Ngày 20-7, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) mở hai phiên xử hình sự trực tuyến đầu tiên. Phiên xử thứ nhất do Chánh toà Hình sự, thẩm phán Trần Thị Hương Giang, làm chủ toạ.
Bị cáo được đưa ra xét xử là Nguyễn Thanh Điền (sinh năm 1995) bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Ngày 4-1, Điền bị bắt quả tang khi đang cất giữ hơn 4 gram MDMA và 1,9236 gram Ketamine trước cửa nhà tại hẻm đường Cầm Bá Thước, phường 7.
Chủ toạ đọc quyết định đưa vụ án trực tuyến đầu tiên ra xét xử. Ảnh: H.YẾN |
Số ma tuý trên Điền khai được nhờ đi giao trả công 150-300 ngàn đồng/lần. Tổng số tiền đã thu lợi bất chính tính đến ngày bị bắt là 1 triệu đồng.
VKS đề nghị xử phạt 4-5 năm tù. Tuy nhiên, HĐXX cân nhắc các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ nên đã tuyên phạt Điền bốn năm tù.
Phiên xử thứ hai bắt đầu vào buổi chiều đối với hai bị cáo Vũ Văn Đức (sinh năm 1986) và Nguyễn Đức Hùng (sinh năm 1975) bị truy tố về các tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Phiên xử trực tuyến thứ hai tại đầu cầu trung tâm. Ảnh: H.YẾN |
Đây là hai bị cáo có nhiều tiền án tiền sự. Đức đã thực hiện hai vụ trộm cắp xe máy vào đêm khuya cũng tại địa bàn phường 7. Theo kết luận định giá, tổng giá trị hai chiếc xe bị trộm là 86 triệu đồng. Hùng biết hai xe trên do phạm tội mà có nhưng vẫn giúp Đức tiêu thụ.
Để mở phiên xử trực tuyến, TAND quận Phú Nhuận sử dụng phòng xử số 1 làm điểm cầu trung tâm. Điểm cầu này có sự tham gia của HĐXX gồm thẩm phán và hội thẩm nhân dân, thư ký và kiểm sát viên. Đầu cầu còn lại hay còn gọi là đầu cầu thành phần được tổ chức tại Nhà tạm giữ - Công an quận Phú Nhuận số 181 Hoàng Văn Thụ. Đáng chú ý, trong vụ án thứ nhất, đầu cầu trung tâm còn có sự tham gia của người liên quan trong vụ án.
Phòng xét xử trực tuyến được đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu. Camera được lắp đặt có thể quét nhiều góc độ, thiết bị giải mã hình ảnh, thiết bị lưu điện, đường truyền mạng, âm thanh, chức năng quay video toàn bộ diễn biến phiên tòa... đảm bảo các yêu cầu theo quy định.
Trao đổi thêm, thẩm phán Trần Thị Hương Giang chủ tọa phiên xử trực tuyến đầu, cho biết: Việc xét xử theo phương thức này có nhiều thuận lợi cho các cơ quan tố tụng. Trước mắt là giải quyết được một số lượng án không nhỏ mà đơn vị đang thụ lý giải quyết. Đồng thời không mất nhiều thời gian, công sức trong việc áp giải bị cáo đến trụ sở toà án…
Sau phiên toà, đơn vị sẽ cùng với các cơ quan tố tụng quận ngồi lại rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện hơn hệ thống xét xử trực tuyến, đáp ứng các yêu cầu mà TAND Tối cao đề ra. Cạnh đó, nâng cao kỹ năng tranh luận, chất lượng giải quyết án theo phương thức mới này.