Trình bày với báo Pháp Luật TP.HCM, con gái bà HTU (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) rớt nước mắt: “Em không cần giành gì cho em đâu. Chỉ thương mẹ em già rồi mà mấy anh của em bất hiếu quá. Mưa tạt ướt hết mà cất nhà không được trong khi nhà mấy ảnh thì khang trang …”.
Bà HTU buôn bán lặt vặt trong cái chòi lá. Mỗi khi bà định xây nhà thì con trai ra hăm dọa thợ, riết không ai dám đến. Con gái không có điều kiện mua đất cất nhà nên bà quyết cho cô miếng đất có căn chòi lá này nhưng con trai bà ngăn cản và tranh chấp quyết liệt. Bà đã viết đơn kiện con trai.
“Nữ nhi ngoại tộc”!
Con trai bà HTU, anh NVH, cũng… bức xúc không kém khi trình bày với PV: “Cô coi, tui đâu có bất hiếu, đâu có chiếm đất đâu. Má tui nói vậy không đúng. Tui cũng trình bày cái oan của tui mà nhiều người hổng chịu nghe”.
Theo anh, ông bà nội khi giao đất cho con trai đã căn dặn đây là tài sản để cho cháu nội đích tôn, còn nữ nhi là ngoại tộc. Vì vậy, cha anh mất đi, đương nhiên đất đai phải do anh quản lý, mẹ phải ở với con trai. “Em gái tôi muốn xin xỏ gì thì nói với tôi, chớ đâu mà trước đây gia đình này đàn ông làm chủ, giờ đàn bà làm chủ, vậy là không được” - anh nói.
Cha mẹ anh lấy nhau năm 1967, được ông bà nội cho đất đai, tạo dựng nhà cửa. Cũng như nhiều người cùng thời, họ không đăng ký kết hôn, mặc định thừa nhận đàn ông làm chủ hộ. Sau khi cha mất, mẹ anh làm lại sổ đỏ, chia đất làm ba phần: Một phần bà đứng tên, phần giao cho anh và cho con gái. Nhưng gia đình bên chồng phản ứng vì cho rằng bà “lạm quyền” và đã “ủy quyền miệng” giao cho cháu trai quản lý toàn bộ khối tài sản đó.
Khi được hỏi mẹ anh đã già rồi, lại bệnh tật, ở nhà vậy sao coi được, anh H. bảo: “Nhà cửa tôi đàng hoàng, mẹ không chịu về ở, đòi ở với con gái. Mẹ sai chớ tôi đâu có sai”.
Mẹ anh đã khởi kiện ra tòa và được tòa xử thắng kiện. Anh NVH vẫn khăng khăng mình đúng. Anh vẫn tỉnh rụi vào đất của mẹ để trồng mì và “đòi lại công bằng”. Anh không nhìn thấy mẹ anh buồn bã héo hắt. Anh không nhìn thấy em gái gầy tóp đi sau vụ kiện. Anh cũng không nhìn thấy căn nhà hai mẹ con ở sát vách nhau mà nay xa vời vợi…
Ly hôn vì chồng… nhắc miết chuyện xưa
Chị NTHV (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) sau khi chia tay đã phải khổ sở tìm cách gặp con nhưng bị gia đình chồng cự tuyệt. Hơn một năm ròng chị nhờ chính quyền can thiệp để chồng cho gặp con nhưng không được. Anh ra điều kiện nếu muốn gặp con, chị phải quay về. Nhưng chị thì không thể.
Chị là một cô gái xinh đẹp, có nhiều người theo đuổi. Trước khi kết hôn, chị được tiếng là giao tiếp rộng. Sau khi kết hôn, vợ chồng chị ở chung với bố mẹ chồng. Họ yêu cầu chị phải nhuộm lại tóc đen, không được mặc váy và quần ngắn.
Chị làm ở một công ty nước ngoài, có lúc công việc nhiều phải về muộn, chồng chị mát mẻ: “Tụ với bạn thì nhận đi, cứ đổ tại công ty”. Có hôm anh còn hỏi: “Hay cô đi gặp bồ cũ? Ngày xưa cô có cả chục thằng bồ”. Ngay cả khi sinh con trai, dù cậu bé giống cha như đúc, chị vẫn nghe vài người bên gia đình chồng nói bóng gió: “Có chắc con thằng D. không đó?”.
Sau nhiều lần trò chuyện với chồng nhưng tình cảm không được cải thiện, chị quyết định nộp đơn xin ly hôn. Thay vì thay đổi để cứu vãn tình cảm, anh lại giận dữ cho rằng vợ “quen đường cũ”, anh khẳng định chị có bồ mới tính bỏ chồng...
Tòa xử chị được nuôi con. Anh thỉnh thoảng đến thăm con và đề nghị chị quay lại. Cũng có thời gian chị cho anh cơ hội nhưng hễ làm lành được vài ngày anh lại… xét nét chuyện xưa. Vậy nên chị chịu không thấu. Đành buông tay!
Nhiều người lớn thiếu kỹ năng sống Tôi đã tham vấn cho rất nhiều trường hợp bên bờ chia đàn xẻ nghé vì trong gia đình có những người quá cố chấp, những chuyện lặt vặt cũng bị đẩy lên thành mâu thuẫn. Khi tham vấn, tôi luôn khuyên người trong cuộc gỡ cái khúc mắc lớn nhất và học cách bỏ qua những khúc mắc khác. Mâu thuẫn gia đình khi được lấy ra “tính sổ” thì đã qua một quá trình tích lũy những mâu thuẫn nhỏ, nên khi đã “tính sổ” rồi khó giải quyết lắm. Tôi chỉ giúp người trong cuộc thấy được vấn đề của mình và hãy đặt mình vào vị thế của người kia để suy nghĩ. Mối quan hệ nào trong gia đình cũng cần những giềng mối là tôn trọng, yêu thương và bình đẳng. Bà LÊ THỊ THANH NHÃ, chuyên gia nghiên cứu gia đình, nguyên Phó Trưởng phòng Văn hóa gia đình, |