Cô gái xung phong 5 năm không biết được thịt kho ngày Tết
Chúng tôi đến trước khu vực Bưu điện TP.HCM vào một ngày giáp Tết, thấy chị Quách Kim Hoàng cùng với đồng đội của mình mồ hôi nhễ nhại lăng xăng đưa khách du lịch sang đường, môi không quên mấp mé nụ cười tươi tắn.
Là thế hệ 9X đời cuối, Hoàng bước vào cuộc đời của một cô gái thanh niên xung phong đã được 5 năm vì mê màu áo xanh với mong muốn được giúp đời, giúp người. Từ đó, cô đi khắp các nơi ở trung tâm TP để hỗ trợ cho khách du lịch trong bất kì tình huống nào. Hễ nhận thông tin có khách du lịch nào bị chặt chém, trộm cướp thì Hoàng có mặt ngay.
Năm đầu, thử xa nhà nhưng rồi phải bật khóc
Còn nhớ năm đầu tiên làm TNXP, Hoàng mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chị xông xáo, nhiệt tình trong mọi việc, được nhiều anh em trật tự viên nể phục vì với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng lại rất mạnh mẽ; từng hỗ trợ và giúp đỡ không biết bao khách du lịch.
Chị Quách Kim Hoàng đã 5 năm không đón Tết cùng gia đình mà chọn cống hiến cho màu áo xanh. Ảnh: LÊ THOA
Đó là lý do cô gái trẻ chọn ăn Tết ở Sài Gòn, vì đầu óc chưa khi nào thôi lo nghĩ cho công việc, lo lắng cho anh em phải trực Tết ở TP này. “Thương ba mẹ lắm nhưng nghĩ ráng thêm chút nữa, qua Tết sẽ được về lâu hơn mà không vướng bận công việc” – Hoàng nói.
Rồi chị bật cười: “Năm đó mình muốn xa nhà thử coi sao. Không ngờ đêm đầu tiên trực Tết mình đã bật khóc giữa lòng TP này vì tủi thân”.
Đêm đó là đêm 30 Tết, Hoàng được bố trí ở góc đường hoa trên đường Hàm Nghi. Ngồi lủi thủi một mình với hộp cơm, Hoàng mới thấy nhớ nhà nhiều đến như thế nào. Chị thấy lạc lõng giữa lòng TP và miên man suy nghĩ nhiều thứ. Lúc này, một số anh em TNXP khác bất ngờ đến vỗ vai hỏi: “Sao buồn vậy cô?”. Rồi mua trà sữa, lì xì để an ủi cô em gái nhỏ và bảo rằng: “Ráng lên, sau Tết rồi về”.
“Mình nói là không buồn và chấp nhận vì chính mình đã lựa chọn nhưng không hiểu sao lúc đó mình lại tủi thân và ôm các anh khóc òa” – chị Hoàng nói.
Nhớ nồi thịt kho hột vịt đậm chất miền Tây của mẹ
5 mùa Tết xa quê, Hoàng bảo đây là những ngày vui có, buồn có, hạnh phúc, bâng khuâng cũng có. “Cái Tết truyền thống của người dân miền Tây đậm đà lắm. Đậm đà từ cái bánh Tét, đến nồi thịt kho hột vịt của mẹ. Mấy năm rồi không biết nồi thịt kho ngày Tết là như thế nào. Rồi nhớ cả những phong lì xì của gia đình, ấm áp, sum vầy lắm” – Hoàng vừa kể vừa cười tít.
Còn ăn Tết ở Sài Gòn, Hoàng ý thức được mình đang góp sức trẻ cho TP, cho người dân nơi đây đón một cái Tết an bình.
Những ngày mùng 1 Tết, từ 5 giờ sáng, Hoàng chạy xe từ huyện Nhà Bè (chỗ trọ của Hoàng) lên quận 1 để trực. Trong không khí rộn ràng tại những tụ điểm vui xuân, Hoàng hạnh phúc vì nhận được những cái nhìn thương cảm, cái nắm tay, vỗ vai động viên, chia sẻ. Hoàng kể: “Nhớ nhất là mới mùng 1 Tết đã được cô bán bánh cho cái bánh Tét. Ngày Tết mà, người ta ít bán cơm lắm, mình lại đi làm sớm nữa, tới điểm trực chưa có gì cho vào bụng. Rồi may sao có cô bán bánh Tết đi ngang, lì xì cho mình một đòn bánh Tét, mấy anh em xé lá, chia nhau ăn giữa đường vậy đó. Xúc động lắm”.
Sau ca trực, Hoàng đi… chơi Tết với chính những đồng đội của mình, lê la những quán cà phê đêm, chia sẻ buồn vui sau một ngày dài. Tết năm ngoái, Hoàng lại được đón giao thừa cùng với anh em trật tự viên và hàng ngàn người dân TP, cảm giác khó tả.
Cứ như thế, những ngày Tết cổ truyền, cô gái trẻ Quách Kim Hoàng dành trọn cho niềm đam mê công việc. Qua Tết, Hoàng được về Tết khoảng một tuần tròn. “Đây là toàn bộ số ngày phép mình tích lũy được trong suốt một năm làm việc để về với gia đình cho… đã” – Hoàng cười.
Những năm qua, bài học lớn nhất của Hoàng chính là tình yêu gia đình. Hoàng chia sẻ, những ngày trở về ăn Tết “bù” đúng kiểu như “đi thật xa để trở về vậy”; cảm thấy bản thân như được bé lại để ba mẹ chở che.
Rồi Hoàng lại cười, bảo: “Nhớ năm đầu khi biết con gái không về Tết, mẹ gọi điện hỏi này hỏi kia, hỏi con làm việc gì mà không về. Còn năm nay, mới hôm rồi mẹ hỏi: “Năm nay có về Tết không? Chắc không về nữa chứ gì””…
Con gái hỏi ba: Sao Tết còn đi làm?
Anh Trần Bá Sơn nhường suất nghỉ Tết cho anh em ở xa. Ảnh: L. THOA
Đó là trường hợp của anh Trần Bá Sơn (37 tuổi, ngụ quận 1), hàng năm đều nhường suất nghỉ Tết cho đồng đội xa quê được về đoàn tụ cùng gia đình. Vì theo anh, ít ra là anh còn được tới lui nhà cửa thoải mái, dễ chịu hơn những người xa quê nhiều. Dù vậy, nhiều năm mùng 1 Tết anh phải đi trực từ sớm, công việc ở nhà đành giao vợ quán xuyến. Thỉnh thoảng ngày Tết con gái nhỏ lại hỏi ba rằng: Ba ơi, sao Tết ba còn đi làm? Cũng may, anh Sơn được gia đình ủng hộ nên anh yên tâm trực Tết.
“Lúc trực Tết phải làm sao đảm bảo an ninh trật tự cho người dân du xuân. Chú ý đến các trường hợp móc túi, cướp giật điện thoại, chặt chém du khách,… Mấy lần mình cùng anh em trấn áp được tội phạm cướp giật trong dịp Tết, giữ bình an cho người dân nên rất sung sướng” – anh Sơn kể.