Tấm che mặt và khẩu trang có van không giúp hạn chế giọt bắn

Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Physics of Fluids. 

Đeo khẩu trang đã được các chuyên gia y tế coi là một trong những cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây COVID-19 cho người khác. Bất chấp những hoài nghi ban đầu (đặc biệt là ở Mỹ), phần lớn người dùng tại các quốc gia khác trên thế giới đều đã thích nghi với việc đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang khác nhau, đặc biệt là tấm che mặt bằng nhựa dẻo và khẩu trang có van xả.

tam-che-mat

Một tấm che mặt phổ biến trên thị trường. Ảnh: Sefamerve

Khẩu trang có van xả sẽ giúp lọc không khí từ bên ngoài, giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, đồng thời phần van xả sẽ giúp bạn dễ thở hơn. Trong khi đó, tấm che mặt có diện tích che chắn ở mặt trước lớn, nhưng bên dưới lại để lộ một khoảng hở, cho phép vi trùng xâm nhập và thoát ra ngoài dễ dàng. Cả hai đều được chứng minh là khá tệ trong việc ngăn chặn giọt bắn.

Các kỹ sư tại ĐH Florida Atlantic đã sử dụng tia laser để theo dõi quá trình thở của chúng ta khi sử dụng tấm che mặt và khẩu trang có van xả. 

tam-che-mat-va-khau-trang-co-van-xa

Tấm che mặt và khẩu trang có van xả không mang lại nhiều hiệu quả trong việc ngăn chặn giọt bắn. Ảnh: Gizmodo

Cụ thể, họ chiếu sáng khu vực xung quanh miệng của hình nộm bằng tia laser, trang bị cho hình nộm một khẩu trang có van xả hoặc tấm che mặt, sau đó sử dụng hỗn hợp nước và glycerin để tạo ra một màn sương tổng hợp có độ sệt tương tự như các giọt bắn của một người khi hắt hơi. 

Trong bóng tối, các tia laser sẽ cho phép chúng ta thấy rõ đường đi của những giọt bắn khi chúng rời khỏi miệng của hình nộm.

Kết quả cho thấy, tấm che mặt giúp giảm giọt bắn trực tiếp từ miệng ra ngoài, nhưng các giọt khí dung sau đó dễ dàng phân tán sang hai bên và thậm chí ở phía sau tấm chắn với nồng độ cao. Nếu gặp điều kiện thích hợp, những giọt nhỏ này có thể lan xa hơn.

Trong khi đó khẩu trang có van xả thậm chí còn kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn giọt bắn, van xả lúc này lại đóng vai trò như một cửa thoát hiểm. 

Các tác giả của nghiên cứu cho biết: “Nhìn chung, những hình ảnh ở đây cho thấy tấm che mặt và khẩu trang có van xả không hiệu quả trong việc hạn chế lan truyền giọt bắn như khẩu trang thông thường”. 

khau-trang-y-te-vs-khau-trang-vai

Khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải có tác dụng ngăn chặn giọt bắn tốt hơn. Ảnh: Gizmodo

Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia y tế thường đeo tấm che mặt cùng với khẩu trang hoặc các thiết bị bảo vệ khác để ngăn chặn giọt bắn.  

Trở về trang chủ

Đọc thêm