Tại sao phải cãi nhau vì chiếc váy?

Đầu tiên, cô nàng có nickname BradTheLadLong trên  mạng xã hội Tumblr đăng tải hình ảnh một chiếc váy và nhờ bạn bè xác định màu sắc của nó. Một số người khẳng định chiếc váy màu đen và xanh. Một số người khác nói nó màu vàng và màu trắng. Một số khác lại cho rằng nó là sự kết hợp giữa màu xanh và màu vàng.

Chiếc váy 'nối tiếng nhất thế giới' trong 24 giờ qua! 

Chiếc váy bỗng chốc trở nên nổi tiếng từ trang Tumblr sang Twitter và ngập tràn trên Facebook. Người người vào cuộc từ vô danh đến ngôi sao như Kim Kadashian, Taylor Swift và cả Lady Gaga! Taylor Swift viết: “Tôi không hiểu sao lại có cuộc tranh luận về màu váy này. Tôi chỉ thấy có chút bối rối và lo sợ nhưng nó có màu xanh dương và đen”.

Chưa hết, cả ông Lý Hiển Long, thủ tướng Singgapore cũng vào cuộc. “Bạn nhìn thấy trắng và vàng hoặc xanh dương và đen là vì sao? Đó là câu trả lời nóng bỏng nhất trên mạng hiện tại”. Ông Lý Hiển Long nghĩ rằng màu sắc chúng ta nhìn thấy phụ thuộc vào hoàn cảnh mà chúng ta thấy sự vật và cái cách mà não bộ chúng ta xử lý ánh sáng đi vào mắt chúng ta. Vì thế, nhiều người khác nhau đôi khi nhìn đồ vật như nhau nhưng có màu sắc khác nhau. Ông chốt lại là mình thấy vàng và trắng!

Các nhà khoa học vào cuộc, bởi hơn lúc nào hết, người ta cần một sự lý giải thuyết phục.

Trang Daily Mail đã nhanh chóng đưa ra câu trả lời cho sự khác biệt giữa hai màu vàng- trắng, xanh-đen khi mọi người nhìn bức ảnh. Đơn giản là do ảo ảnh quang học.

Trong bức ảnh chụp cái váy, màu sắc xung quanh nó rất lộn xộn khiến bộ não ta không chắc chắn màu chính xác của cái váy. Phân tích kỹ bức ảnh có thể thấy có cả màu đen, màu da cam… Khi mọi người nhìn vào khu vực màu tối có cảm giác như thấy màu xanh nơi mà trước đó thấy màu trắng và màu đen ở phần thấy màu vàng. Tất cả phụ thuộc vào bộ não mỗi người nhận thức và xử lý màu sắc. Jay Neitz, thuộc khoa thần kinh học của Đại học Washington nói rằng đã nghiên cứu những khác biệt về màu sắc qua cách nhìn của các cá nhân trong 30 năm và “đây là lần đầu tiên tôi thấy sự khác biệt lớn đến như thế”. Cá nhân nhà khoa học này thì nhìn thấy màu trắng và vàng!


Người ta còn bỏ công ra để nhờ máy tính phân tích sắc độ nữa. 

Theo Vnexpress, David Williams, một nhà khoa học chuyên về thị lực con người của Đại học Rochester, Mỹ, cho biết ánh sáng được tạo thành từ các bước sóng khác nhau và não bộ nhận thức chúng dưới dạng màu sắc. Ánh sáng đi vào võng mạc, bộ phận nhạy cảm với ánh sáng, kích hoạt các tế bào nón nhạy cảm với bước sóng đỏ, xanh lá cây hoặc xanh dương. Tuy nhiên, bước sóng mà mắt bạn phát hiện có thể không phải bước sóng của đối tượng mà bạn đang nhìn.

"Khi nhìn vào một vật thể, ánh sáng mà mắt nhìn thấy tùy thuộc vào hai yếu tố: vật thể đó được chiếu sáng như thế nào và các đặc tính bên trong của nó là gì. Do đó, bộ não luôn phải xử lý để nhận diện màu sắc thực sự của đối tượng", Live Science dẫn lời Williams nói.

Trong trường hợp của chiếc váy này, mọi người nhìn thấy nó thành hai nhóm màu sắc khác nhau không phải vì họ mù màu. Williams cho rằng não bộ của mỗi người có thể có những giả định khác nhau về việc chiếc váy đó được chiếu sáng như thế nào.

Ví dụ, nếu não bộ giả định ánh sáng trên chiếc váy rất mờ, nó sẽ cho rằng đối tượng có độ phản chiếu cao, hay biểu hiện ở màu vàng và trắng. Nếu giả định điều ngược lại (sáng hơn chứ không phải mờ), nó sẽ quyết định đây là chiếc váy tối màu, hay màu xanh và đen.

Cedar Riener - giáo sư tâm lý học tại trường Cao đẳng Randolph-Macon (Mỹ) cho biết: "Mỗi người có độ nhạy cảm màu sắc giữa các màu khác nhau nhưng độ nhạy lại tương tự nhau. Với tôi, tỷ lệ nhận biết sắc thái màu đỏ và xanh lá cây là 5:1 nhưng với bạn có thể chỉ là 2:1 mà thôi".

Do vậy, nếu như những ai nhìn thấy chiếc váy có màu xanh và đen thì nghĩa là các tế bào nón trong võng mạc của họ hoạt động mạnh mẽ. Trong khi đó, những ai nhìn thấy chiếc váy có màu trắng và vàng thì nghĩa là đôi mắt của họ không hoạt động tốt trong điều kiện ánh sáng mờ, vì thế các tế bào que của võng mạc nhìn ra màu trắng, và điều này khiến chúng ít nhạy cảm hơn với ánh sáng, gây ra sự pha trộn màu sắc (màu xanh lá cây và đỏ), tạo thành màu vàng.

Lời kết:

Chiếc váy là vàng trắng hay xanh đen thực ra không tổn hại bất cứ ai cả. Đây phải chăng là dịp để mọi người tìm hiểu thêm về câu chuyện ánh sáng đi qua võng mạc được não bộ tiếp thu thế nào? 

Không hẳn thế, nhưng rõ ràng, con người hình như luôn cần tranh cãi. Cãi về một chuyện vô thưởng vô phạt xem ra là cái cãi dễ chịu nhất phải không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới