(Điều 42 Nghị định số 179/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Mức xử phạt tối đa là 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỉ đồng đối với tổ chức.
Quá trình góp ý dự thảo BLHS 2015 trước đây, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 190 BLHS hiện hành (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) theo hướng hình sự hóa hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Bởi lẽ trước khi mua bán, vận chuyển bao giờ cũng phải có hành vi tàng trữ. Nhiều vụ tàng trữ xác động vật quý, hiếm với số lượng “khủng” đã bị phát hiện nhưng không thể xử lý hình sự bởi Điều 190 BLHS hiện hành không quy định.
Khắc phục bất cập này, Điều 244 BLHS 2015 đã hình sự hóa hành vi tàng trữ cá thể (đã chết), bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Điều luật cụ thể hóa các tình tiết định tính như “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, quy định cụ thể số lượng cá thể, trọng lượng bộ phận cơ thể một số loài phù hợp với từng khung hình phạt. Khoản 1 của điều luật nâng mức hình phạt tiền, tăng mức phạt tù đối với người phạm tội so với khoản 1 Điều 190 BLHS hiện hành. Đáng chú ý, khoản 4 của điều luật đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội. Ngoài hình phạt chính là bị phạt tiền từ 1 tỉ đến 15 tỉ đồng, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định…
BLHS 2015 đang tạm lùi hiệu lực thi hành để chờ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Theo chúng tôi, việc hình sự hóa hành vi tàng trữ trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là cần thiết, cần được tiếp tục quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015.