Câu chuyện phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, đặc biệt giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc ngày càng được phân tích, mổ xẻ đa chiều. Có thể thấy, Việt Nam có phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng ngược lại, Trung Quốc cũng có phần phụ thuộc vào Việt Nam.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Trung Quốc đang có hành động không đẹp trong thương mại, như: cấm cửa khẩu, cấm đấu thầu nhưng họ không thể ồ ạt rút lui do quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ của các tập đoàn lớn trên thế giới như: Sam Sung, Nokia… Bên cạnh đó, Trung Quốc lại đang hưởng thuận lợi nên không thể cắt bỏ quan hệ này. Trong trường hợp Trung Quốc không tuân theo luật chơi chung thì hình ảnh của nước này ngày càng xấu đi.
Chủ động quan hệ...
Nêu thực trạng của ngành dệt may, bà Đặng Phương Dung – TTK Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, hiện ngành đang tập trung quá lớn vào xuất khẩu (chiếm 86% năng lực sản xuất), trong khi lại lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm 86% tổng nhu cầu), đặc biệt là từ Trung Quốc (46%). Tình trạng “Nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam cũng đang là một thách thức.
Để có sự phát triển lâu dài và bền vững, theo bà Đặng Phương Dung, ngành dệt may duy trì chiến lược tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng cách kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài vào những ngành chúng ta đang yếu. Đó là dệt, nhuộm, hoàn tất. Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại cũng là cơ hội để chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài, cùng nhau chia sẻ lợi ích khi đã đáp ứng điều kiện.
“Năm 2013 chúng ta thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và hoàn tất. Đây sẽ là một giải pháp tốt nhất trong các giải pháp để tăng tỷ lệ nội địa hóa và tăng sức cạnh tranh của ngành dệt may. Chúng ta cũng tận dụng được lợi thế của các FTA, TPP mang lại” – bà Dung nói.
Giao thương kinh tế tại khu thương mại quốc tế Đông Hưng, Trung Quốc. (Ảnh: Vũ Hạnh)
Ngoài ra, lợi dụng việc người trồng rừng không nắm được thông tin, nhiều thương lái trung Quốc đã mua rừng non gây thiệt hại cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Giá mua 1 m3 gỗ có đường kính nhỏ từ rừng trồng non chỉ thu được từ 800.000 – 1.000.000 VNĐ/m3 và năng suất chỉ đạt 60- 70m3ha, nếu được nuôi dưỡng những cánh rừng non đó thêm 2-3 năm nữa sẽ có cây gỗ có đường kính từ 18 – 25cm sẽ bán được giá từ 2.5 – 3.0 triệu đồng/m3 với năng suất sẽ đạt từ 100 – 120 m3/1ha.
Từ những thực trạng đang diễn ra, ông Nguyễn Tôn Quyền đề nghị: “Cần có chiến lược và tự chủ đối với tình trạng Trung Quốc thu mua vơ vét tài nguyên rừng Việt Nam”.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng là nguyên nhân làm tăng kim ngạch nhập khẩu. Tính đến cuối năm 2011, Trung Quốc có hơn 820 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 4,2 tỷ USD, đứng thứ 14 trong các nước và khu vực đầu tư vào Việt Nam. Các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu nhiều công trình ở Việt Nam.
Việt Nam luôn thua thiệt
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời kỳ hội nhập này không thể nói là chúng ta phải tự túc 100% mà bắt buộc phải tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi tham gia chủ động thì chúng ta có lợi thế tốt hơn.
Nhìn nhận rõ hơn thực trạng mối quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Việt Nam chịu sức ép nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng cả về quy mô và tỷ trọng; đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng nhập siêu của cả nước.
Theo phân tích của ông Nguyễn Minh Phong, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc phần lớn tập trung vào các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện lắp ráp, gia công và các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất xuất khẩu. Như vậy, về bản chất Việt Nam đang đóng vai trò cầu nối xuất khẩu (với chi phí thấp) cho các ngành hàng thế mạnh của Trung Quốc. Diễn biến này đẩy nền kinh tế Việt Nam lún ngày càng sâu vào thế phụ thuộc Trung Quốc và chỉ đóng vai trò gia công với chi phí thấp. Trong khi xu thế tẩy chay hàng Trung Quốc đang lan rộng trên toàn cầu, Việt Nam chắc chắn sẽ bị vạ lây nếu cứ tiếp tục vai trò giúp hàng hoá Trung Quốc “mượn đường” thâm nhập thị trường thế giới như hiện nay.
Trong thương mại và đầu tư, Trung Quốc có nhiều thủ pháp xúc tiến giành lợi thế xuất khẩu như khuyến mại, ứng hàng cho thương nhân nhập khẩu, thanh toán bù trừ, hoán đổi tiền tệ để khuyến khích thương nhân Việt Nam nhập khẩu. Tại một số diễn đàn hợp tác thương mại biên mậu, các chuyên gia Trung Quốc từng khuyến khích sử dụng nhân dân tệ để buôn bán. Việc sử dụng nhân dân tệ với các dịch vụ đổi tiền tự phát ở biên giới đã kích thích nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc.
Trong tình hình hiện nay, để tăng năng lực cho DN trong nước, cùng với đẩy mạnh “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp và cơ quan Việt Nam cần tăng cường đặt hàng, sử dụng nguyên liệu và sản phẩm của nhau...như là những việc làm thiết thực của lòng yêu nước và góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, vững mạnh.../.