Thẻ căn cước là một trong những loại giấy tờ tùy thân chính của công dân Việt Nam. Đây là hình thức mới của giấy chứng minh nhân dân và căn cước công dân. Thẻ căn cước sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng từ ngày 1-7 (khi Luật Căn cước có hiệu lực).
Trước việc Luật Căn cước cũng như thẻ căn cước được ban hành, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ những thắc mắc, những điều chưa hiểu về Luật này.
Do đó, sau một thời gian kể từ khi Luật Căn cước chính thức được Quốc hội thông qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã triển khai nhiều nội dung thông tin để truyền tải đến bạn đọc, giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt thông tin và hiểu rõ hơn về Luật Căn cước. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều thắc mắc của bạn đọc liên quan đến vấn đề này.
Với mong muốn giải đáp thắc mắc của bạn đọc một cách tường tận và hiệu quả hơn, Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “101 thắc mắc về căn cước”.
Buổi giao lưu trực tuyến sẽ ghi nhận những câu hỏi từ bạn đọc liên quan đến Luật Căn cước, thẻ căn cước. Đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM và luật sư thuộc Văn phòng luật sư Quang Duy, Đoàn Luật sư TP.HCM sẽ giải đáp những thắc mắc từ bạn đọc.
Chương trình sẽ bắt đầu từ 8 giờ 30 sáng 19-4 và sẽ được tường thuật đầy đủ trên www.plo.vn.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi tại đây hoặc dưới phần bình luận.
Danh sách khách mời
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2 (PC06)
Đại uý Võ Tuấn Thanh, cán bộ Đội 2 (PC06)
Luật sư Nguyễn Thanh Kha, Văn phòng luật sư Quang Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Nếu không đổi CCCD mới kịp thời hạn sẽ bị phạt gì?
Việc không đổi thẻ CCCD khi hết hạn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021.
CCCD mới có thể tích hợp với các ứng dụng điện tử nào?
Chào bạn, Thẻ căn cước sẽ được tích hợp trên hệ thống VNeID do Bộ Công An quản lý.
Tôi Có thể đổi CCCD mới online không?
Thưa bạn đọc, đối với trường hợp này, công dân có thể đến địa điểm làm thủ tục căn cước công dân hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Sau đó, công dân đến địa điểm làm CCCD theo thời gian, địa điểm được đăng ký để được giải quyết một cách thuận lợi.
Em đã được cấp Căn cước công dân, tuy nhiên, em đã bị thất lạc. Như vậy, em sẽ đến công an Thành phố nơi thường trú để xin cấp lại. Khi xin cấp lại, em có phải làm văn bản giải trình/ đơn báo mất tại công an phường nơi thường trú không ạ?
Chào bạn, bạn có thể đến cơ quan cấp CCCD để được cấp lại mà không phải làm văn bản giải trình hay đơn báo mất tại công an phường nơi thường trú.
CCCD của tôi đã hết hạn tôi có cần phải đi làm lại hay không, hay chờ đến 1-7 rồi đi làm căn cước mới.
Xin chào bạn, căn cứ khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước, đối với thẻ CCCD hết giá trị sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024. Đối với CCCD hết giá trị sử dụng trước 15-1-2024 thì phải thực hiện thủ tục cấp đổi CCCD theo quy định.
Hiện tôi đang sử dụng CMND 9 số, còn hạn sử dụng đến năm 2026. Bây giờ tôi muốn đi làm thẻ căn cước công dân thì thủ tục như thế nào. CMND của tôi do công an tỉnh cấp, hiện tôi có hộ khẩu ở Bình Tân, TP.HCM. Tôi xin nhờ chương trình tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn!
Chào bạn, bạn có thể liên hệ Công an quận Bình Tân hoặc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM (PC06) để làm thủ tục cấp mới căn cước công dân.
CCCD của tôi mới bị mất và chưa có thời gian làm lại. Tôi định chờ Luật Căn cước có hiệu luật để đi làm lại luôn. Như vậy, nếu khi đi giao dịch dân sự thì tôi có thẻ trình VneID thay cho thẻ CCCD không?
Thưa bạn đọc, theo quy định điểm a khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước công dân, công dân phải làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước khi bị mất.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD theo khoản 5 Điều 11 Nghị định 59/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử.
Xin cho tôi hỏi: Hiện tại trên địa bàn TPHCM, muốn làm căn cước thì có thể làm tại Công an phường không, hay phải lên công an quận, vì nhà tôi đến công an quận quá xa.
Chào bạn đọc, trong trường hợp này bạn đọc sẽ đến công an quận (nơi cư trú) để làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Theo luật mới thì ai bị sẽ bị tạm giữ thẻ căn cước điện tử và cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ và đến khi nào thẻ căn cước được trả lại
Chào chú Tư, Thẻ căn cước bị tạm giữ trong những trường hợp: người đang bị áp dụng biện pháp tư pháp tại trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Thẩm quyền tạm giữ và thu hồi thẻ căn cước là cơ quan quản lý căn cước, cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khi những người vi phạm nêu trên bị giữ thẻ căn cước đã thi hành xong các quyết định thì cơ quan tạm giữ sẽ trả lại thẻ căn cước cho họ.
Hồi trước khi mà thông báo sẽ đổi sang thẻ CCCD gắn chip, cơ quan chức năng nói rằng CMND còn hạn sẽ không cần phải đổi thẻ. Thế nhưng, đi đến nơi nào họ cũng yêu cầu thẻ CCCD gắn chip để làm thủ tục, ví dụ ngân hàng. Vậy lần này liệu có phải như vậy hay không?
Điều 46 Luật Căn cước quy định chuyển tiếp:
1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31-12-2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
3. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.
Ảnh trên thẻ CC của tôi quá xấu, tôi có thể xin làm lại để chụp lại ảnh không , có mất phí không ạ?
Xin chào bạn, công dân có thể làm thủ tục đổi lại thẻ CCCD khi có yêu cầu, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 23 Luật CCCD.
Lệ phí cấp đổi CCCD là 50.000 đồng/ thẻ CCCD theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 59/2019 của Bộ Tài chính ngày 30-8-2019.
Dạ xin các đồng chí công an cho hỏi: Tôi bị mất thẻ căn cước thì có cần đi báo ngay cho công an để xin xác nhận đã mất không. Vì khi đi đường thì phải có giấy tờ tùy thân, nhưng mất căn cước rồi không biết chưng giấy tờ gì để chứng minh ....
Chào ông, nếu ông đã mất Thẻ CCCD thì ông cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi ông cư trú để thực hiện việc xin cấp thẻ căn cước theo Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Tạm thời, ông cần đến công an cấp xã /phường để trình báo việc mất thẻ CCCD theo quy định.
Tôi có giấy khai sinh và có đang ký thường trú. Tuy nhiên, cách đây 5 năm đã cắt khẩu hiện nay tôi không nhận ở đâu được vì không có nơi cho nhập vào. Cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có được cấp Thẻ Căn cước khi Luật có hiệu lực.
Đối với trường hợp của bạn cần liên hệ công an phường, xã nơi bạn đang cư trú để được hướng dẫn thực hiện việc đăng ký tạm trú hoặc khai nơi ở hiện nay.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước, mọi công dân Việt Nam đều được cấp Thẻ căn cước.
Căn cước công dân điện tử trên VNied có thay đổi từ ngày 1/7/2024 không hay vẫn giữ nguyên tên gọi như cũ?
Chào bạn đọc, theo Luật Căn cước công dân 2014, nếu chưa hết hạn thì vẫn sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong CCCD của bạn. Như vậy, từ ngày 1-7-2024, mọi thông tin trên Căn cước công dân điện tử trên VNied được giữ nguyên, không thay đổi.
Nếu đã có căn cước điện tử thì ra đường có cần mang theo thẻ căn cước vật lý hay không?
Chào bạn đọc, về nguyên tắc công dân đi ra đường đã mang theo Thẻ căn cước điện tử thì không bắt buộc phải mang thẻ căn cước vật lý. Khi người có thẩm quyền hoặc cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân thì công dân chỉ cần xuất trình Thẻ căn cước điện tử là đủ.
Xin chào các Đồng chí, vui lòng cho tôi hỏi: Ứng dụng VNEID của tôi đang ở mức độ 2, vậy khi được cấp Căn cước mới thì ứng dụng VNEID của tôi sẽ tự cập hay tôi phải vào ứng dụng để đăng ký lại?
