Sáng 15-3, tại TP.HCM, Hội Báo toàn quốc 2024 đã chính thức khai mạc.
Tham dự lễ khai mạc có Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Hội Báo toàn quốc 2024 còn có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, TP.HCM, Hội Nhà báo các địa phương cùng đông đảo lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo và bạn đọc…
Quyết liệt, sáng tạo trong triển khai chủ trương, chính sách
Phát biểu tại lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân gắn bó sâu sắc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, đã nhiệt liệt chào mừng các lãnh đạo, người làm báo, công chúng cả nước tham dự ngày hội của giới báo chí.
Ông bày tỏ tin tưởng Hội Báo sẽ thu hút đông đảo người làm báo, công chúng, du khách trong và ngoài nước tham dự.
Theo ông Nghĩa, Hội Báo năm này sẽ giúp công chúng, báo chí cả nước thấy được toàn cảnh báo chí cách mạng Việt Nam trong năm 2023.
Từ kết quả công tác thông tin, tuyên truyền đến các hoạt động nghiệp vụ báo chí; từ những phát hiện, phản ánh, kiến nghị, kiến giải của báo chí đến việc chuyển hóa những đề xuất, kiến giải đó vào thực tiễn điều hành, quản lý.
“Đây là việc thực hiện sứ mệnh xây dựng niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự nghiệp cao cả của Đảng và dân tộc” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, để xứng đáng với vai trò, sứ mệnh vẻ vang của mình, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Nhất là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí trong tình hình mới, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; chuyển đổi số báo chí và đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo…
“Phải sâu sắc trong nhận thức; quyết liệt trong hành động; sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng để tập hợp, thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng trong triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng đó” – ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị hạn chế việc hô hào hình thức mà phải đưa các nội dung trên đi vào chiều sâu, trở thành thói quen văn hoá hàng ngày của từng nhà báo, hội viên trong quá trình sáng tạo các sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.
Bảo vệ bản quyền, đẩy lùi tin xấu
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối… đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo.
Theo ông, trí tuệ nhân tạo và công nghệ có thể trở thành trợ lý ảo cho báo chí. Nhưng phải đối mặt với nguy cơ tin giả, tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo và các công cụ số tạo ra, bị sử dụng trái phép “vốn dữ liệu”, bản quyền báo chí trên môi trường số.
Ông đề nghị báo chí cần chủ động tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ bản quyền, đấu tranh chống tin giả, đẩy lùi thông tin xấu độc, sai lệch, xuyên tạc. Từ đó, để thông tin báo chí chính thống trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong không gian số, xây dựng xã hội thông tin lành mạnh.
Song song đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng báo chí đang phải đối diện với những vấn đề có tính chất bước ngoặt để bảo đảm thế chủ động trong định hướng, dẫn dắt thông tin trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội.
“Những vấn đề này đặt ra yêu cầu đổi mới hoạt động báo chí” – ông nói và đề nghị đổi mới phương thức chỉ đạo, lãnh đạo, tư duy quản lý, thực tiễn hoạt động báo chí.
Trưng bày câu chuyện lịch sử 99 năm báo chí cách mạng
Phát biểu khai mạc Hội Báo, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam, cho biết trong ba ngày (từ 15 đến 17-3), Hội Báo sẽ mang đến cho công chúng và các nhà báo, hội viên nhiều hoạt động nghiệp vụ chất lượng, quy mô lớn, tính chuyên sâu và tính thực tiễn cao.
Cạnh đó là các hoạt động triển lãm, trưng bày, các chương trình văn hóa văn nghệ đặc sắc, phong phú.
Bên cạnh hơn 100 gian trưng bày của các cơ quan báo chí, còn có gian trưng bày chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 CHUYỆN NGHỀ”.
“Đây sẽ là câu chuyện lịch đại 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, với những câu chuyện cống hiến và hy sinh, lao động và sáng tạo của các thế hệ người làm báo - chiến sỹ” – ông Minh nhìn nhận.
Theo ông Minh, trong khuôn khổ Hội Báo, Diễn đàn Báo chí toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức với 10 phiên thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số.
Ban Tổ chức sẽ bình chọn và trao giải Gian trưng bày xuất sắc; Bìa báo Tết ấn tượng; Chương trình phát thanh Tết ấn tượng; Chương trình truyền hình Tết ấn tượng; Giao diện điện tử Tết ấn tượng; phóng sự xuất sắc về Hội Báo toàn quốc 2024.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhìn nhận Hội Báo toàn quốc năm nay sẽ là cơ hội để báo giới gặp gỡ, cùng hiểu rõ hơn nhu cầu thông tin, thị hiếu độc giả, khán giả.
Từ đó, có những sản phẩm báo chí bám sát thực tiễn đời sống, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phản ánh thực trạng đời sống mọi mặt, lắng nghe, phân tích, khơi nguồn, điều hướng dư luận xã hội, từ đó góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
***
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam và kế hoạch công tác năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam – Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”.
Hội Báo 2024 cũng nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 74 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam; 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 48 năm ngày TP Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.