Tạm ngưng cử hành thánh lễ ở TP.HCM

Chiều 25-3, Tòa tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM đã có thư mục vụ gửi toàn thể cộng đồng dân Chúa trong Tổng giáo phận kêu gọi tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn để phòng, chống dịch COVID-19.

Hành động đầy bác ái, trách nhiệm

Cụ thể, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng đã có mục vụ nêu rõ tình hình nạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên đã đưa ra những chỉ dẫn giảm thiểu tối đa sự tập trung đông người trong các sinh hoạt tôn giáo.

Theo đó, bắt đầu từ 16 giờ ngày 26-3 cho đến khi có thông báo mới, tất cả nhà thờ và nhà nguyện của các giáo xứ và dòng tu trong Tổng giáo phận sẽ tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn, chỉ cử hành riêng tư.

Ngoài ra, các nhà thờ không tổ chức cầu nguyện cộng đoàn nhưng vẫn mở cửa để giáo dân đến cầu nguyện.

Đồng thời, Đức Tổng giám mục kêu gọi giáo dân không được tham dự thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ mà cầu nguyện riêng tư hay trong gia đình, hoặc tham dự lễ trực tuyến vào lúc 5 giờ 30 và 17 giờ 30 được phát trực tiếp và lưu lại trên trang mạng của Tổng giáo phận.

Riêng về an táng, Đức Tổng giám mục kêu gọi giáo dân chỉ có thánh lễ an táng tại nhà thờ giáo xứ với sự tham dự của thân nhân họ hàng gần. Ngoài ra, các cha sẽ không dâng lễ cầu hồn tại gia đình.

Theo mục vụ của Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành động bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại.

Giáo dân mang khẩu trang đi lễ ở nhà thờ Fatima Bình Triệu, quận Thủ Đức, TP.HCM chiều 25-3. Ảnh: HOÀNG GIANG

Những ca đi lễ ít người

Sáng cùng ngày, Công an phường Trường Thọ (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã tổ chức kiểm tra, tuyên truyền việc chấp hành hạn chế tụ tập đông người tại các nhà thờ, giáo xứ để phòng, chống dịch COVID-19.

Thiếu úy Lê Phi Hùng, cảnh sát khu vực phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết sau khi được tuyên truyền, các cơ sở giáo xứ trên địa bàn phường đã nghiêm túc phòng, chống dịch.

“Giáo xứ dán pano để người dân đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đến mức thấp nhất. Mọi người nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, hiện tại các nhà thờ đều rất thưa người” - Thiếu úy Hùng nói thêm.

Ngoài ra, các giáo dân cũng cho biết từ khi dịch bùng phát, nhiều người đã hạn chế đi nhà thờ, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. “Vào những buổi chiều thứ Bảy và Chủ nhật, chúng tôi ở nhà tự đọc kinh thánh, cầu nguyện. Chỉ khi cảm thấy nhà thờ ít giáo dân hoặc có việc quan trọng thì chúng tôi mới đến nhà thờ đi lễ” - một giáo dân cho biết.

Tạm hoãn lịch dạy giáo lý

Cũng theo một giáo dân tại quận Bình Thạnh, hiện tại các nhà thờ đều yêu cầu giáo dân đeo khẩu trang, buộc rửa tay khi vào thánh đường, không bắt tay.

Ngoài ra, nhà thờ có chia làm nhiều ca để giáo dân đi lễ, mỗi ca đến nhà thờ chỉ hơn chục người và mỗi người phải đứng xa nhau 2 m.

Một cha xứ tại một nhà thờ ở quận Bình Thạnh cũng khẳng định từ khi dịch bùng phát, nhà thờ đã thường xuyên phun thuốc sát khuẩn, hạn chế giáo dân đến giáo đường, cắt giảm thời lượng thánh lễ và các bài giảng, tạm hoãn/hủy toàn bộ lịch dạy giáo lý...

“Trẻ em dưới 15 tuổi, người trên 60 tuổi và người đang có triệu chứng ho hay sốt đều được chúng tôi khuyên ở nhà cầu nguyện. Hiện tại, nhà thờ chúng tôi chỉ có hơn chục người đến và mỗi người đều đeo khẩu trang, rửa tay, đứng xa nhau hơn 2 m. Đối với các trường hợp không đeo khẩu trang, chúng tôi sẽ phát cho giáo dân để đảm bảo việc phòng, chống COVID-19” - cha xứ này nói thêm.

Dừng nhiều chương trình tôn giáo

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo giáo hội của 43 tổ chức tôn giáo đã có chỉ dẫn, thông bạch yêu cầu các tổ chức tôn giáo trực thuộc giảm các cuộc lễ cầu nguyện tập trung đông người. Không mời, đón giáo sĩ tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt từ các quốc gia có dịch (Ý, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản).

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hủy chương trình đón đoàn Phật giáo Nepal, Trung Quốc vào Việt Nam; tạm dừng các lễ hội, khóa tu... Các tổ chức tôn giáo khác như Hồi giáo, tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; Phật giáo Hòa Hảo; Cao Đài, … hoãn các cuộc thi giáo lý, các đại hội nhiệm kỳ, hội nghị, hội thảo tôn giáo, cùng đó là tích cực khai báo y tế, kịp thời thông tin về dịch bệnh trên các trang thông tin của mình để khuyến cáo tín đồ và nhân dân phòng dịch.

Đối với lễ Phục sinh của Công giáo, Tin lành (Chủ nhật, 12-4), Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam và các Hội thánh Tin lành không tập trung tổ chức cầu nguyện; đề nghị chính quyền các cấp không tổ chức thăm hỏi, chúc mừng.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản đề nghị giáo hội tạm dừng và lùi thời gian các đại hội đối với lễ Phật đản của Phật giáo, tết Chol Chnam Thmay trong đồng bào Khmer và các đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 của các Hội thánh Cao đài Cầu Kho Tam Quan, Hội thánh Cao đài Chơn Lý, Hội thánh Cao đài Minh Chơn đạo... diễn ra ở 20 tỉnh, TP phía Nam. đây là những lễ trọng theo hiến chương, điều lệ của các tôn giáo nên sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao, vì các sinh hoạt tôn giáo rất khó hạn chế được số lượng người tham dự.

Hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người

Ngày 25-3, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó ban Tôn giáo TP.HCM, cho biết Ban Tôn giáo TP.HCM đã ban hành văn bản đến các cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP cố gắng tối đa việc hạn chế tổ chức các hoạt động có đông người tham gia.

Ông Thạch Nghi Xuân, Phó ban Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cũng nhận định Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TP, các vị giáo cả,… đã thực hiện đúng phương châm đồng hành cùng dân tộc, có nhiều cách thức phòng, chống dịch bệnh, góp phần ngăn chặn lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Tuy vậy, thời gian qua, tại một số tiểu thánh đường vẫn diễn ra hoạt động tập trung đông người cầu nguyện.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị các tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo trực thuộc nâng cao ý thức tự dự phòng, hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người…

THANH TUYỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm