Chúng tôi gặp Trung tá Phạm Văn Tuyến, Phó Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái (thuộc Phòng PC08 Công an TP.HCM) vào một ngày giáp Tết Nguyên đán. Anh cùng với một số CSGT đang chăm chút cho cây mai đã nở vàng ươm được đặt ở ngay khu vực gương điều lệnh. Anh bảo: “Cây mai mượn đó, đẹp hông? Vậy cho có không khí Tết”.
Lúc người ta xem pháo hoa thì mình đang phân luồng
Khi hỏi Trung tá Tuyến rằng: “Tết này anh có bận không?” thì anh lại cười hì: “Năm nào cũng như năm nào ấy mà. Năm nay lại một năm đón giao thừa ngoài đường thôi”.
Trung tá Phạm Văn Tuyến (52 tuổi), Phó Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái đã có khoảng 30 năm đón giao thừa ngoài đường. Ảnh: L. THOA
Bước chân vào nghề CSGT từ năm 1990, đến nay đã gần 30 năm, đa số năm nào anh cũng đón giao thừa ngoài đường cùng với hàng ngàn người dân.
Địa bàn Đội CSGT Cát Lái phụ trách có nơi bắn pháo hoa nên năm nào Đội cũng tất bật để người dân đón giao thừa trong an toàn, trật tự.
Trước khi xuất quân, toàn bộ lực lượng của Đội sẽ tập trung sinh hoạt, chỉ huy phân công nhiệm vụ sau đó anh em sẽ cùng nhau chơi “Hái hoa dân chủ” bằng những câu hỏi vui nhưng cung cấp nhiều tri thức nghiệp vụ xung quanh việc ứng xử với người dân như thế nào cho phải. Sau đó mọi người sẽ chúc Tết, lì xì cho nhau để lấy hên trước thềm năm mới.
“Thời khắc giao thừa, người dân tụ tập rất đông, nhất là khu vực dẫn vào đường hầm sông Sài Gòn, thậm chí trên nhiều cây cầu xung quanh nên chúng tôi phải bố trí lực lượng khắp nơi để điều tiết, phân luồng, hướng dẫn người dân không tụ tập dưới lòng đường, ảnh hưởng giao thông, tạo điều kiện tốt nhất để người dân xem pháo hoa trong an toàn” -Trung tá Tuyến kể.
Anh tâm sự: “Lúc người dân xem pháo hoa thì mình đang phân luồng, giữa tiếng reo hò thì mình phải làm việc. Nhìn thấy nhiều gia đình cùng đi xem, cùng nhau đón năm mới mà lòng cũng chộn rộn theo. Lúc đó cũng hơi tủi thân một tí vì mình không có vợ con kề cạnh trong giờ phút thiêng liêng này. Lúc xong công việc, về tới nhà thì vợ con cũng ngủ say rồi. Nhưng mà mình cũng nhanh chóng gạt bỏ chút buồn đó mà hòa cùng niềm vui của cả dân tộc. Giao thừa là khoảnh khắc tự hào và sung sướng mà”.
Người CSGT già dặn thoáng đượm buồn khi nhắc đến những “cuộc đối đầu” không nên có trong đêm giao thừa. Đó là việc có rất nhiều người dân chen chúc nhau để xem pháo hoa, lấn chiếm cả lòng đường, gây ảnh hưởng giao thông nên buộc CSGT phải nhắc nhở đi chỗ khác nhưng người dân không hiểu lại cứ bực tức bảo: “Sao coi pháo hoa mà CSGT cũng đuổi?”. Rồi vì quá phấn khích mà nhiều thanh thiếu niên lợi dụng tụ tập đua xe, gây TNGT khiến CSGT… khổ cả đêm.
Trung tá Tuyến cho biết, thường thì sau đêm giao thừa, anh sẽ về nhà vào khoảng 2 giờ sáng nếu không phải ca trực. “Lúc trút bỏ bộ quân phục, mình thở phào một cái, chỉ muốn nằm thẳng lưng ra cho sướng, ngủ một giấc thôi” – anh cười.
Người dân gọi cho CSGT bảo: "Anh ơi chỗ này có kẹt xe”
Những ngày giáp Tết, với địa bàn là cửa ngõ phía Đông Bắc TP với những tuyến đường độc đạo, cảng lớn nên tập trung nhiều doanh nghiệp chở hàng, bà con về quê. Vì vậy, lượng xe tăng lên đáng kể, CSGT phải liên tục ở ngoài mặt đường với mồ hôi, bụi bặm vì kẹt xe.
Trung tá Tuyến cùng anh em chăm cây mai vàng mới "mượn" để Đội có không khí Tết. Ảnh: L. THOA
“Thương nhất là nhiều bà con đồng cảm, cùng hỗ trợ CSGT điều tiết. Rồi có nhiều người điện thoại cho mình bảo: “Anh ơi chỗ này có kẹt xe”. Thế là mình lập tức điều quân đến. Xong xuôi, người dân điện lại cảm ơn mình nữa. Sướng lắm vì mình đã làm trọn nghĩa vụ của một CSGT”- Trung tá Tuyến chia sẻ.
Rồi ngày thường cũng như ngày Tết, người dân thường điện thoại vào số cá nhân của Trung tá Phạm Văn Tuyến để hỏi về Luật. Anh Tuyến kể: “Có người hỏi do ở xa nên không đi đóng phạt được thì phải làm sao, rồi những thắc mắc về luật giao thông. Có cả những trường hợp phản ánh thái độ, ứng xử, vấn đề tiêu cực của lính mình. Mình hỏi rõ rồi cảm ơn kèm với xin lỗi và hứa nếu CSGT sai sẽ chấn chỉnh ngay và có trả lời cho người dân”.
Anh Tuyến bảo, dù có số điện thoại lạ gọi đến số cá nhân, ngoại trừ bận họp thì anh đều nghe hết và sẵn sàng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. ”Nhiều lần nghe máy thì thấy nhân viên bán nhà, bán đất gọi đến chứ không phải người dân. Nhưng mà sợ dân hoặc tổ phản ứng nhanh gọi để xử lý kẹt xe nên đều phải nghe” – anh Tuyến nói.
Đoạn, Trung tá Tuyến trầm tư, anh bảo chỉ còn ba năm nữa là đến hạn nghỉ hưu, không còn được thực hiện nhiệm vụ nữa. Điều anh trăn trở là làm sao các cơ quan chức năng có thể điều chỉnh hạ tầng cơ sở, tổ chức giao thông để người dân đi lại an toàn, thông suốt. Còn lực lượng CSGT phải trau dồi kiến thức, vận động chính bạn bè, người thân của mình tuân thủ luật giao thông, giảm thiểu TNGT, tạo hình ảnh đẹp trong mắt người dân...