Tâm hồn người Việt có đang bị mạng xã hội 'thao túng'?

(PLO)- Nói về tác động của các nền tảng mạng xã hội lên người dùng, TS Đặng Hoàng Giang nhận định: “Vẫn có sự thao túng nhất định của những thuật toán nhưng vấn đề không nằm ở công cụ”.

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Bùi Hoài Sơn đã bày tỏ lo ngại trước thực trạng “văn hóa bị xâm lăng” và cho rằng tinh thần, tâm hồn của người Việt Nam đang bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok…

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, TS Đặng Hoàng Giang (ảnh), tác giả cuốn sách Thiện, ác và smartphone, nhận định: “Thuật toán mạng xã hội có sự thao túng nhất định để người dùng ở lại lâu hơn trên mạng xã hội”.

TS Đặng Hoàng Giang.

Những cơn “bão mạng”

. Phóng viên: Thưa ông, gần đây phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Bùi Hoài Sơn đã nhắc đến hiện tượng chúng ta đang chứng kiến sự xâm lăng văn hóa, hiện tượng nhập siêu văn hóa…, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

+ TS Đặng Hoàng Giang: Theo tôi, khái niệm “xâm lăng văn hóa” ở đây có phần nặng nề và chưa chính xác. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng từ “áp đảo”. Những nội dung văn hóa văn nghệ có nguồn gốc nước ngoài đang áp đảo trong sự tiêu thụ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật của người Việt.

Cũng phải lưu ý rằng không phải nội dung có nguồn gốc từ nước ngoài nào cũng độc hại và không mong muốn. Có rất nhiều nội dung văn hóa nghệ thuật ở tầm quốc tế, hàng đầu thế giới và thuộc về kho tàng văn hóa của nhân loại và những nội dung đó hoàn toàn là những thứ mà chúng ta mong muốn. Ngược lại, không phải nội dung trong nước nào cũng đáng được tung hô, ví dụ những nội dung về cướp, hiếp, giết…

. Ông đánh giá thế nào về tác động của những nội dung xấu trên mạng xã hội?

+ Lướt mạng xã hội quá nhiều khiến khả năng tập trung của chúng ta càng kém đi. Ta không thể dành một chút tĩnh lặng để đọc một trang sách hay nghe một bản nhạc ở nhà hát. Chúng ta trở nên hời hợt, chỉ tiêu thụ các nội dung dễ dãi, mất khả năng tiếp cận và thưởng thức những nội dung văn hóa, nghệ thuật phức tạp và thách thức hơn. Đây là một vấn đề toàn cầu chứ không phải chỉ ở Việt Nam.

Các nhóm các bạn trẻ đang ngồi tán gẫu ở quán cà phê nhưng mỗi người một cái điện thoại.
Ảnh: KHÁNH QUỲNH

. Vấn đề sản xuất nội dung của người dùng Việt cũng đáng báo động, ông bình luận thế nào về đánh giá này?

+ Đúng vậy. Con người vốn có tâm lý muốn lan truyền những tin giật gân. Ở trên mạng, những thông tin này dễ lan truyền, không cần phải qua kiểm chứng như trên báo chí.
Mạng xã hội trở thành một quán nước khổng lồ, nơi người ta truyền tay nhau những tin sai, tin giả. Những cơn bão căm ghét trên mạng cũng thường xuyên xảy ra. Những đám đông cuồng nộ ở đó không hành xử trên quy định của pháp luật mà họ dựa trên cảm xúc căm ghét, giận dữ, tức tối của mình, tạo nên những hệ lụy rất lớn cho các nạn nhân.

. Ông từng chứng kiến những nạn nhân nào như thế chưa?

+ Nạn nhân thì rất nhiều. Chẳng hạn một cậu bé bị chửi bới rất nặng nề khi tham dự cuộc thi đã có lời nói và hành động không được lòng đám đông. Một ca sĩ nào đó hát không vừa tai đám đông cũng bị lăng mạ. Bạn làm một bài thơ nhưng cách mô tả tiếng chim hót của bạn không vừa ý một số người, bạn có thể bị tấn công. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân.

Cần tạo ra những nội dung lành mạnh

. Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng đề cập người Việt chúng ta đang ở đây nhưng tâm hồn, tinh thần thì đã vượt biên, bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok hết rồi. Ông có đồng tình với đánh giá này không?

+ Không có cá nhân nào cụ thể đứng sau Facebook, YouTube, TikTok để rắp tâm thao túng tâm lý người Việt. Nhưng thực tế cho thấy có sự thao túng của những thuật toán, với mục đích để người dùng mạng xã hội ở lại lâu hơn trên các nền tảng này.

Vấn đề là chúng ta phải tạo ra được những nội dung lành mạnh, hấp dẫn để đối chọi với những nội dung độc hại kia. Ở rất gần với chúng ta, ta có thể nhìn sang Hàn Quốc để thấy họ làm gì.

. Ông có thể dẫn chứng cụ thể hơn về cách Hàn Quốc đang làm với các nền tảng đó?

+ Hàn Quốc không cấm đoán, các mạng xã hội ta nói trên vẫn tồn tại thoải mái ở đó. Nhưng Hàn Quốc tạo ra hạ tầng cơ sở, phần cứng và phần mềm, để cho các nhà sáng tạo và các tài năng của họ được nảy nở và qua đó họ hiện diện rất rõ ràng ở trong và ngoài nước.

Các nhóm các bạn trẻ đang ngồi tán gẫu ở quán cà phê nhưng mỗi người một cái điện thoại.
Ảnh: KHÁNH QUỲNH

. Ông có kiến nghị, giải pháp gì cho việc sáng tạo nội dung của người Việt trên mạng xã hội?

+ Như đã nói, văn nghệ sĩ và những người sáng tạo Việt Nam cần phải có những không gian sáng tạo, hoạt động của mình, cả phần cứng và phần mềm.

Phần cứng là chúng ta cần những không gian vật lý cho các hoạt động văn hóa sáng tạo.

Phần mềm là chúng ta cần một loạt hạ tầng khác nhau như những quỹ tài trợ cho các nhà sáng tạo trẻ tuổi. Chúng ta cũng cần sự thông thoáng về kiểm duyệt, khuyến khích sự đa dạng, phá cách.

Chúng ta cần thay đổi trong triết lý giáo dục để có thể phát hiện và phát triển những tài năng, thay vì tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật rập khuôn, xơ cứng, những bộ phim được đầu tư nhiều tỉ nhưng mà không ai xem vì chất lượng rất kém và mang tính tuyên truyền.

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới