CHIẾN DỊCH LÀM CHO THẾ GIỚI SẠCH HƠN - BÀI 1

Tăng cường nhận thức của cộng đồng

Mỗi năm, cứ vào tuần thứ ba của tháng 9, hàng trăm triệu người từ các quốc gia trên thế giới lại hào hứng tổ chức chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (Clean Up The World).

Năm 1989, ông Ian Kiernan khởi xướng Ngày làm cho Australia sạch hơn trong phạm vi quốc gia. Sau khi chương trình diễn ra thành công, với sự phối hợp của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), chiến dịch đã vượt qua khỏi nội bộ một đất nước và lan rộng ra cộng đồng thế giới. Chương trình nhằm hướng cộng đồng cùng hành động để bảo vệ môi trường là chính quê hương mình, từ đó đóng góp vào những nỗ lực toàn cầu.

Năm 2013, chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn có chủ đề Nơi sinh sống của chúng ta… Hành tinh của chúng ta… Trách nhiệm của chúng ta. Đây là nội dung tiếp theo của chiến dịch năm 2011, 2012 và hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm do Liên Hiệp Quốc phát động. Việt Nam tham gia hưởng ứng chiến dịch từ rất sớm, vào năm 1994. Đến nay sự kiện đã được các bộ, ngành, địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Thông qua các hoạt động ý nghĩa, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt.

Năm 2012, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức thành công lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn với sự tham gia của ông John McAnulty, Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP.HCM (bìa phải). Ảnh: NGỌC CHÂU

Tái chế chất thải, phân loại rác tại nguồn đem lại lợi ích lớn cho môi trường. Ảnh: NGỌC CHÂU (Nguồn: Tổng cục Môi trường)

Mới đây, Bộ TN&MT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch. Tùy theo tình hình thực tế mà mỗi nơi có thể tổ chức các sự kiện phù hợp nhằm giải quyết những bức xúc tồn đọng. Chẳng hạn như thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy, làm sạch ao hồ, kênh mương… Đồng thời, tổ chức tuyên truyền để mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng cùng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường. Qua đó, lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường; biểu dương, khen thưởng cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ môi trường. Có như thế thì phong trào thi đua mới càng được lan tỏa rộng rãi trong cả nước.

Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề ngày càng trở nên đáng lo ngại. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn còn thấp, ô nhiễm dầu mỡ trong nước biển ngày càng lớn; đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng. Song song đó là nhiều vấn đề khác như khai thác khoáng sản bừa bãi, an ninh nguồn nước đang bị đe dọa; ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Mặc dù các cơ quan chức năng đang nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng vấn đề quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, vai trò của cộng đồng chưa được huy động đầy đủ, nhất là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao.

Mặc dù chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn sẽ diễn ra đồng loạt vào một thời điểm cụ thể trong năm nhưng chúng ta có thể thực hiện nó bất kể thời gian nào. Qua những việc làm thật đơn giản như không xả rác bừa bãi; tiết kiệm điện, nước, năng lượng…; hạn chế sử dụng túi nylon; không lấn chiếm lòng, lề đường; trồng cây xanh… là bạn đã có thể góp tay làm môi trường thế giới sạch sẽ hơn. Mà quan trọng hơn thế là chính bầu không khí chúng ta hít thở mỗi ngày sẽ trở nên trong lành hơn. (Mời đón đọc bài 2 “Bảo vệ môi trường bằng những việc đơn giản” trên trang Nhịp sống Đô thị, ngày 11-9).

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới