Tài sản duy nhất của các cơ quan báo chí đang bị xâm phạm trắng trợn

Tài sản duy nhất của các cơ quan báo chí đang bị xâm phạm trắng trợn

(PLO)- Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang diễn ra đến mức báo động...

Chiều 16-3, trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí tại Hội báo toàn quốc 2024 diễn ra phiên thảo luận về bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.

Phiên thảo luận do nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM chủ trì.

Tài sản duy nhất của các cơ quan báo chí đang bị xâm phạm báo động-ban-quyen-bao-chi
Toàn cảnh phiên thảo luận về bản quyền báo chí. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn thông tin xuyên tạc

Phát biểu gợi mở, Phó Tổng Biên tập thường trực Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận một trong những thách thức lớn với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận nếu không bảo vệ được bản quyền báo chí thì không thể khuyến khích nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào phát triển nội dung.

“Bảo vệ bản quyền báo chí còn giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc. Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay” – ông nói.

Tài sản duy nhất của các cơ quan báo chí đang bị xâm phạm báo động-ban-quyen-bao-chi
Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đã được quy định tại nhiều luật. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập và phân tán trong việc phân định quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thiếu sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng.

Chưa kể, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm báo chí hiện nay còn chưa nghiêm.

“Ở góc độ chủ thể và người sáng tạo nội dung, các nhà báo và cơ quan báo chí cũng còn lúng túng và chưa thật sự quyết liệt trong bảo vệ quyền lợi của mình” – ông nói.

Cắt ghép, sử dụng sản phẩm báo chí để thu lợi nhuận

Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí, nhìn nhận vấn nạn xâm phạm bản quyền báo chí bùng phát mạnh nhất trong ba năm trở lại đây. Báo Dân trí đã theo dõi và phát hiện nhiều vi phạm đa dạng, tinh vi.

ban-quyen-bao-chi-10.jpg
Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo nhà báo Phạm Tuấn Anh, một số trường hợp xuất bản nguyên văn, không trích dẫn nguồn; thậm chí cắt cả logo ảnh Dân trí để đăng.

Ông dẫn chứng một số cái tên quen thuộc như Theanh28, Không sợ chó, Chuyện của Hà Nội, Hà Nội 24h với hàng trăm, cả triệu thành viên.

Đáng chú ý, nhà báo Phạm Tuấn Anh cho biết có trường hợp khai thác video của Dân trí, dựng với nội dung khác để trở thành video của họ. Có trường hợp cắt ghép các nội dung tạo thành sản phẩm có tác động tiêu cực với người xem.

“Với hàng trăm, hàng ngàn lượt view thì việc cắt ghép, sử dụng công sức báo chí đã mang lại nguồn thu, lợi nhuận lớn cho các đơn vị này” – ông nói.

ban-quyen-bao-chi-6.jpg
Phiên thảo luận thu hút nhiều sinh viên báo chí tham dự. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chia sẻ các giải pháp trước thực trạng vi phạm bản quyền báo chí, Tổng Biên tập báo Dân Trí cho biết đã áp dụng tương đối các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài bị lấy mà chưa được sự đồng ý.

Đồng thời, uỷ quyền cho bên thứ ba như luật sư hoặc sắp tới khi có liên minh các cơ quan báo chí và thường xuyên trao đổi các cơ quan để được bảo vệ.

Cũng gặp những tình huống bị “ăn cắp” bản quyền, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động, cho biết báo đã giăng “ăng-ten” khắp nơi để nắm bắt được các trường hợp tác phẩm của mình bị sử dụng trái phép.

Ông kể đầu năm 2024, khi báo Người Lao Động đăng phóng sự ảnh về một lễ hội ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An với một series gần 50 tấm hình và những shot quay đặc sắc.

Tuy nhiên, phóng sự ảnh này bị lấy lại, xử lý cho khác nguyên gốc, phát trên fanpage, kênh Youtube và TikTok của một đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh ở miền Tây Nam Bộ.

ban-quyen-bao-chi-8.jpg
Nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động, chia sẻ tại phiên thảo luận. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Họ đã biến phóng sự ảnh này thành video, đưa AI tự động đọc text, toàn bộ ảnh tĩnh được xử lý lại dạng flash nhằm né bị Google ‘đập gậy’ bản quyền, đặc biệt là không hề ghi nguồn dẫn” – nhà báo Dương Quang kể và cho biết với kênh Youtube hơn hai triệu subscriber và bật kiếm tiền thì rõ ràng nhà đài đã tạo nguồn thu từ công sức lao động của người khác.

Từ đó, Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động đề nghị đưa vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí vào trong chương trình đào tạo báo chí ở các trường đại học, cao đẳng. “Nếu không đưa được việc này thành một bộ môn thì trong môn pháp luật và đạo đức báo chí nên nhấn sâu nội dung này” – ông đề nghị.

Ông cho rằng nếu ngay từ lúc học nghề, người làm báo không được học thì khi hành nghề sẽ dễ bị “lây nhiễm” và “làm bậy”.

Trong kỷ nguyên số, việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang diễn ra đến mức báo động. Chúng ta đang bị chia sẻ tài nguyên khi chúng ta chỉ có tài nguyên duy nhất là các sản phẩm báo chí do chúng ta đầu tư.

Tuy nhiên những sản phẩm này đang bị xâm phạm trắng trợn, ảnh hưởng đến nguồn thu của cơ quan báo chí, làm chúng ta mất đi nguồn lực đầu tư sản phẩm báo chí phục vụ công chúng.

Qua hội thảo, mong rằng chúng ta sẽ có điều kiện nhìn lại rõ hơn mình đang mất gì, đối diện nguy cơ gì, kiểm điểm chính mình sai gì trong quá trình tác nghiệp, có đủ tôn trọng với đồng nghiệp, có xâm phạm họ không…

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM

Báo chí liên minh để bảo vệ "nồi cơm" của mình

Đặt vấn đề liên minh giữa các cơ quan báo chí để bảo vệ bản quyền báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, cho biết việc này từng được thảo luận nhưng vẫn trên ý tưởng, đến nay cần xới lại để bảo vệ giá trị sức lao động, bảo vệ “nồi cơm” của mình.

ban-quyen-bao-chi-4.jpg
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, đặt vấn đề liên minh bảo vệ bản quyền báo chí. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Toàn, có vấn nạn sao chép cả những bài viết điều tra, phán ánh chống tiêu cực được thực hiện công phu, chuyên nghiệp tại các toà soạn có danh tiếng.

Ông cho biết từ khi báo điện tử, trang tin điện tử ra đời, mạng xã hội bùng nổ đã khiến nạn vi phạm bản quyền báo chí gần như bành trướng, áp đảo những nhà sản xuất tin tức chân chính.

Việc dễ dàng, nhanh chóng sao chép thông tin từ các nền tảng số và quy định pháp lý bất cập cho phép các trang tin điện tử (có lúc núp bóng tạp chí điện tử) mọc ra như nấm.

ban-quyen-bao-chi-5.jpg
Phiên thảo luận thu hút nhiều bạn đọc, sinh viên tham dự. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Họ ‘trích dẫn nguồn tin’ để kiếm tiền quảng cáo là cú huých hiểm” – ông đánh giá và cho rằng cả sự lớn mạnh cấp số nhân của các nền tảng mạng xã hội - trên đó thông tin báo chí miễn phí được chia sẻ tự do - là cú đánh “bồi giáng” vào báo chí có bản quyền.

“Với làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang trỗi dậy liệu sẽ có một ngày người làm báo mất nốt khả năng “chỉ mặt đặt tên” kẻ ăn trộm công sức lao động của chúng ta bởi sự chiếm đoạt này đã nằm trong các dòng code, câu lệnh của những cỗ máy tự tổng hợp, tự viết, tự đăng?” – ông Toàn đặt vấn đề và cho rằng việc mất bản quyền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về doanh thu của các cơ quan báo chí đàng hoàng. Trong khi đó, việc chế tài nạn vi phạm bản quyền còn rất yếu ớt.

ban-quyen-bao-chi-3.jpg
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận. Ảnh: HOÀNG GIANG

Để chấn chỉnh, dẹp bỏ nạn vi phạm bản quyền báo chí, Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh cần hình thành được một liên minh bản quyền báo chí.

Ông phân tích đây phải là một liên minh của tất cả các cơ quan báo chí và là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông.

Liên minh này phải thống nhất được những “luật chơi” có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “bảo chứng” cũng như đứng ra làm “trọng tài” phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài...

Bảo vệ bản quyền đã có quy định

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục Trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL, cho rằng công nghệ 4.0 đã tạo cho chúng ta những cơ hội trong việc tiếp cận các sản phẩm của các cá nhân, tổ chức khác để nghiên cứu và thụ hưởng. Qua đó sáng tạo nên những tác phẩm báo chí, truyền bá, phổ biến đến công chúng.

ban-quyen-bao-chi-9.jpg
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục Trưởng Cục bản quyền tác giả. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tuy nhiên, công nghệ 4.0 cũng tạo ra những thách thức về vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả. “Khi áp dụng AI vào lao động báo chí, tôi vừa mừng vừa lo, mừng là các đài truyền hình, các báo đã vận dụng AI để phục vụ cho rất nhiều các hoạt động, tiết kiệm chi phí, sức lao động nhưng mặt khác các cơ quan báo chí đang đối diện với một thách thức mới đó là khía cạnh pháp lý” - bà Oanh nói.

"Đâu là quyền độc quyền của các tác giả? Các chủ sở hữu, quyền tác giả và bất kỳ ai khai thác sao chép một phần hay toàn bộ cũng phải được sự đồng ý" - bà Oanh nhấn mạnh và cho rằng đây là nguyên tắc bất di bất dịch không chỉ trong nước Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Theo bà Oanh, vấn đề bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số hiện đã có quy định và quy định cũng đã có sửa đổi, bổ sung nêu rất rõ vai trò của các đơn vị, doanh nghiệp trung gian.

“Nếu nói đến câu chuyện bảo vệ bản quyền trên môi trường số mà chúng ta không quan tâm, không mạnh mẽ quyết liệt thì liệu tác phẩm vi phạm có được tháo gỡ không hay nó vẫn tồn tại và họ vẫn đang nhận những khoản tiền, những lợi ích, món lợi nhuận khổng lồ trên sức lao động của người khác” - Phó Cục Trưởng Cục bản quyền tác giả nhìn nhận.

4 giải pháp để xử lý vi phạm bản quyền

Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam, khẳng định để xử lý vi phạm bản quyền trong kỷ nguyên số, phải tập trung bốn nhóm giải pháp: công nghệ, pháp lý, truyền thông và làm việc với nền tảng phân phối.

ban-quyen-bao-chi-12.jpg
Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông, công nghệ có thể tham gia vào hoạt động hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt bản quyền, phân phối bản quyền, hỗ trợ về pháp lý, phát hiện và cảnh báo vi phạm.

“Khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích tác phẩm đăng ký bản quyền, thay vì kiểm soát 1 tiếng thì chỉ cần kiểm soát ở vị trí mà AI cảnh báo” - ông Chung nói.

Đọc thêm