TAND hai cấp TP.HCM giới thiệu nhiều mô hình, giải pháp chuyển đổi số

(PLO)- Nhiều giải pháp, mô hình chuyển đổi số được các đơn vị TAND hai cấp TP.HCM áp dụng trong đề án xây dựng toà án điện tử.

Hưởng ứng ngày Pháp Luật Việt Nam (9-11), Đoàn thanh niên TAND TP.HCM tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ và hiệu quả công tác”.

Diễn đàn được tổ chức để lãnh đạo TAND hai cấp tại TP.HCM cùng các đoàn viên là công chức trẻ chia sẻ, thảo luận về vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực toà án và giới thiệu các mô hình chuyển đổi số.

Ông Quách Hữu Thái, Phó Chánh án TAND TP, cho biết chuyển đổi số, số hóa hồ sơ vụ án và đẩy mạnh triển khai tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND hai cấp TP.HCM chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện.

Ông Quách Hữu Thái, Phó Chánh án TAND TP.HCM, đề nghị công chức trẻ của TAND hai cấp TP đẩy mạnh hơn nữa trong chuyển đổi số tại đơn vị của mình. Ảnh: HĐ

Phó Chánh án TAND TP Quách Hữu Thái đề nghị các đoàn viên, công chức trẻ của TAND hai cấp TP cần đẩy mạnh hơn nữa số hóa dữ liệu hồ sơ vụ án. Ông Thái dẫn chứng TAND quận 1 là đơn vị đầu tiên hoàn thành xong số hóa, dữ liệu hồ sơ vụ án; tiếp đến là TAND TP Thủ Đức và hiện tại là TAND quận 11, quận Tân Bình đang triển khai thực hiện.

Nhiệm vụ tiếp theo là tiếp tục thực hiện đề án tống đạt điện tử và phiên tòa điện tử (HĐXX trình chiếu tài liệu chứng cứ tại phiên tòa bằng thiết bị điện tử, chuyển hồ sơ VKS bằng phương tiện điện tử...)

Ông Trần Trung Hiếu (Bí thư Đoàn thanh niên TAND TP) cho biết TAND TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai dự án tống đạt điện tử. Thực tiễn trong nhiều năm qua, TAND TP.HCM là đơn vị có số vụ việc giải quyết nhiều nhất nước, mỗi năm trung bình thụ lý trên 20.000 vụ án (Dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động). Số lượng vụ việc phải tống đạt theo phương thức trực tiếp, tống đạt qua người thứ ba, hoặc niêm yết, ủy thác tư pháp, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Lãnh đạo TAND hai cấp TP.HCM chụp hình với đoàn viên thanh niên. Ảnh: HĐ

Do đó, việc áp dụng công nghệ để thực hiện thủ tục tống đạt văn bản bằng phương thức điện tử tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách, khi hình thức này thay thế tống đạt qua thư bảo đảm hoặc Văn phòng thừa phát lại, phù hợp chủ trương xây dựng tòa án điện tử của TAND Tối cao.

Cấp bản sao trích lục Bản án chưa đến 10 phút

Cũng tại diễn đàn, TAND TP Thủ Đức giới thiệu giải pháp số hóa hồ sơ lưu trữ, ứng dụng công nghệ hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Với giải pháp này, khi người dân, cơ quan, tổ chức khi liên hệ sẽ được cung cấp trích lục bản sao bản án, quyết định đang lưu trữ tại TAND TP Thủ Đức nhanh chóng.

Theo đó, hiện nay chỉ với thời gian chưa tới một phút để lấy dữ liệu và in ấn, trong thời gian 5-10 phút đã có thể cung cấp bản sao trích lục Bản án, quyết định cho người dân, cơ quan có yêu cầu. So với trước, nếu trích lục bản án, quyết định thì Tòa án phải hẹn từ 3-7 ngày, có trường hợp phải hẹn lâu hơn, khi áp dụng giải pháp đã rút ngắn thời gian người dân phải chờ đợi, tiết kiệm thời gian công sức của cán bộ chuyên trách phụ trách lưu trữ và việc phân bổ công việc trong đơn vị cũng hợp lý hơn.

TAND quận 1 cũng giới thiệu giải pháp “bật nút thông báo thời hạn giải quyết hồ sơ trên hệ thống số hóa của TAND quận 1”.

Theo đó, quá trình giải quyết vụ án, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, thẩm phán phải tuân thủ nhiều quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn ban hành các văn bản tố tụng đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra, số lượng hồ sơ thụ lý hàng năm tại TAND quận 1 rất lớn, mỗi thẩm phán bên cạnh thực hiện công tác chuyên môn còn phải thường xuyên thực hiện các công tác khác được phân công; khối lượng công việc của mỗi thư ký cũng rất lớn.

Tại diễn đàn, TAND TP Thủ Đức và TAND quận 1 đã giới thiệu giải pháp chuyển đổi số tại đơn vị của mình. Ảnh: HĐ

Do đó, khi áp dụng giải pháp này sẽ giúp cho thẩm phán theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ vụ án, đảm bảo được các quy định của tố tụng về thời gian giải quyết vụ án, thời hạn ban hành các văn bản, quyết định đúng quy định, hạn chế tối đa số lượng hồ sơ quá hạn xét xử dẫn đến vi phạm tố tụng.

Phần mềm sẽ thông báo, gửi nhắc hẹn cho từng hồ sơ trực tiếp đến tài khoản của thẩm phán, thư ký; báo thời điểm phải thực hiện bước tố tụng tiếp theo; tránh trường hợp quên dẫn đến các vi phạm không đáng có trong quá trình công tác.

Hiện giải pháp này đang được hoàn thiện và sẽ áp dụng trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới