So với Luật Căn cước công dân 2014 thì Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7 sẽ có một số thay đổi. Trong đó việc bổ sung quy định về Giấy chứng nhận căn cước cũng được bạn đọc quan tâm.
Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định.
Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch) là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.
Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Công an TP.HCM, thực tế hiện nay ở nước ta có khoảng 31.117 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch (trong đó, có 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long...; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai...; 16.161 trường hợp người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương...).
Trong quá trình xây dựng Luật Căn cước, Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thấy rằng Luật Quốc tịch; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về người nước ngoài và công dân Việt Nam; trong đó, tập trung quy định về việc công nhận, xác định quốc tịch, quản lý cư trú (cấp thẻ thường trú, tạm trú…). Tuy nhiên, các luật này đều không điều chỉnh, quy định về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam.
Trong khi đó, thực tiễn cho thấy tại nước ta có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… mà họ và các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch (những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân…).
Nên để giải quyết tình trạng này, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam là cần thiết và phù hợp. Nội dung này cũng không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Muốn làm giấy chứng nhận căn cước thì phải đến đâu?
Căn cứ khoản 4 Điều 30 Luật Căn cước, nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:
Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống;
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại điểm a khoản này tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM