Chiều 31-5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Ông Đặng Thuần Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng ông cơ bản đồng tình với dự thảo luật. Tuy nhiên, phần "kê khai không trung thực, không kê khai, giải thích không hợp lý, xem đó là tài sản bất minh và sẽ thu thuế hoặc xử phạt hành chính" cần phải cân nhắc vì khó khả thi.
Ông Đặng Thuần Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Ảnh: quochoi.vn
Vị đại biểu khẳng định việc chứng minh tài sản bất minh thuộc cơ quan tố tụng. Thông qua điều tra, khởi tố vụ án, xét xử mới khẳng định được tài sản bất minh. “Đồng thời đã gọi là bất minh rồi thì phải tịch thu chứ không thể đánh thuế hoặc xử phạt hành chính” - vị đại biểu nhấn mạnh và cho rằng quy định này nếu được thực hiện thì vô tình hợp thức hóa tài sản bất minh do phạm tội hoặc tham nhũng mà có.
Ngoài ra, ông Đặng Thuần Phong đề nghị làm rõ giữa phòng ngừa, kiểm soát và xử lý tham nhũng công và tư. Đồng thời xem xét không quy trách nhiệm nặng nề cho người đứng đầu nếu xảy ra tham nhũng. “Vì chúng ta làm vậy dễ dẫn đến họ giấu đi, như vậy rất khó phát hiện tham nhũng” - vị đại biểu nói.
Bàn về dự thảo luật này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) ủng hộ phương án giao cho cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản. Việc này vừa có thể giúp tập trung công việc vào một đầu mối đồng thời có thể quy được trách nhiệm của cơ quan đó.
Hơn nữa, theo đại biểu Cường, để chống tham nhũng không thể 1-2 ngày mà phải nhiều năm và cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, do vậy một cơ quan là cách hay nhất để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng sân sau để rút tài sản của Nhà nước và tham nhũng nên trong dự thảo luật mới cần tính đến việc kiểm soát đối tượng này, tránh thất thoát tài sản.