Thưa bạn đọc, khi được cấp Thẻ căn cước thì ứng dụng VNeID sẽ tự động cập nhật thông tin Thẻ căn cước vào mục "ví giấy tờ" trong ứng dụng VNeID.
Các khách sạn, nhà nghỉ có được quyền giữ căn cước của người dân khi đến lưu trú không?
Chào bạn Hùng, các nhà nghỉ, khách sạn, về nguyên tắc sẽ không giữ Thẻ căn cước, chỉ cần chụp lại Thẻ căn cước của công dân để cập nhật lưu trú.
Nghị định 144/2021 có quy định xử phạt hành vi vi phạm về quản lý, cấp, sử dụng giấy CMND hoặc Thẻ Căn cước.
Lý do vì sao phải bỏ vân tay trên thẻ căn cước và thu thập thêm mống mắt của người dân? Mống mắt này có được đảm bảo an toàn không?
Việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu căn cước) để đảm bảo tính bảo mật trong quá trình sử dụng Thẻ căn cước của công dân.
Việc cập nhật mống mắt của công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước sẽ được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật mã hóa cao nhất về an toàn thông tin.
Ngoài ra, mống mắt là cấu trúc mỏng, tròn, nằm trong mắt, có công dụng điều chỉnh kính và kích cỡ của đồng tử. Bên cạnh đó, mống mắt của mỗi người là duy nhất, không thay đổi theo thời gian và độ tuổi, khi sử dụng mống mắt có độ an toàn cao, nhanh và chính xác.
Vì vậy, người dân hoàn toàn yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.
Người đang sử dụng CCCD còn thời hạn, khi Luật căn cước có hiệu lực thì người dân có phải đi làm thủ tục bổ sung mống mắt không?
Thưa bạn đọc, khi Luật căn cước có hiệu lực thì công dân khi làm thủ tục cấp Thẻ căn cước sẽ được thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh, khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cấp Thẻ căn cước theo điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước.
Thẻ CCCD của tôi vẫn còn hạn sử dụng xin hỏi tôi có cần phải đổi sang thẻ căn cước vào ngày 1-7 không? Nếu hết hạn phải làm sao?
Chào bạn Tấn Lực, thẻ CCCD còn hạn thì bạn sẽ tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong CCCD. Khi hết thời hạn thì bạn đi đổi sang Thẻ Căn cước.
Nếu người dân muốn làm giấy chứng nhận căn cước thì phải đến đâu để thực hiện thủ tục? Và khi làm giấy này người dân có phải tốn chi phí không?
Căn cứ khoản 4 Điều 30 Luật Căn cước quy định nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:
“a) Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống;
b) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại điểm a khoản này tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.”
- Không thu lệ phí đối với trường hợp cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Khoản 4 Điều 38 Luật Căn cước).
Thẻ căn cước sẽ có thời hạn sử dụng vậy giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng không?
Theo khoản 6 Điều 30 Luật Căn cước thì Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại và thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận căn cước.
Hiện nay Bộ Công an đang chủ trì tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Trên cơ sở đó, Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về công tác quản lý, quy trình cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
Cho tôi hỏi đổi CCCD có được miễn phí không? Khi nào thì thẻ CCCD có thể thay thế tất cả các loại giấy tờ cá nhân? Tích hợp thông tin VNeID nhưng vẫn phải xuất trình bản chính, xin tư vấn rõ hơn của thẻ CCCD mới ạ.
Chào ông Nguyễn Ngọc Ngạn,
Việc đổi CCCD sang Thẻ Căn cước thì sẽ thực hiện việc nộp phí/lệ phí theo quy định pháp luật.
Không tích hợp các thông tin vào Thẻ CCCD nữa, mà sẽ tích hợp vào Thẻ Căn cước theo Luật Căn Cước có hiệu lực vào ngày 1-7-2024. Khi đã tích hợp đầy đủ các thông tin vào thẻ căn cước điện tử thì các cơ quan liên quan không được yêu cầu người dân phải chứng minh các giấy tờ. VD: Hộ khẩu, CMND, giấy tờ nhà đất...
Vợ tôi chưa làm CCCD (chỉ có CMND); con tôi đang học lớp 9 cũng chưa làm CCCD. Tôi chủ trương cả hai phải đi làm CCCD ngay - nhất là cậu con trai, để có giấy tờ tùy thân phục vụ việc thi cử sắp tới - nhưng mẹ chúng bảo chờ qua tháng 7 có mẫu mới với tên Căn cước thì làm luôn. Xin Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải - Phó trưởng phòng PC06 tư vấn giúp.
Theo Điều 19 Luật CCCD hiện nay, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD. Do vậy, con trai của anh nếu đủ 14 tuổi thì anh chị nên đưa cháu đến cơ quan công an để được cấp CCCD, tạo thuận lợi cho việc học tập, sinh hoạt của cháu nhất là việc thi cử sắp tới của cháu.
Trường hợp của vợ anh đã có CMND nếu còn giá trị sử dụng vẫn tiếp tục được sử dụng, tuy nhiên vợ anh nên đến cơ quan công an để được cấp CCCD gắn chip điện tử để thuận lợi hơn trong các giao dịch, sinh hoạt của mình.
Khi Luật Căn cước có hiệu lực, thẻ CCCD vẫn còn giá trị tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn được ghi trên thẻ. Nếu anh chị có nhu cầu đổi qua thẻ Căn cước, cơ quan công an vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho chị để được đổi.
Thời gian cấp thẻ căn cước tới tay người dân là bao lâu?
Xin chào bạn, căn cứ Điều 26 Luật Căn cước thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Giấy chứng nhận căn cước sẽ có những thông tin gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 30 Luật Căn cước quy định thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước bao gồm:
- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;
- Dòng chữ “CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC”;
- Ảnh khuôn mặt, vân tay;
- Số định danh cá nhân;
- Họ, chữ đệm và tên;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi sinh;
- Quê quán;
- Dân tộc;
- Tôn giáo;
- Tình trạng hôn nhân;
- Nơi ở hiện tại;
- Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ;
- Ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp;
- Thời hạn sử dụng.
Về vấn đề Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước sẽ được bảo vệ như thế nào để người dân an tâm thông tin của mình?
Chào bạn Nhi, về vấn đề Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước được cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn trực tiếp là Bộ Công An quản lý. Vì vậy, người dân hoàn yên tâm đối với các thông tin trên.
Nếu bản thân tôi nghi ngờ thông tin trong căn cước điện tử của mình bị rò rỉ thì tôi có quyền yêu cầu khoá căn cước điện tử của mình hay không?
Chào bạn Mây, việc bạn muốn đề nghị cơ quan chức năng khóa căn cước điện tử khi cho rằng thông tin của bạn bị rò rỉ thì bạn phải chứng minh được việc thông tin rò rỉ đó là có căn cứ.
Tôi nghe thông tin là căn cước điện tử có thể khoá, vậy trường hợp nào sẽ bị khoá và khi nào thì được mở khoá?
Khoản 1 Điều 34 Luật Căn cước quy định Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:
- Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;
- Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
- Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;
- Khi người được cấp căn cước điện tử chết;
- Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Căn cứ khoản 2, Điều 34, Luật Căn cước căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:
- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa
- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia.
- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được trả lại thẻ căn cước.
- Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa.
Khi Luật Căn Cước có hiệu lực thì những giấy tờ như CMND, CCCD có còn hiệu lực?
Chào bạn đọc, khi Luật Căn Cước có hiệu lực thì căn cước công dân còn thời hạn vẫn còn nguyên giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn được ghi trong căn cước công dân đó. Riêng đối với CMND thì CMND chỉ có giá trị sử dụng đến ngày 31-12-2024.
Căn cước điện tử là gì và có giá trị sử dụng ra sao? Trong căn cước điện tử sẽ chứa đựng những thông tin gì của người dân?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06 trả lời:
Chào bạn đọc, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (khoản 17 Điều 3 Luật Căn cước).
- Căn cứ Điều 33 Luật Căn cước quy định giá trị sử dụng của căn cước điện tử:
“1. Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
2. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.”
Đồng thời, Luật Căn cước quy định về căn cước điện tử như sau:
(1) Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.
(2) Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:
- Nơi sinh.
- Nơi đăng ký khai sinh.
- Quê quán.
- Dân tộc.
- Tôn giáo.
- Quốc tịch.
- Nhóm máu.
- Số chứng minh nhân dân 09 số.
- Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.
- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.
- Nơi thường trú.
- Nơi tạm trú.
- Nơi ở hiện tại.
- Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
- Thông tin nhân dạng.
- Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
(3) Thông tin gồm: thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
(4) Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
(5) Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.
Nếu giấy chứng căn cước bị hết hạn hoặc bị mất thì thủ tục cấp đổi, cấp lại sẽ như thế nào? Có tốn phí khi cấp đổi, cấp lại không?
Chào bạn đọc, căn cứ khoản 6 Điều 30 Luật Căn cước, hiện nay Bộ Công an đang chủ trì tham mưu soạn thảo nghị định trình Chính phủ và các văn bản quy định, hướng dẫn thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại và thời hạn giấy chứng nhận căn cước.
Giấy chứng nhận căn cước khác nhau thế nào so với thẻ căn cước?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06 trả lời:
- Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước (Khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước).
- Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước (Khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước).
Giấy chứng nhận căn cước có giá trị sử dụng thế nào, có giống như thẻ căn cước hay không?
Chào bạn Mai Mai, thực tế thì Giấy chứng nhận căn cước có giá trị như thẻ căn cước, được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Giấy chứng nhận căn cước có giá trị tương đương Thẻ căn cước.
Giấy chứng nhận căn cước là gì? Ai sẽ là người phải sử dụng giấy này?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06 trả lời:
Thưa bạn đọc, giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước (khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước).
- Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã (khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước).
Đối tượng nào sẽ được cấp Căn Cước và Căn Cước có giá trị sử dụng bao lâu?
Chào bạn đọc, tại Điều 19 Luật Căn cước quy định người được cấp thẻ căn cước, gồm
“1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.”
Căn cứ Điều 21 Luật Căn cước quy định độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước thì Thẻ căn cước có giá trị sử dụng đến khi công dân đủ 25, 40, 60 tuổi.
Đối với các trường hợp công dân từ 60 tuổi trở lên thì Thẻ căn cước có giá trị không thời hạn.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 21 Luật Căn cước thì Thẻ căn cước được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.
Đối với những người bị khuyết tật ở tay, mắt,….Thì việc thu thập thông tin trên Căn cước được thực hiện như thế nào?
Chào bạn đọc, trường hợp công dân bị khuyết tật ở tay, mắt... thì cán bộ thu thập thông tin sẽ mô tả và nhập thông tin về tình trạng không thể thu thập thông tin sinh trắc học nêu trên.
Về người được cấp thẻ căn cước, Luật Căn cước có điểm gì mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014?
Chào bạn Quang Trần, xin giới thiệu với bạn những điểm mới của Thẻ Căn cước theo Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7-2024:
Bỏ mục quê quán, người đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc làm Thẻ Căn cước.
Người dưới 14 tuổi cũng được làm Thẻ Căn cước nếu có nhu cầu. Đối với người dưới 14 tuổi khi có yêu cầu thì cơ quan công an sẽ tiếp nhận làm Thẻ Căn cước cho họ. Khi có Thẻ Căn Cước, người dưới 14 tuổi trong quá trình học tập, khám bệnh, đi máy bay, tàu hỏa không phải mang theo giấy khai sinh, chỉ cần mang Thẻ Căn cước đi là đủ.
Hồ sơ và thủ tục để cấp Căn Cước như thế nào?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2, PC06 trả lời:
Chào bạn đọc, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:
- Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định;
- Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;
- Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;
- Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;
- Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Ngày 1-7 Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, khi đó tôi muốn đi làm thẻ căn cước mới thì có tốn tiền hay không?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06 trả lời như sau:
Theo khoản 2,3 Điều 38 Luật Căn cước quy định:
- Công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu.
- Công dân phải nộp lệ phí khi cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, trừ những trường hợp sau đây:
+ Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi và khi có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước.
+ Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước do lỗi của cơ quan quản lý căn cước.
Luật Căn cước còn quy định thu thập cả ADN và giọng nói cùng nhiều thông tin khác vào cơ sở dữ liệu căn cước, nhiều người băn khoăn rằng liệu có xảy ra nguy cơ lộ, lọt dữ liệu. Xin công an TP có những chia sẻ như thế nào về những băn khoăn trên?
Xin chào bạn, sinh trắc học ADN và giọng nói tại Luật Căn cước chưa quy định bắt buộc. Tại điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định các thông tin sinh trắc học phải thu là khuôn mặt, vân tay, mống mắt.
Tuy nhiên với mong muốn dữ liệu căn cước đầy đủ, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu quản lý xã hội, hỗ trợ người dân thì các thông tin sinh trắc học sẽ được thu thập để đưa vào dữ liệu căn cước theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Căn cước. Các dữ liệu sinh trắc học này do người dân tự nguyện cung cấp hoặc do các cơ quan đã có các dữ liệu này chia sẻ, cung cấp.
Các dữ liệu này được thu thập quản lý theo quy định pháp luật, và đảm bảo an toàn không để lộ, lọt. Các cơ quan thu thập và quản lý phải chịu trách nhiệm về nguy cơ lộ, lọt những thông tin này.
Một trong những điểm mới của Luật là khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân sẽ phải cung cấp thông tin về mống mắt. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Chào bạn, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước, người tiếp nhận sẽ thực hiện thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.
Hiện nay, Bộ Công an đang chủ trì tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định và các quy định hướng dẫn chi tiết cụ thể về việc thu nhận sinh trắc học mống mắt.
Tôi có Giấy chứng minh nhân dân làm ngày 04/06/2013 Vậy khi nào tôi có thể làm đổi sangThẻ căn cước theo luật căn cước có hiệu lực từ 01/07/2024?
Xin chào bạn, công dân có thể đổi sang thẻ căn cước ngay khi Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Việc ko tích hợp dc các giấy tờ vào VneID mức độ 2 có thể dc xử lý mà người dân ko phải đi bổ sung thông tin tại các cơ quan liên quan không khi mà các giấy tờ ko tích hợp dc đó đều chỉ được cấp khi bắt buộc phải xuất trình giấy tờ do chính công an cấp như CMND, CCCD, HỘ KHẨU, HỘ CHIẾU ....???
Mỗi công dân khi được đăng ký tài khoản VneID được kích hoạt đã tích hợp các thông tin của bản thân như CMND, CCCD, hộ khẩu thường trú, tạm trú... và các giấy tờ thông tin đã được cập nhật kết nối trong dữ liệu dân cư quốc gia của bản thân người đó. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các giao dịch liên quan tất cả các loại giấy tờ đã được tích hợp.
Lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại căn cước sẽ do ai chi trả?
Chào bạn đọc, căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Luật Căn cước, công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu; cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 25, 40, 60 tuổi, khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính, có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước do lỗi của cơ quan quản lý căn cước. Đối với các trường hợp còn lại hiện chưa có quy định cụ thể về việc thu lệ phí.
Tôi nghe nói, Luật Căn cước sẽ phải bổ sung thêm những thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, vậy lợi ích của việc bổ sung này là gì?
Chào bạn đọc, Luật Căn cước sẽ phải bổ sung thêm những thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Đây là loại Thẻ căn cước điện tử đã tích hợp tất cả thông tin của công dân thông qua tài khoản định đanh điện tử. Từ đó, khi người dân thực hiện các giao dịch của bản thân được đơn giản hơn rất nhiều về thủ tục hành chính, về các giao dịch dân sự.
Ngoài ra, với Thẻ căn cước khi đã được tích hợp đầy đủ, công dân nước CHXHCN Việt Nam có thể dùng Thẻ Căn cước này thay thế các giấy tờ về xuất nhập cảnh khi Việt Nam ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế với các nước khác mà Việt Nam đã ký kết.
Thủ tục cấp Căn Cước đối với trẻ em (dưới 14 tuổi) được thực hiện ra sao và cha mẹ có trách nhiệm gì đối với loại giấy tờ này của trẻ?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2, PC06 trả lời:
Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:
- Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
- Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
- Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;
- Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định.
- Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
- Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục.
- Trường hợp từ chối cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người chuyển giới thay đổi hình dạng có thuộc đối tượng cấp đổi lại Căn Cước?
Xin chào bạn, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước quy định trường hợp chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp đổi thẻ căn cước.
Những trường hợp nào công dân sẽ bị thu hồi Căn Cước?
Luật Căn cước quy định Thẻ căn cước bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
- Công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Thẻ căn cước cấp sai quy định;
- Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.
* Thẻ căn cước bị giữ trong trường hợp sau đây:
- Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước xem xét cho phép người bị giữ thẻ sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch.
Người bị giữ thẻ căn cước được trả lại thẻ căn cước khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Những thông tin nào sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước và thẻ căn cước có thể sử dụng thay thế hoàn toàn cho những giấy tờ đã được tích hợp vào hay không? Chứ việc trước đây nói là khi bỏ sổ hộ khẩu chỉ cần mang CCCD gắn chip là được thế nhưng cán bộ vẫn hỏi sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận cư trú khi làm việc.
Thẻ Căn cước công dân mới tích hợp nhiều thông tin cá nhân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, thông tin tiêm chủng…
Tuy nhiên thẻ căn cước lần này có thêm điểm mới là thu thập mống mắt của công dân để thực hiện cập nhật ADN, giọng nói hình ảnh của công dân.
Việc tích hợp đầy đủ các thông tin của công dân thì sẽ thay thế giảm hoàn toàn việc công dân đến các cơ quan chức năng làm việc như: Hộ khẩu; giấy tờ nhà đất; đăng ký kết hôn...
Tích hợp mống mắt của công dân là áp dụng biện pháp sinh trắc học giúp trong quá trình học tập khám, chữa bệnh, người dân không phải mang theo giấy tờ tùy thân khác.
Khi Cơ quan chức năng cần thì không phải thu thập dấu vân tay nhận dạng. Vì dấu vân tay có thể bị thay đổi đối với người bị khuyết tật, tai nạn.
Một người từ tỉnh nào chuyển nơi thường trú ở tỉnh khác thì có thuộc trường hợp cấp lại Căn Cước không?
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước thì trường hợp công dân từ tỉnh nào chuyển nơi thường trú ở tỉnh khác không thuộc các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện trong giao dịch hành chính dân sự, công dân có thể yêu cầu cơ quan quản lý căn cước làm thủ tục đổi thẻ căn cước theo điểm g khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước.
Tại sao cần phải thực hiện việc cấp, quản lý đối với các trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam?
Việc cấp Thẻ Căn cước, quản lý đối với các trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là cần thiết để quản lý về mặt hành chính, quản lý dân cư đối với những người này đồng thời tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền của công dân đối với các giao dịch dân sự. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân tại nơi cư trú, bảo đảm cuộc sống và sinh hoạt của họ.
Trước đây tôi có được cấp CCCD nhưng sau đó bị cấp khẩu và hiện tại không có nơi thường trú. Vậy tôi có được cấp Căn Cước theo được đi của Luật Căn Cước không? Tôi phải làm sao để được cấp Căn Cước?
Căn cứ điểm l khoản 2 Điều 18 Luật Căn cước quy định nội dung thể hiện trên thẻ căn cước có thay đổi so với Luật CCCD, cụ thể “ Nơi thường trú” thay thế thành “Nơi cư trú”. Như vậy, trường hợp người dân không nơi đăng ký thường trú nhưng có đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú vẫn thực hiện được thủ tục đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (Bộ Công an sẽ sớm ban hành Thông tư quy định cụ thể đối với các trường hợp này).
Xin chào Plo.vn. Tôi 40 tuổi năm nay, đến hạn đổi Thẻ Căn Cước. Trước kia Hộ khẩu ở Quận Tân Phú. Nhà cũ đã sang nhượng, hiện nay cư ngụ tại Quận Bình Tân. Sổ HK giấy đã bỏ. Vậy xin hỏi khi đi đổi thẻ Căn Cước thì đến cơ quan Quận nào? Và cần những loại giấy tờ nào đúng thủ tục? Xin Plo, giải đáp và hướng dẫn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn.
Công dân đến địa điểm làm thủ tục cấp CCCD hoặc thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị đổi thẻ CCCD.
Công dân mang theo thẻ CCCD để làm thủ tục.