Tại sao Triều Tiên tái thử tên lửa sau 2 tháng im ắng?

Rạng sáng 29-11, Triều Tiên đã bất ngờ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) rơi xuống biển Nhật Bản. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết đây là một ICBM mới có tên Hwasong-15 và “mạnh hơn đáng kể” so với loại ICBM Hwasong-14 mà nước này từng thử.

Bình Nhưỡng nói rằng ICBM này hiện có thể tấn công hoàn toàn phần lãnh thổ lục địa của Mỹ. Vụ phóng tên lửa ngày 29-11 là một động thái bất ngờ vì Triều Tiên đã tạm dừng khiêu khích trong hơn hai tháng qua.

Lần khiêu khích gần nhất của Triều Tiên là hôm 15-9, thời điểm nước này phóng tên lửa thứ hai bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Việc Triều Tiên dừng khiêu khích trong hơn 70 ngày qua là đợt kiềm chế dài nhất kể từ đợt kiềm chế dài 116 ngày vào giữa tháng 10-2016 và tháng 2-2017.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng ICBM của Triều Tiên sáng 29-11. Ảnh: REUTERS

Theo tờ Washington Examiner, có hai động cơ chính khiến Triều Tiên tiến hành vụ phóng ICBM ngày 29-11.

Thứ nhất, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rõ ràng muốn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thấy rằng Bình Nhưỡng không phục tùng trước sức ép của Washington. Trong giai đoạn “sóng yên biển lặng” trong hơn 70 ngày qua, có thể ông Kim đã hy vọng ông Trump sẽ đề xuất một thỏa thuận với các điều khoản có lợi cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đã không đả động gì tới một thỏa thuận như vậy. Không những thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đưa Triều Tiên vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố và liệt một số công ty Triều Tiên vào danh sách đen trong khoảng thời gian này. Vì thế ông Kim buộc phải tiếp tục thách thức Mỹ và khuấy động lại bầu không khí nóng.

Thứ hai, mỗi lần Triều Tiên thử tên lửa thì cũng chính là cơ hội để nước này nhìn nhận được những hạn chế và cải thiện năng lực của mình. Và nếu nước này có thể tiến hành các vụ thử mới trong khi không khiến Mỹ quá bất ngờ thì Bình Nhưỡng có thể đang dần thành công với mục tiêu: Người Mỹ sẽ học cách sống chung với một đất nước Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng ICBM hồi tháng 7. Ảnh: KCTV

Ngay trước vụ thử ngày 29-11, quan chức hai phía đã cảnh báo hậu quả tàn khốc nếu Mỹ dùng biện pháp quân sự giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, CNN dẫn lời một quan chức Triều Tiên ngày 29-11 tái xác nhận phía Triều Tiên vẫn sẽ không thương lượng ngoại giao cho đến khi nước này sở hữu được năng lực răn đe hạt nhân Mỹ.

Về phía Mỹ, nước này vẫn chưa quyết định dùng biện pháp nào mà chỉ nói tất cả lựa chọn đang được “đặt trên bàn”. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố: “Các phương án ngoại giao hiện vẫn được cân nhắc. Mỹ vẫn cam kết tìm một con đường hòa bình để phi hạt nhân hóa và chấm dứt các hành động thù địch của Triều Tiên”.

Vụ thử ngày 29-11 của Triều Tiên cũng là một “cú sốc” cho Nga vì Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov hôm 27-11 nói rằng Triều Tiên đang có một bước đi đúng hướng trong chuỗi các bước phi hạt nhân hóa mà Matxcơva và Bắc Kinh đã vẽ ra sau khi tạm dừng khiêu khích trong hơn hai tháng qua.

Vụ phóng tên lửa ngày 29-11 là vụ thử tên lửa đạn đạo lần thứ 20 của Triều Tiên trong năm nay, đồng thời có thể là vụ thử ICBM thành công thứ ba sau hai vụ thử ICBM hồi tháng 7.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm