Tại sao phim lịch sử chưa thành công?

Bộ phim có chủ đề chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm xưa, được đạo diễn dàn dựng theo thủ pháp đồng hiện - một thủ pháp khá mới mẻ đối với khán giả Việt Nam - nhưng đã được một số đạo diễn tiên phong trên thế giới làm từ lâu. Truyện phim kể về một số sinh viên đi “phượt”, về thăm chiến trường Điện Biên Phủ xưa; và với lòng vọng tưởng những chiến công hiển hách, họ như gặp lại những chiến sĩ năm xưa. Rồi họ sinh hoạt, tham gia cùng với những dân công, chiến sĩ trong chiến dịch. Họ sống cùng lịch sử, cùng với những nhân vật lịch sử để làm nên lịch sử…

Với thủ pháp đồng hiện, trộn lẫn thực và mộng này, lịch sử rất gần gũi với người xem. Người xem phim như “chạm vào” lịch sử. Thông điệp phim dễ đến với trái tim đồng cảm của người xem. Tiếc là cái tựa phim có gì đó gượng ép. Đâu cần phải nói huỵch tẹt ra ý đồ làm phim như thế. Có thể đặt một tên phim gợi ý nhẹ nhàng hơn. Nhưng đáng tiếc nhất là phần quảng bá phim quá yếu, gần như không mấy người biết đến một bộ phim hay, lạ về chiến thắng Điện Biên Phủ, ngay trong những ngày kỷ niệm! Đó là căn bệnh “thiếu kinh phí quảng bá” của phim ảnh làm từ tiền nhà nước từ trước giờ. Không khéo rồi nó sẽ theo vết xe đổ của các bộ phim truyền hình nhiều tập về đề tài lịch sử mấy năm trước đây nhưThái sư Trần Thủ Độ (32 tập), Huyền sử thiên đô (42 tập) làm nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Mặc dù các bộ phim được đầu tư lớn, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian thực hiện, rồi tặng cho các đài truyền hình chiếu “chùa” nhưng nhà đài không muốn nhận vì chiếu mấy phim này không bán được quảng cáo. Nhưng vì nhiệm vụ chính trị, họ nhận chiếu cho xong, rồi đem cất vào kho. Không một tiếng vang! Trong khi đó nhiều bộ phim truyền hình lấy đề tài lịch sử của Trung Quốc nhưTam Quốc, Thủy Hử… hay các bộ phim cổ trang của Hàn Quốc, tivi chiếu đi chiếu lại hoài vẫn đông người theo dõi. Và nhà đài cũng hốt bộn bạc quảng cáo. Câu hỏi tại sao xin dành cho các nhà làm phim.

Nhân đây cũng xin nêu vài điều về mảng nghệ thuật trình diễn để tham khảo. Những vở cải lương lấy đề tài lịch sử như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga… một thời vàng son gắn liền với tên tuổi của nữ nghệ sĩ tài danh mệnh yểu Thanh Nga. Tuy vậy sau khi chị mất đi, ba mươi mấy năm nay vở diễn vẫn hút khách mỗi khi vở dàn dựng lại với kịch bản cũ nhưng đạo diễn mới, các diễn viên mới. Hoặc vở kịch nói lấy đề tài lịch sửBí mật vườn Lệ Chicủa sân khấu IDECAP với diễn viên gạo cội Thành Lộc và dàn diễn viên ngôi sao kịch nói Sài Gòn, suốt nhiều năm mỗi khi sáng đèn đều hút vé! Cả cải lương lẫn kịch nói khi mang sang Pháp, Mỹ - những nơi có đông kiều bào, diễn liên tục nhiều đêm đều bán hết vé và được tán thưởng nhiệt liệt. Điều đó chứng tỏ phim ảnh, cải lương hay kịch nói về đề tài lịch sử, nếu có được kịch bản hay, dàn diễn viên sao và nhất là đạo diễn cao tay nghề, cùng chiến dịch quảng bá giỏi chắc chắn sẽ chinh phục người xem.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm