Bài phát biểu tâm huyết của Thiếu tướng Sùng Thìn Cò

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, đại biểu tỉnh Hà Giang, trong buổi thảo luận tổ về dự luật phát triển và bảo vệ rừng chiều 7-6 đã có bài phát biểu đầy tâm huyết về công tác bảo vệ rừng.

Pháp Luật TP.HCM ghi lại nguyên văn lời phát biểu của ông. Bởi có lẽ đây là bài phát biểu mang nhiều tâm tư nhất khi ông mở đầu rằng: "Kẻ thù của rừng là con người, bạn thân của rừng cũng là con người. Trồng rừng cũng là dân, phá rừng cũng là dân". 

***

Rừng xưa toàn gỗ quý...

Nếu các chủ trương, chính sách pháp luật của mình chưa đi vào cuộc sống người dân thì tôi nghĩ mất đi nhiều, được thì rất ít.

Ở trên Hà Giang, bốn huyện vùng cao là núi đá, nước chả có, khí hậu thì khắc nghiệt. Ngày xưa có những loại cây rừng như cây nghiến, cây đinh, cây trai, thông đá… toàn là gỗ quý. Nhưng dân mình chả giữ được, phá hết. Đưa các loại cây khác đến trồng cũng không lên được.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, đại biểu tỉnh Hà Giang, nói: "Kẻ thù của rừng là dân, bạn thân của rừng cũng là dân". Ảnh: CHÂN LUẬN

Đảng, Nhà nước, địa phương có quan tâm nhưng đưa các loại cây khác lên trồng, đến mùa rét buốt, các loại cây ở dưới này lên trồng cũng không sống được, chết hết. Mùa khô hanh quá cũng chết. Nhưng rừng tái sinh tự mọc thì rất tốt.

Chúng ta đã có cơ chế, chính sách để chăm sóc, bảo vệ rừng tái sinh nhưng phải làm sao cho thích hợp với từng vừng.

Các khu vực rừng đặc dụng, theo quy định của pháp luật là không được bố trí dân cư ở gần. Nhưng ở Hà Giang, người đông, đất ít. Trên núi nhiều đá cũng chả ở được. Rừng đặc dụng có một chút đất. Không ai bỏ cuộc sống được, ai cũng phải kiếm kế sinh nhai.

Người ta ở gần đặc dụng từ xa xưa rồi. Chúng tôi vào bảo sao lại không giao cho dân, lại để thế này. Thế là cha chung không ai khóc. Ai phá thì cứ phá, giữ thì chả có cơ sở. Kiểm lâm vào giao một số cây nhưng không có văn bản và chế độ kèm theo nên không giữ được.

Có những thời kỳ ở Hà Giang “người ta” thu mua gỗ để phá hoại mình. Dân mình chỉ đi vác một cục gỗ 30-40 cân bán là mua được cái điện thoại 1-2 triệu rồi. Chính cái đó khuyến khích lâm tặc đi phá rừng. Phá kinh khủng.

Tôi tham mưu cho chủ tịch, bí thư tỉnh thành lập các tổ công tác gồm biên phòng kiểm lâm, dân quân đi chốt giữ và tuyên truyền. Thế mới hạn chế được.

Không dựa vào dân thì không giữ được

Lâm tặc là ai? Chính là dân của mình. Nhưng mình vẫn phải làm tốt công tác tuyên truyền. Phải gắn với hệ thống chính trị và phổ biến tuyên truyền.

Kinh phí hằng năm cho tuyên truyền cũng có. Tôi lấy kinh phí đó mua bò, trâu, lợn, tổ chức ăn uống, hội nghị đoàn kết quân-dân. Thế là dân từ trẻ tới già, ai đến thì mang bát, đũa, cơm. Rồi tuyên bố đoàn kết, biểu quyết từ nay không phá rừng. Thế là dân rất khoái. Tôi nói là rừng Hà Giang không dựa vào dân là không giữ được.

Nếu chúng ta có biện pháp, giải pháp cụ thể tuyên truyền cho nhân dân thì mới được. Tôi đã nghĩ rừng ở nước ta giờ không nhiều, không mênh mông như ở Lào, phải đánh số thứ tự, giao cho dân, kiểm tra định kỳ và để dân quản lý. Hàng triệu năm nay mới có những cây như thế.

Đất nước mình nhỏ bé, mật độ dân số thì lại đông trên thế giới. 20 m2 vợ chồng hai đứa con thì còn được, nhưng thêm hai ông bà nữa thì không biết sao. Phải có các giải pháp cụ thể, nếu không chỉ là hô khẩu hiệu thôi.

Những chỗ nào dân chưa vào được thì giao cho kiểm lâm, còn vùng biên giới kiểm lâm không lên được thì giao cho các đồn biên phòng bảo vệ. Vừa bảo vệ biên giới vừa bảo vệ rừng. Sau này có điều kiện thì làm du lịch sinh thái.

Tôi đi nhiều nơi, tôi thấy các khu trồng rừng không có đường vào để chăm sóc, hoặc bảo vệ, PCCC không thuận tiện.

Cháy rừng ở Hà Giang giờ là chịu. Nếu điều quân đi thì phải có ý kiến của Bộ. Đợt rồi cháy rừng Hà Giang đúng ngày 3 Tết. Tỉnh đội, thị đội, công an tỉnh huy động mấy ngàn người đi dập mà không ăn thua gì. Nguyên nước cho người đi dập đã không đủ.

Lúc biên phòng được lệnh đi, tôi cử 50 người vác bình cứu hỏa, mỗi bình mười mấy cân, đi đến đâu rừng tắt đến đó. Dân bảo biên phòng có võ gì mà đi đến đâu lửa tắt đến đó, có mấy chục người mà dập tắt được đám cháy.

Những kinh nghiệm này quý lắm. Nhưng rút kinh nghiệm để biểu dương xong rồi thôi.

Giờ ta phải tăng trồng rừng công nghiệp, chế biến, rồi sản xuất đồ gỗ thay thế cho đồ gỗ tự nhiên. Ta phải nghiên cứu xuất khẩu gỗ thế nào, nhập khẩu, chế biến gỗ ra sao. Phải lo, nghĩ, tính toán cho dân. Thì như thế mới khuyến khích được dân trồng rừng.

Tôi tâm huyết về vấn đề rừng. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Cái chung là chính sách của Nhà nước. Luật này phải nghiên cứu kỹ để Quốc hội thông qua thì nó đi vào cuộc sống thường ngày của dân.

Thế ta mới thắng lợi được. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm