Tầm nhìn Trần Văn Giàu

Ông Nguyễn Trọng Xuất, Tổng Thư ký ban biên soạn của công trình đồ sộ “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, người trực tiếp tham gia viết về ông Sáu Giàu, nói: Vượt lên trên tất cả, ông Sáu Giàu là một nhà cách mạng, chính như ông đã hùng hồn tuyên bố trước thực dân Pháp trong một lần bị bắt đem ra xử: “Tôi là một người làm cách mạng chuyên nghiệp”! Xiềng xích, tù đày và những sóng gió của cuộc đời chưa từng ngăn nổi “một tấm lòng thành” với dân, với nước ấy.

Nhìn ra người tài, dụng đúng tài người

Ông Nguyễn Trọng Xuất tiếp: Vượt qua bao cảnh tù đày, trong thời điểm khó khăn nhất, khi các cơ sở cách mạng bị phá vỡ gần như tất cả, thế mà ông vẫn xây dựng được đội quân lên đến gần triệu thanh niên, trí thức trong vòng năm tháng. Trực tiếp lãnh đạo đội quân (không chính quy) ấy giành chính quyền ở miền Nam đúng khi thời cơ chạm cửa, làm nên một sự kiện long trời lở đất trong điều kiện như thế là vô cùng khó, là điều vĩ đại!

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Xuất, sức hấp dẫn từ con người làm cách mạng chuyên nghiệp ấy, từ một tấm lòng với dân tộc ấy đã truyền lửa rất nhanh đến hàng vạn trí thức Sài Gòn-Nam Bộ. “Ông Sáu Giàu có tài đặc biệt trong cách dùng người trí thức, để người trí thức dụng người trí thức và thu phục được cả hàng vạn trí thức.

Tầm nhìn Trần Văn Giàu ảnh 1

Nhà sử học Y. Tsuboi (đang ôm cuốn Tổng tập Trần Văn Giàu) và một số người bạn đến từ Nhật ghé thăm Giáo sư Trần Văn Giàu tại nhà riêng. Ảnh: Tư liỆu

Ông là người đã nhìn ra thủ lĩnh phong trào thanh niên tiền phong Phạm Ngọc Thạch. Thời điểm những năm 1936 dám trọng dụng một người rất Tây mà chống Tây giỏi như ông Thạch, thế là dũng cảm, là thoát ra khỏi ý thức xơ cứng của rất nhiều người và quả là... tài! Ông Xuất lý giải: Trần Văn Giàu thấu hiểu sâu xa lòng người trí thức, họ đi làm cách mạng không phải vì miếng cơm manh áo mà chính vì danh dự làm người thôi thúc. Ông từng nói: Động lực cách mạng mà chỉ có công-nông thôi vì do bị bóc lột là đúng nhưng chưa đủ. Vì con người ta còn có danh dự làm người, họ không chỉ đứng lên giành ruộng đất mà còn đứng lên vì danh dự của mình bị chà đạp trong cảnh nước mất. Danh dự người trí thức càng khiến họ không chấp nhận thân phận làm nô lệ. Từ đó đã hình thành nên cả một lớp trí thức lớn của Sài Gòn khi ấy đi làm cách mạng như ông Nguyễn Hữu Thọ, Thái Văn Lung,… Danh dự làm người đã thúc đẩy họ tận tụy, chiến đấu trong những cảnh khốc liệt nhất. Ai nói trí thức dao động? Chẳng phải họ đã trước sau chung thủy một lòng đó sao? Trần Văn Giàu Giàu đã nhìn ra điều ấy. Từ cái tâm của mình, ông đã hiểu được họ và biết cách đến với họ, thuyết phục họ đến với mình. “Đó là một tầm nhìn rất lớn”!

“Năm ngoái, dù tuổi đã 99, lần tôi đến thăm, ông Sáu vẫn hừng hực nói về những vấn đề dân tộc mà mình quan tâm. Trong ông Sáu Giàu dằng dặc một tấm lòng yêu dân tộc và điều ấy chưa bao giờ khôn nguôi cho đến lúc ông về với đất” - ông Xuất nói.

Người đi kết nối lòng người

Sáng 18-12, một ngày sau khi ông Trần Văn Giàu mất, tôi tìm đến “Người bạn già” chân thành của ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Lúc đó, trên bàn làm việc của ông vẫn đang bày mấy cuốn album những tấm ảnh kỷ niệm về ông Sáu Giàu. Im lặng một xíu, ông nhìn ra phía cửa sổ dõi về dinh Thống Nhất rồi bùi ngùi: “Tôi thấy mất mát, cái mất mát không chỉ của riêng mình. Ông Sáu Giàu đi, tôi vẫn chưa thấy ai có thể thay ông để đoàn kết trí thức mới-cũ, để hàn gắn các vết thương của thời đại… Tôi chưa nhìn ra ai cả…”.

“Ông Giàu luôn nhìn ra cái tốt của nhau, với cả những người khác ý thức hệ với mình để kết nối tình người gần lại”. Chính từ ông, người ta đã thấy một Việt Nam không phải chỉ như các quan điểm trong sách vở. Qua ông Giàu, người ta thấy Việt Nam gần gụi, thân ái và bao dung hơn. Ông Đầu nhớ lại bữa cơm thân mật giữa ông Trần Văn Giàu và cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình để cùng hiểu nhau hơn về tôn giáo và dân tộc… “Hai con người đó, dù sinh cùng một năm nhưng thuộc hai hệ rất khác nhau, vậy mà từ những bữa cơm đơn sơ, thân mật tại nhà riêng của tôi, họ đã xích lại gần nhau, hiểu nhau và trở thành bạn” - ông Nguyễn Đình Đầu kể.

Hay như mối tình thân thiết, đầy tương kính của ông Giàu và nhà sử học Tsuboi (ĐH Waseda, Tokyo, Nhật Bản). Ông Tsuboi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam (Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa). Từ công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là khi trao đổi với ông Sáu Giàu về sử Việt, Giáo sư Tsuboi đã dành một tình cảm đặc biệt cho Việt Nam và xem ông Sáu là người bạn rất thân của mình. Lần qua Việt Nam nào ông cũng đều ghé thăm ông, có khi mang cả gia đình qua để được trò chuyện với ông. Sinh viên của ông cũng đã biết nhiều hơn về Việt Nam qua ông và tìm đến Việt Nam trong những kỳ thực tập. Trong lời giới thiệu viết cho cuốn sách trên của ông Tsuboi, ông Sáu Giàu nói rất chân tình: “Có thể nói không sợ sai rằng người Nhật biết về Việt Nam nhiều hơn người Việt biết về Nhật Bản. Cái điều tôi muốn chú ý ở đây không phải là cái chậm trễ của ta so với bạn láng giềng; tôi muốn nói lên rằng tôi cảm thấy Giáo sư Y. Tsuboi là một nhà nghiên cứu có tấm lòng yêu nước Việt Nam và trọng dân tộc Việt Nam”.

Hay như với những người đến từ Pháp, khi tiếp xúc với ông không chỉ tiếp nhận tình cảm riêng của ông mà còn được thấu truyền tình cảm với Việt Nam. Cho nên năm 1989, khi Pháp kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, những người bạn Pháp đã đích thân mời ông qua dự lễ kỷ niệm rất lớn này.

“Có thể nói ông Trần Văn Giàu đã cho bạn bè quốc tế từ Nhật, Pháp, Mỹ, Hàn hay Trung Quốc thấy được nền văn hiến của Việt Nam. Họ quen ông, hiểu ông rồi có tình cảm đặc biệt với ông. Cũng từ đó sự hiểu nhầm được xóa bỏ; họ là những người ủng hộ ông, ủng hộ Việt Nam trong việc tái tạo quan hệ, hàn gắn vết thương và tiến tới kết thân”.

Ông Nguyễn Trọng Xuất nói: Nghe nói đến tham nhũng, tiêu cực là cụ Giàu nổi giận lắm! Đó là một con người trong sáng, nên thấy những vẩn đục là không chịu nổi. Ngay cả sự nổi giận của ông cũng mang sự trong sáng ấy. Suy tư lắm, dằn vặt lắm nhưng mỗi lần nổi giận trước tiêu cực là nóng tính như một thanh niên vậy. Nhưng ông là người đặc biệt tôn trọng sự thật. Ai nói tiêu cực gì, cụ đều hỏi cho ra nhẽ để xem thật hư thế nào chứ không phải suy diễn vô căn cứ.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm