Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) chất vấn: "Lâu nay trên mạng xã hội có một số cá nhân tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, muốn xúc phạm ai thì xúc phạm. Một ví dụ là sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vừa rồi, có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các bộ trưởng. Thậm chí có cá nhân đăng lên câu: “Đại diện cho dân, đi ngược lòng dân”. Xin hỏi Chính phủ và Bộ Công an, có cần xử lý và có xử lý được tình trạng này không?".
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương.
Ông Cương cũng chất vấn tân Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. "Từ đầu Quốc hội khóa XIII đến Quốc hội khóa này, đại biểu chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần về SIM rác. Sau những giải pháp quyết liệt của Bộ, tình trạng SIM rác đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Xin hỏi Bộ trưởng có chấm dứt được tình trạng SIM rác không?".
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sau đó xin trả lời cả hai câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo Bộ trưởng, đây là câu chuyện toàn cầu, từ nước lớn tới nước nhỏ đều bị và càng ngày càng nặng hơn. Chúng ta mới sống trên không gian mạng được khoảng chục năm, kinh nghiệm chưa nhiều. Bộ trưởng Hùng cho rằng một số logic trong đời sống thực có thể mang áp dụng cho không gian ảo để xử lý câu chuyện thông tin sai.
Thứ nhất, phải định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật, cái này phải sửa một số quy định.
Thứ hai, phải có công cụ giám sát, phân tích, đánh giá. Mỗi ngày trên mạng xã hội bằng tiếng Việt có khoảng 100 triệu thông tin, không thể dùng người được. Bộ Thông tin và Truyền thông bước đầu xây dựng Trung tâm quốc gia giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, có thể đọc được 100 triệu tin mỗi ngày, phân tích, đánh giá, phân loại.
Thứ ba, phải có công cụ “quét rác”. Đây là câu chuyện vừa pháp luật vừa công nghệ, mà trước hết phải chỉ ra được đầu mối của việc này và có công cụ “quét rác” - đây là yếu tố kỹ thuật, công nghệ, có thể làm được.
Đồng thời, cái khó là có những mạng xã hội xuyên biên giới. “Chúng ta phải mạnh tay hơn, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các yêu cầu gỡ bỏ thông tin” - ông Hùng nói và cho rằng vấn đề này có thể học tập kinh nghiệm quốc tế.
“Quan trọng nhất là cương quyết thượng tôn pháp luật, có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng xã hội bây giờ không phải là ảo nữa mà là thật rồi. Chúng ta không nên bỏ trống trận địa này” - ông Hùng nhấn mạnh.
Về vấn đề SIM rác, theo tân Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, gốc nằm ở chỗ phải có một cơ sở dữ liệu công dân chính xác, phải xác định mối quan hệ giữa người đến đăng ký gắn với SIM và gắn với chứng minh nhân dân. Nhiều nước đã cài vào chứng minh nhân dân các thông tin cá nhân, ảnh, vân tay... Khi người đến đăng ký SIM, công ty cung cấp SIM chỉ cần chụp ảnh và so sánh với cơ sở dữ liệu. Nếu ảnh đó trùng với ảnh trên chứng minh nhân dân thì đó chính là người sở hữu chứng minh nhân dâm. Như vậy, SIM sẽ gắn vào chứng minh nhân dân và gắn đúng vào người sử dụng.
“Đây là giải pháp căn cơ nhất. Vừa qua chúng ta chưa căn cơ được, chúng ta dùng các giải pháp, tình hình đã tốt hơn. Nhưng thực sự căn cơ thì phải nhanh chóng xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư. Điều này không chỉ giải quyết câu chuyện SIM rác mà còn cả câu chuyện chính phủ điện tử nữa” - ông Hùng kết luận.