Khi mối quan hệ giữa hai láng giềng Việt Nam - Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế lại được đặt ra. Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của PGS. Ts Nguyễn Hoàng Ánh, Trường Đại học Ngoại thương.
Làm sao tránh khỏi ... Lọa?
Nhưng mặc dù chê bai hàng Trung Quốc, mà giờ đây dân gian gọi là hàng Tàu nhưng thực tế rất ít ai tránh được nó vì đã tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm trong đời sống của người Việt.
Như trong truyện ngắn "Trời hỡi làm sao cho khỏi... Lọa???" của Nguyễn Ngọc Tư, chú Tư cấm vợ con dùng hàng Tàu nên không được mở TV (vì hễ mở là có phim Tàu), không dùng điện thoại, không ăn hoa quả, thay hết quần áo, đập chén dĩa, phích nước, đồ điện tử trong nhà....
Vợ con chịu hết xiết, một ngày thằng con đi học về bảo chú đồ VN chú bắt mua dùng linh kiện cũng của Tàu, tên mình cũng có gốc Tàu luôn. Muốn đi đổi tên phải làm đơn mà "mấy cái đơn xin không biết viết sao cho nó Việt hết cỡ, thí dụ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" thì mình viết là "một mình sung sướng thoải mái" được không?" Chú Tư ngã vật ra chết giấc. Cũng may nhà còn sót lại chai dầu cù là nhập bên.. Tàu mới đánh gió lay tỉnh chú được.
Đất nước Singapore |
Truyện ngắn rất thực tế mà cũng rất hài hước ấy cho thấy, tẩy chay hàng hóa của Tàu nói riêng và của các quốc gia khác nói chung trong thời buổi toàn cầu hóa này là bất khả. Trong những dịp đi công tác ở châu Âu, Mỹ... tôi thấy họ dùng hàng TQ rất phổ biến và hàng Made in China cũng có rất nhiều loại, từ cao cấp đến bình dân.
Mặc dù hàng TQ mang tiếng xấu nhưng do sức hút của giá cả, mẫu mã nên vẫn bán khá chạy. Một học giả nước ngoài đã viết: "Bạn khó có thể từ chối dùng hàng Trung Quốc vì quyết định ấy sẽ làm đời sống của bạn sẽ tốn kém hơn nhiều".
Nhưng khó có nước nào mà việc lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc lại "đậm đặc" như Việt Nam, từ hàng tiêu dùng đến những thiết bị viễn thông cao cấp, các công trình thầu EPC... Vì vậy, việc tẩy chay hàng TQ ở VN có vẻ không khả thi, chưa kể nó còn đi ngược nguyên tắc Tự do hóa thương mại của WTO. Và ta cũng phải nghĩ ngược lại, sẽ ra sao nếu Trung Quốc cũng từ chối dùng hàng Việt nam? Quyết định như vậy không chỉ gây tổn hại đến bang giao giữa hai dân tộc mà còn gây thiệt hại cho kinh tế của hai nước.
Vì vậy, thay vì chê bai hàng Trung Quốc sao chúng ta không nghĩ đến việc học hỏi Trung Quốc để làm tốt hơn họ? Ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng Giám đốc FPT đã viết trong lá thư gửi con nhân ngày sinh nhật Bác là "ba muốn nói với các con rằng, đừng phê phán kỳ thị, hãy sang Trung quốc để chiêm ngưỡng những thành tựu của họ, tìm lấy 1 sản phẩm, 1 vấn đề mình quan tâm và tự đặt câu hỏi: tại sao họ làm được mà ta lại không làm được? Hàng ngàn, hàng vạn người đặt câu hỏi, sẽ có người tìm được câu trả lời".
Và thực tế là năm 2007 FPT đã thành công trong việc huấn luyên một nhóm lập trình viên, trong đó có cả những người chưa tốt nghiệp ĐH, chỉ trong vòng 6 tháng đạt được năng suất lao động cao hơn các công ty Trung Quốc đã có kinh nghiệm nhiều năm để thắng thầu cung cấp phần mềm cho công ty Nhật Bản. Như một giám đốc người Nhật đã nói "người Việt Nam giỏi lắm, thông minh lắm, kiên cường lắm vì người Nhật đã thua người Mỹ, còn người Việt Nam thì lại thắng nước Mỹ, làm cả nước Nhật thấy sỉ nhục. Nhưng 20 năm qua đi, Nhật Bạn có Toyota, có Honda, có Mitsubishi, Việt Nam có gì? Người Hàn Quốc chịu sỉ nhục trước người Nhật, họ có Hyundai, có Samsung, có LG, Việt Nam có gì?"
Biến cố lịch sử Trung Quốc đe dọa biển đảo Việt Nam đã thúc đẩy chúng ta nhìn lại sự lệ thuộc của thị trường Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Cùng là châu Á, cùng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa TQ như chúng ta như sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay thậm chí là Đài Loan đã tránh được sự lệ thuộc kinh tế vào nước khác?
Vì sao một hòn đảo nhỏ như Đài Loan, địa vị chính trị còn khó khăn hơn chúng ta nhiều lại có thể thoát được sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc mà chúng ta thì chưa? Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại mình để mở rộng bang giao, đa phương hóa hơn nữa quan hệ kinh tế và nâng cao khả năng tự cường đề chúng ta khỏi chết ngất khi muốn bài trừ hàng nước Lọa như chú Tư trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.
Theo Nguyễn Hoàng Ánh
Tuần Việt Nam