Ngày 1-4, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) sẽ tăng phí đối với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc các tuyến đường trên nhiều tài xế tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin trên. Nhiều người cho rằng chủ đầu tư BOT cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN) hoặc Nhà nước phải hỗ trợ để người dân có sự lựa chọn, không phải đi đâu cũng dính bẫy BOT.
Anh Đồng Đức Xưởng cho rằng Nhà nước nên mua lại trạm BOT trên quốc lộ 5 để người dân có sự lựa chọn. Ảnh: VIẾT LONG
Không có sự lựa chọn
Anh Trần Văn Duẫn, tài xế container, cho biết hiện nay cước vận tải thấp.
“Cụ thể, xe container của tôi hiện vận chuyển 20 tấn hàng, một tấn vận chuyển với quãng đường gần 250 km được hơn 200.000 đồng. Nếu như phí cao như hiện nay, với quãng đường trên tài xế sẽ mất trên 1 triệu đồng tiền phí BOT, tương đương năm tấn hàng, đó là chưa kể các khoản xăng xe, tiền công, hao mòn xe… Như vậy thử hỏi các DN vận tải bọn tôi sao sống được. Trong khi hằng năm phải đóng phí bảo trì đường bộ và các khoản phí khác. Riêng đường 5 trước đây chỉ có 80.000 đồng, sau đó tăng lên 160.000 đồng, giờ lại tăng tiếp, trong khi đường khó đi hơn. Tôi đề nghị Nhà nước và DN nên tính toán và chia sẻ khó khăn cho DN, không nên đẩy DN vận tải vào đường cùng…”- anh Duẫn nói.
Cũng như anh Duẫn, anh Đỗ Thắng (Bắc Giang) cho rằng: Nhà nước luôn bảo người dân có quyền lựa chọn đường đi. Nhưng tôi thấy giờ chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng đi đường nào cũng bị thu phí, đường BOT tăng, quốc lộ 5 cũng tăng là một áp lực không nhỏ. Trong khi đó, hiện nay cước vận tải không lên, nghề tài xế khó sống được.
"Nhà nước luôn muốn tạo công ăn việc làm cho người dân nhưng việc tăng phí cao sẽ đẩy nhiều tài xế như chúng tôi vào đường cùng. Nhiều người giờ phải bỏ nghề vì không thể sống được bằng nghề vận tải. Họ phải thức đêm để vận chuyển hàng nhưng không đủ ăn…” - anh Thắng nói.
Theo anh Đồng Đức Xưởng, tài xế container cho rằng việc hiện nay DN vận tải đang cõng quá nhiều phí, từ phí bảo trì đường bộ phải đóng hằng năm đến phí BOT... Việc gánh nhiều phí sẽ làm cho DN vận tải chết mòn bởi lợi nhuận rất thấp. Vì vậy, Nhà nước cần phải ngồi lại với nhau để giảm phí BOT cho người dân, không thể để tăng phí liên tục như hiện nay được.
Trạm thu phí BOT trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thu phí cao hơn 25% từ ngày 1-4. Ảnh: VIẾT LONG
Tăng theo lộ trình
Ông Trần Anh Tú, Giám đốc Ban Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho biết về cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì theo phương án tài chính đã được Chính phủ cũng như các bộ, ngành thẩm định. Theo đó, VIDIFI được phép thu phí với giá khởi điểm đối với xe tiêu chuẩn (xe con năm chỗ) là 2.000 đồng/km.
"Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân cũng như DN, chúng tôi chỉ thu giá khởi điểm 1.500 đồng/km, vì vậy việc tăng lần này nhằm thu đúng giá khởi điểm đã được phê duyệt. Hiện mỗi ngày cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 17.000 lượt xe/ngày, doanh thu 1,7 tỉ đồng, với số tiền này không đáp ứng phương án tài chính. Nên đợt tăng tới đây mới cân bằng được với trả lãi suất. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho DN, chúng tôi đang gửi văn bản đến các cơ quan chức năng xem xét giảm 35% giá vé đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container loại 40 feet (loại 5)…” - ông Tú nói.
Ông Tú cũng cho biết riêng quốc lộ 5, theo lộ trình được thực hiện tăng phí từ 1-1-2016 nhưng do bộ trưởng Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư chưa tăng phí nên VIDIFI lùi lại đến ngày 1-4.
Từ ngày 1-4, phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng trung bình 25%. Cụ thể, mức phí cao nhất toàn tuyến là 840.000 đồng, mức thấp nhất là 210.000 đồng.
Quốc lộ 5 cũng tăng với mức phí thấp nhất là 45.000 đồng, cao nhất 200.000 đồng.
|