Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân Khu 2, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Giang, có những phát biểu rất sát sao, mộc mạc về công tác chống tham nhũng.
Tướng Sùng Thìn Cò cho rằng kê khai tài sản hiện nay đang rất hình thức.
Cùng chủ đề này, tại hành lang QH sáng 20-11, Tướng Sùng Thìn Cò trao đổi với báo chí rằng: “Người dân biết hết đấy, chẳng qua người ta có nói hay không thôi”.
Tôi vào ngành đã phải kê khai tài sản rồi
. Phóng viên: Thưa ông, tại hội trường, ông đã đề cập đến việc kê khai tài sản ba đời.
+ Tướng Sùng Thìn Cò: Kê khai tài sản ba đời đã làm lâu rồi chứ có phải mới đây đâu. Khi tôi bắt đầu đi vào ngành là đã phải kê khai rồi. Chẳng qua lâu ngày rồi mình làm không chính xác, không đến nơi đến chốn. Rồi mình làm nó cũng hình thức quá. Dân biết hết đấy, chẳng qua là người ta có nói hay không thôi.
. Hiện giờ ông thấy việc kê khai tài sản thế nào?
+ Ít lắm, mà mình không chú trọng cái đấy. Ví dụ đời ông mình có cái gì, bố mình có cái gì, mình có cái gì. Tất cả nó rõ ấy mà chứ có gì đâu!
. Vậy phải khắc phục tình trạng này ra sao?
+ Phải xây dựng được cán bộ. Cán bộ phải thực sự trong sạch. Ví dụ như Trung Quốc, chính ra là nhiều cán bộ chống tham nhũng rất mạnh, sau đó bị cho nghỉ, thậm chí không dùng. Rồi ông Tập Cận Bình sau này tranh thủ ý kiến các vị này. Cho nên khi ông ấy xác định rõ thì làm chẳng có vụ nào oan.
. Vừa qua cũng có vụ thanh tra tài sản như ở Yên Bái đấy! Thanh tra tài sản ông thấy có cần thiết không?
+ Thanh tra tài sản ấy thì chỉ khi báo chí đưa lên thì mình mới vào cuộc thôi. Thực tế không có cái nào người dân xung quanh mà không biết cả. Người ta biết thừa ấy chứ.
Tài sản chỉ chảy vào chỗ người thân quen
. Nhưng kê khai rồi thanh tra tài sản dù không xác định được nguồn gốc nhưng lại không thu hồi được?
+ Kê khai tài sản là một vấn đề nhưng kê khai xong thì cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm thẩm định lại. Đồng thời, kê khai đó phải được xác minh ở địa phương mà cán bộ đó cư trú hay cơ quan mà cán bộ đó làm việc xem kê khai đó đúng hay chưa đúng thì mới chính xác.
Tài sản bất minh thì có nhiều vấn đề, phải mất nhiều thời gian vì cần quá trình điều tra. Xác minh và kết luận về một con người không hề đơn giản bởi còn liên quan đến sinh mệnh chính trị, nghề nghiệp của người ta. Không thể nói linh tinh mà phải chính xác.
Báo chí phỏng vấn tướng Sùng Thìn Cò về tham nhũng.
. Thực tế là thu hồi tài sản được rất ít, không được bao nhiêu mặc dù tham nhũng là một thực tế ở khắp mọi nơi.
+ Thu hồi tài sản chủ yếu là do mình chưa cương quyết thôi. Anh đã tham nhũng thì những tài sản chẳng nhẽ có cánh mà bay? Nó chỉ có vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết chứ chả đi đâu.
. Thậm chí là chuyển ra nước ngoài nữa. Mình có kênh nào kiểm soát, ngăn chặn tẩu tán tài sản không thưa ông?
+ Cái đó thì trước mắt nó khó. Nhưng với điều kiện hiện nay Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm, các cơ quan pháp luật vào cuộc rất mạnh. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng rất hiệu quả rồi. Vừa qua cũng răn đe được nhiều cán bộ có hành vi tham nhũng rồi. Tôi nghĩ thu hồi tài sản trước mắt thì khó khăn nhưng sau này chắc là thu hồi được. Còn thu hồi được bao nhiêu cũng chưa rõ nhưng đó là mong muốn của Đảng, Nhà nước, cử tri, nhân dân. Cá nhân tôi cũng thế.
Cho nghỉ việc ngay!
. Ông có hiến kế gì trong việc thu hồi tài sản do tham nhũng không?
+ Hiến kế thì chả gì khó khăn lắm! Cơ bản là cơ quan chức năng đi thực hiện nhiệm vụ để thẩm định, kiểm tra, xác minh các tài sản đã bị tham nhũng phải là những người thực sự liêm chính, chí công, vô tư mới làm được. Còn nặng về vấn đề gì đó, mục đích gì đó sẽ không làm được.
. Vừa rồi báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra có tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng, ông thấy điều này thế nào?
+ Cái đó là điều đương nhiên, không tránh khỏi bởi cái gì cũng có hai mặt. Mặt tích cực và tiêu cực nhưng cố gắng làm sao để mặt tích cực phải chủ đạo, tiêu cực giảm bớt đi thì mới làm được.
. Giả sử lực lượng chống tham nhũng mà vi phạm thì phải xử lý thế nào?
+ Lực lượng đi xác minh thì thực sự phải rất có bản lĩnh, những người được xác minh thì phải liêm khiết. Ví dụ, ngày xưa tôi ở đơn vị, các đoàn kiểm toán, thanh tra lên thanh tra, tôi rất liêm khiết, các anh cứ làm nghiêm túc, tôi sai ở đâu các anh cứ xử lý. Nhưng ngược lại, các anh không được đòi hỏi cái gì và nếu đòi hỏi tôi sẽ xử lý các anh.
Thế là hai bên thông cảm, hiểu nhau nên qua các lần thanh tra, kiểm tra, đưa ra tập thể, cán bộ chiến sĩ công khai thì thừa nhận không có vấn đề và nếu có vấn đề thì xử lý ngay.
. Ý tôi là nếu lực lượng đó vi phạm pháp luật thì phải làm sao?
+ Cơ bản là người biết việc có tố cáo hay không.
. Nếu ông biết thì ông có tố cáo không?
+ Nếu mình biết thì đương nhiên mình có ý kiến, tùy theo cấp độ.
. Vậy có nên loại bỏ những người chống tham nhũng mà… tham nhũng không?
+ Nếu phát hiện được có tiêu cực trong lực lượng đi chống tham nhũng thì theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì phải thay thế ngay, cho nghỉ việc ngay, chứ làm sao mà dùng được nữa.
“Ông Cò chẳng lấy đồng nào của dân”
. Dư luận đánh giá là rất ít người ở cương vị như ông dám phát biểu khách quan, mạnh mẽ, bản lĩnh về vấn đề đó?
+ Tôi nghĩ là cuộc đời tôi tôi nói thật, thì anh em cứ về quê tôi, gặp dân tôi người ta rất phấn khởi. Người ta bảo, riêng ông Sùng Thìn Cò việc gì giúp được sẽ giúp, việc gì không giúp được ông ấy sẽ bảo không giúp. Không bao giờ ông ấy lấy đồng tiền nào của dân nên tôi về quê ở huyện Quản Bạ (Hà Giang) dân rất quý.
Tôi nghĩ muốn chống tham nhũng thì đầu tiên mình phải liêm khiết, còn mình đã không liêm khiết thì nói sao được.
. Sau các phát biểu thì ngoài tin nhắn chia sẻ, ông có áp lực gì không?
+ Cái đó mình chưa phát hiện được nhưng tôi nghĩ trong cái này cũng như trong cuộc chiến cũng phải có cái được, cái không chứ không phải được hết.
. Cuộc chiến này còn dài, ông sẽ đưa ra diễn đàn những vấn đề nóng nữa không?
+ Tôi nghĩ là tất cả vấn đề tiêu cực, tôi biết được, tôi sẽ phát biểu, tôi chả trừ một loại gì, kể cả tệ nạn xã hội, chứ không riêng gì lĩnh vực tham nhũng. Bởi dân rất trông chờ mình.
. Xin cảm ơn ông!