Ngày 20-9, TAND TP.HCM đã mở phiên xử vụ Nguyễn Duy Tân (26 tuổi, quê Nghệ An) lái xe gây tai nạn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong vụ này, ca sĩ Hồ Ngọc Hà được xác định là người làm chứng, ông Nguyễn Quốc Cường (tức Cường đôla) được triệu tập với tư cách là bị đơn dân sự, cả hai đều xin vắng mặt tại tòa. Ông Cường có ủy quyền cho người tham dự phiên tòa. HĐXX nhận định sự vắng mặt của một số người tại phiên tòa này không làm ảnh hưởng tới việc xét xử.
Xe ở chế độ lái, sao mở cửa?
Theo cáo trạng, lúc 19 giờ 5 phút ngày 10-2-2015, Tân lái ô tô bốn chỗ hiệu Audi A8 lưu thông trên đường nội bộ đến trước ga của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đón chị họ là ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Tân để xe nổ máy và quên kéo cần số xe về vị trí P (là chế độ dừng, đậu xe) rồi mở cửa bước xuống xe với ý định phụ giúp ca sĩ Hồ Ngọc Hà đưa hành lý lên xe.
Do vẫn còn ở chế độ lái nên xe tiếp tục lăn bánh về phía trước. Tân dùng chân phải còn đang ở trong xe để đạp thắng nhưng lại đạp nhầm chân ga. Chiếc xe tăng tốc lao về phía trước, phi thẳng lên sảnh chờ trước nhà ga rồi lao vào hai bảng hướng dẫn đậu xe và tiếp tục quẹt vào một tài xế taxi đang đứng gần đó, sau đó đụng vào hai ô tô bảy chỗ đang đậu cùng chiều, lao sang lề trái và va chạm vào 16 người khác. Vụ tai nạn làm một người chết do đa chấn thương và 15 người bị thương với mức độ thương tật 19%-76%.
Bị cáo Nguyễn Duy Tân sau phiên xử. Ảnh: HY
VKS xác định lỗi của tài xế trong việc dừng xe, đậu xe trên đường phố, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Chiếc Audi A8 gây tai nạn do Cường đôla đứng tên chủ sở hữu. Thời điểm xảy ra tai nạn xe không có sự cố kỹ thuật, tài xế có bằng lái nên CQĐT đã trả lại phương tiện cho chủ sở hữu.
Tại tòa, bị cáo Tân thừa nhận hành vi phạm tội. Tân khai đã có nhiều sơ suất, xuống xe mà không tắt máy nên gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Chủ tọa đặt vấn đề: “Loại xe Audi A8 có tính an toàn rất cao, nếu xe còn ở chế độ lái thì bị cáo không thể mở cửa xe để bước một chân ra ngoài”. Bị cáo Tân đáp bị cáo cũng không biết tại sao nữa (!?).
Chủ sở hữu phải bồi thường
Sau khi tai nạn xảy ra, bị cáo Tân và chủ xe đã chăm lo, bồi thường hầu như toàn bộ thiệt hại cho 16 người bị hại. Vì vậy, nạn nhân và gia đình 16 người này đã làm đơn bãi nại cho Tân. Tại tòa, những người bị hại cũng không yêu cầu bồi thuờng thêm. Nhưng có một người bị hại đặt vấn đề xin được bị đơn dân sự hỗ trợ chi phí điều trị nếu bệnh tái phát.
Đại diện theo ủy quyền của ông Cường cho biết chiếc Audi A8 này do ông Cường - bà Hà mua năm 2014, đứng tên ông Cường nhưng bà Hà sử dụng. Tân không phải tài xế do ông Cường thuê mà là em họ bà Hà. Chi phí bồi thường trong vụ án chủ yếu do Hồ Ngọc Hà và gia đình Tân lo liệu.
Người đại diện cũng lý giải thời điểm xảy ra tai nạn, ông Cường - bà Hà còn là vợ chồng và đã cùng nhau bồi thường cho các nạn nhân. Hiện nay bà Hà và ông Cường đã ly hôn nên nguyện vọng của ông Cường là sẽ hỗ trợ bà Hà bồi thường cho người bị hại chứ không phải là bị đơn dân sự trong vụ án. Bà Hà là người trực tiếp sử dụng xe nên phải bồi thường các khoản còn lại.
HĐXX giải thích rằng chiếc xe do ông Cường đứng tên chủ sở hữu nên ông Cường có trách nhiệm bồi thường chứ không phải là hỗ trợ bồi thường như nguyện vọng của ông Cường. Còn cả hai đã ly hôn hay xe ai sử dụng là chuyện cá nhân giữa ông Cường và bà Hà. Ông Cường có quyền khởi kiện dân sự với bà Hà để đòi lại những khoản tiền đã bỏ ra.
Sau khi nghe giải thích, đại diện của ông Cường cho biết sẽ thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Cuối cùng, HĐXX nhận định Tân phạm tội lần đầu, khắc phục hầu như toàn bộ hậu quả, những người bị hại làm đơn bãi nại cho bị cáo nên HĐXX quyết định áp dụng các tình tiết có lợi cho bị cáo về tội danh này theo BLHS 2015. Tòa tuyên phạt Tân ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (VKS đề nghị 3-4 năm), cấm lái xe trong thời hạn ba năm sau khi mãn hạn tù. HĐXX cũng buộc bị cáo bồi thường hơn 37 triệu đồng cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.