Tăng cường giám sát để cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa

(PLO)- Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến 2030 mà Bộ Chính trị vừa ban hành có nhiều nội dung mang tính kế thừa Chiến lược 2020 ban hành 12 năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Chính trị ngày 18-4 đã ban hành Kết luận 34-KL/TW về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Điểm mới nhất của Chiến lược này so với Chiến lược cùng tên đến 2020, cũng do Bộ Chính trị ban hành theo Kết luận 72-KL/TW ngày 17-5-2020 là không đóng dấu mật.

Còn về nội dung, theo nguồn tin có tham gia tổng kết Chiến lược 2020 thì Chiến lược 2030 có tính kế thừa cùng với một số phát triển có tính cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII.

Tiếp tục nâng cao nhận thức

Điểm đầu tiên về mục tiêu, Chiến lược 2030 nhấn mạnh yêu cầu “tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”.

Vấn đề chủ động ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị được đưa lên cao. Trong đó thành tố “tiêu cực”, “hệ thống chính trị” là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII.

Sang phần giải pháp, nội dung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy với công tác kiểm tra, giám sát có điểm đáng chú ý là tới đây sẽ phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Như vậy, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng, vốn có tính nội bộ, tính mật cao có thể sẽ trở nên gần gũi hơn không chỉ với đảng viên mà cả người ngoài đảng.

Cũng trong phần giải pháp, nội dung tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả có lưu ý “tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ”.

Công tác giám sát tới đây sẽ mở rộng trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm. Dùng giám sát để nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa.

Kỷ luật đảng viên suy thoái ngay từ cơ sở, chi bộ

Công tác kiểm tra giai đoạn tới nhấn mạnh kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Trong đó yêu cầu phải kịp thời xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" ngay tại cơ sở, chi bộ.

Nội dung giải pháp này có phần tương đồng tới những lo ngại về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, được nhắc tới nhiều ở nhiệm kỳ Đại hội XII và tiếp tục khẳng định từ sau Đại hội XIII đến nay.

Về công tác dự báo, Chiến lược 2030 yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định các hành vi vi phạm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế về kiểm soát tài sản, thu nhập, quyền lực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Đây đều là những vấn đề đã được đặt ra ở nhiệm kỳ khóa XII, trong đó có những phần sang nhiệm kỳ khóa XIII này phải đi vào triển khai trên thực tế, chẳng hạn kiểm soát tài sản, thu nhập theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, mà Ủy ban Kiểm tra đảng các cấp có trách nhiệm nặng nề.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm