Đó là một trong rất nhiều trường hợp uống bia rượu liên miên trong những ngày giáp tết. Nhưng ngày tết không thể không uống rượu bia. Vậy rượu bia gây ra tác hại như thế nào, giải pháp ra sao để giảm tác hại của nó?
Càng đắng càng ham
ThS-BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, BV Tai Mũi Họng TP.HCM, phân tích: Rượu bia thực ra đã làm đắng miệng từ cái… chạm môi đầu tiên. Do vậy nhiều người lần đầu uống rượu bia đều… nhăn mặt (bia thì đỡ hơn). Tuy nhiên càng đắng càng… ham. Vì vậy khi những lần nâng cốc, cụng ly ngày một nhiều hơn thì lúc đó “tửu lượng” đã nhiều.
Uống nhiều rượu, bia có hại cho sức khỏe. Hình minh họa.
“Đường dẫn mật từ túi mật nằm ở trong gan đổ vào hành tá tràng (đoạn đầu tiên ở ruột non), khi uống nhiều rượu bia thì sẽ làm dạ dày căng ra và có hiện tượng trào ngược dịch từ tá tràng qua môn vị, lên thực quản và vào miệng nên có cảm giác… đắng. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi chúng ta uống một lượng lớn bia rượu và đi ngủ, vì khi nằm thì hiện tượng trào ngược mới dễ xảy ra. Do đó để tránh hiện tượng này, chúng ta nên uống vừa phải, kèm ăn thức ăn đặc như cơm để hạn chế hiện tượng trào ngược” - BS Hớn nói.
Bên cạnh đó, trong rượu bia có thành phần chủ yếu là ethanol. Ngoài ra còn một số chất kích thích phóng thích histamine-là hoạt chất tăng tiết dịch rất nhiều nhất là ở niêm mạc dạ dày thực quản, làm bệnh nhân nhiều đàm nhớt và buộc phải… khạc nhổ. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ gặp ở một số người có cơ địa nhạy cảm.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo BS Hớn thì cách tốt nhất là ngừng uống bia rượu. Tuy nhiên nhiều… “đệ tử lưu linh” thì cho rằng thà chết chứ nhất quyết không bỏ rượu bia.
Để vẫn được uống thả ga nhưng không bị… đắng miệng. Một số người sử dụng thuốc kháng histamine uống để chống lại hiện tượng này. “Tuy nhiên không nên sử dụng lâu dài vì đa phần thuốc kháng histamine bị đào thải tại gan, sẽ tạo hiện tượng quá tải cho gan và tăng nguy cơ bị… ngộ độc. Vì vậy khi uống rượu bia cũng sử dụng vừa phải, hạn chế uống đá quá lạnh tránh viêm họng dạng xuất tiết” - BS Hớn phân tích thêm.
Coi chừng “nốc” nhầm rượu độc
Trong rượu bia có chứa gốc ethanol là chất gây hội chứng “ngày hôm sau” như: Nhức đầu, ngầy ngật, nhợn ói, nhiều đàm nhớt… Hiện tượng này thường xảy ra sau năm giờ uống bia và tửu lượng phải “đủ chuẩn” (bia 5-6 lon, rượu mạnh 500-850 ml).
Khi uống rượu bia, chỉ nên uống vừa đủ theo khả năng. Không nên uống khi bụng đói. Hình minh họa.
Ethanol là chất gây giãn mạch và tương tác với một số chất gây nhức đầu như prostaglandin, histamine… Tuy nhiên, mức độ nhiều ít của ethanol tùy vào những loại rượu và độ “xịn” của rượu. Nếu chúng ta “rước nhầm” rượu giả không khác gì uống thuốc độc.
Đối với bia cũng tương tự. Nếu bia được ủ tốt thì nồng độ ethanol thấp và ít tạp chất sẽ hạn chế phần nào gây nhức đầu. Tuy nhiên, mức độ nhức đầu còn có thể do yếu tố gia đình, người ta thấy rằng nếu trong nhà có người nghiện rượu thì khả năng gây nhức đầu sẽ tăng lên.
Mẹo để khỏi nhức đầu, đắng miệng khi uống rượu
- Uống vừa phải, tùy theo khả năng và “tửu lượng” của từng người. Uống khi nào cảm thấy vừa đủ “say” thì ngưng. Nên uống chậm, uống với nước lọc hay nước soda sẽ làm giảm khả năng hấp thu của rượu vào máu một lượng lớn.
- Trước khi uống không nên để dạ dày trống vì sẽ tăng hấp thu rượu, vì vậy nên ăn một ít thức ăn đặc trước như cơm cho… “chắc bụng”.
- Sau khi uống rượu bia thì sáng hôm sau nên uống một ít cà phê, vì chất cafein sẽ ngăn chặn phần nào cơn nhức đầu vận mạch do chất serotonine gây ra.
Cũng theo ThS-BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, cơ thể chúng ta một cỗ máy hoàn chỉnh của tạo hóa. Cái gì cũng có sức chịu đựng và giới hạn. Ngoài ngộ độc rượu ra thì tình trạng xơ gan, ung thư gan ở những người uống rượu bia ngày càng tăng.
Theo WHO, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân mắc xơ gan chiếm 5% dân số. Trong đó xơ gan do rượu bia khoảng 18%. Nhiều người mắc chứng nghiện rượu, gây rối loạn tâm thần, ung thư họng và dạ dày thực quản… hậu quả để lại quá lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.