt nhân vật cấp cao khác, đặt ra nghi vấn trong nhiều công ty và gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà chính trị khác như Thủ tướng Anh David Cameron trong việc giải thích các mối quan hệ với các công ty nước ngoài.
Nó đánh thức các nhà làm luật và điều hòa chính sách về tính khẩn cấp của việc lấp các lỗ hổng chính sách cố hữu và công khai thông tin chủ nhân của các công ty vỏ bọc.